Ngày 11/7, Ban chấp hành Hiệp hội ngành hàng Lúa gạo Việt Nam (Vietrisa) tổ chức tổng kết trực tuyến về tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2025, ghi nhận những biến động về giá và sản lượng.
Vietrisa thực hiện nhiều nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm
Theo ông Lê Thanh Tùng, Tổng Thư ký Vietrisa, nửa đầu năm 2025, Hiệp hội đã thực hiện các hoạt động như: Tăng cường chuỗi giá trị rơm rạ, hỗ trợ Đề án 1 triệu ha lúa, ký kết biên bản ghi nhớ với các tổ chức, hoàn thiện trang website...
Tổng Thư ký Vietrisa cũng trình bày kế hoạch 6 tháng cuối năm của Hiệp hội với các nội dung như: Tiếp tục đóng góp thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa, thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện các biên bản ghi nhớ đã ký với các tổ chức, hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền thông qua trang web.

Cuộc họp tổng kết 6 tháng đầu năm của Vietrisa được tổ chức tại Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn. PGS.TS Bùi Bá Bổng, Chủ tịch Hiệp hội phát biểu khai mạc. Ảnh: Hồng Thủy.
Nhằm nâng giá trị gạo Việt, trong 6 tháng đầu năm, Vietrisa tập trung phát triển, quảng bá thương hiệu "Gạo Việt xanh" phát thải thấp, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu gạo, đặc biệt là các sản phẩm gạo chất lượng cao. Vietrisa đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu "Gạo Việt xanh" phát thải thấp cho 7 doanh nghiệp với tổng lượng gạo đạt 19.200 tấn. Lô hàng 500 tấn "Gạo Việt xanh” phát thải thấp đầu tiên đã được xuất khẩu sang Nhật Bản do một trong 7 doanh nghiệp này sản xuất. Đây là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh gạo Việt chất lượng cao và thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, Vietrisa cũng tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường tiềm năng về gạo chất lượng cao.
Hiệp hội tiếp tục duy trì và mở rộng các mối quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực lúa gạo nhằm nâng cao vị thế của gạo Việt trên trường quốc tế.
Vietrisa cũng đã phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học để đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các giống lúa mới, quy trình sản xuất tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giảm thiểu tác động tới môi trường.

6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu gạo Việt Nam giảm cả giá và lượng. Ảnh: HT.
Bên cạnh những kết quả tích cực, Vietrisa cũng nhận diện những thách thức trong 6 tháng cuối năm như thị trường lúa gạo thế giới đang có sự cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh. Biến đổi khí hậu gây ra những tác động tiêu cực đến sản xuất lúa gạo.
Để ứng phó với những khó khăn trên, Vietrisa đưa ra nhiều giải pháp, đặt mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng cho hạt gạo Việt thông qua chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển các sản phẩm gạo đặc sản. Tiếp tục đặt mục tiêu phát triển ngành hàng lúa gạo Việt Nam theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Với sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà khoa học và các cơ quan quản lý, Vietrisa tin tưởng sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới.
Đẩy nhanh tiến độ Đề án 1 triệu ha lúa
Phát biểu tại cuộc họp tổng kết, TS Đặng Kim Sơn - chuyên gia kinh tế và chính sách nông nghiệp cho rằng, lúa gạo ngày càng có vai trò quan trọng trên toàn cầu, vì thế cần đưa vấn đề chuyên canh cây lúa lên tầm quốc gia, quốc tế. Trong đó có xây dựng vùng liên kết, đảm bảo về mặt sản xuất. Hiệp hội cần có sự kết nối với các cơ quan nhà nước trong việc định hướng ngoại giao với một số nước để nhân rộng mô hình như Đề án 1 triệu ha lúa đảm bảo từ thị trường đến chất lượng.
Đặc biệt thời điểm hiện nay, vấn đề tinh giản bộ máy, các đơn vị hành chính giảm mạnh nên đã có những khoảng trống lớn ở lĩnh vực quản lý dịch vụ công. Hiệp hội cũng là một cộng đồng, nên tham gia vào hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước hoặc thử nghiệm tham gia vào dịch vụ công như đào tạo, nghiên cứu…, nếu chưa làm rộng có thể triển khai đối với các đơn vị tham gia liên kết của Hiệp hội.

Về Đề án 1 triệu ha lúa, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch Công ty Trung An cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: HT.
Tại điểm cầu Hà Nội, PGS.TS Lê Quốc Doanh, Phó Chủ tịch Vietrisa, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, năm 2024, Vietrisa phía Bắc đã phối hợp với các viện công lập trong nghiên cứu, lai tạo giống lúa, sau đó đã có nhiều hoạt động kết nối các doanh nghiệp. Ngoài ra còn tổ chức thành công hội thảo phát triển lúa gạo theo hướng tăng trưởng xanh cho miền núi phía Bắc.
Dưới góc độ doanh nghiệp được giao phụ trách mở rộng liên kết ngành hàng lúa gạo nhằm góp phần triển khai Đề án 1 triệu ha lúa, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch Công ty Trung An phân tích: “Tôi thấy việc triển khai Đề án là chậm. Với diện tích đã thực hiện còn quá nhỏ mà mục tiêu tới năm 2030 phải hoàn thành thì không cần thiết phải chờ đúng quy trình mà nên để các HTX, doanh nghiệp kết hợp với các địa phương để cho phép doanh nghiệp và HTX triển khai trên diện rộng ở các tỉnh ĐBSCL trong thời gian tới”, ông Bình nhấn mạnh.
Báo cáo của Vietrisa cho thấy, tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2025 gặp nhiều khó khăn do giá giảm và dự báo xuất khẩu giảm. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu từ đầu năm đến nay đã ghi nhận giảm xuống mức thấp nhất trong 9 năm, với gạo 5% tấm ở mức 399 USD/tấn và gạo 25% tấm ở mức 371 USD/tấn. Hiệp hội Lương thực Việt Nam đưa ra dự báo xuất khẩu gạo năm 2025 dự kiến chỉ đạt 7,5 triệu tấn.