Ngân hàng đất kinh phí 26 tỷ đồng rỗng đất do chờ cơ chế hoạt động
Thứ Tư 09/07/2025 , 14:44 (GMT+7)
Dự án "Ngân hàng đất" có kinh phí thực hiện 26 tỷ đồng tại Cà Mau hoàn thành năm 2018 nhưng trống rỗng đất vì chờ cơ chế hoạt động, gây lãng phí.
Ngân hàng đất kinh phí 26 tỷ đồng rỗng đất do chờ cơ chế hoạt động
Năm 2016, tỉnh Cà Mau phê duyệt và triển khai dự án “Ngân hàng Đất”, với mục tiêu tiếp nhận nguồn đất bùn từ việc nạo vét các công trình thủy lợi, hạn chế thải ra môi trường và tận dụng làm vật liệu san lắp mặt bằng thay thế nguồn cát. Dự án hoàn thành năm 2018, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động và Ngân hàng Đất vẫn trong tình trạng… trống rỗng, gây lãng phí.
Ông TRẦN VĂN NAM - Xã Cái Nước, tỉnh Cà Mau: “Hơn 4 năm ở đây thì tôi thấy dự án này vẫn chưa đi vào hoạt động rất là lãng phí. Vì dự án này sở hữu diện tích quá lớn.”
Ông PHẠM VĂN DIỆN - Xã Cái Nước, tỉnh Cà Mau: Dự án này đầu tư ở đây thì người dân chúng tôi rất mừng nhưng mấy năm nay mà vẫn chưa thấy hoạt động. Nhìn chung thì tôi thấy lãng phí vì đường xuống cấp rồi cầu cảng bị sạt lở, nghiêng hết rồi.”
Theo cơ quan chức năng, Ngân hàng đất tại Cà Mau được đầu tư theo mô hình học tập từ Hà Lan. Dự án do Ngân hàng thế giới tài trợ và được triển khai đầu tiên trong cả nước. Chính vì mới mẽ nên cơ chế hoạt động hầu như chưa có. Hiện nay, tỉnh đang xây dựng đề án quản lý và khai thác Ngân hàng đất.
Ông NGÔ HOÀNG ÂN - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý, khai thác công trình Thủy lợi tỉnh Cà Mau: “Hiện nay, Trung tâm đang xây dựng đề án khai thác Ngân hàng đất theo hình thức liên doanh, liên kết nhà nước 60% và tư nhân 40%. Hiện đề án đang được cấp thẩm quyền phê duyệt. Sau khi được duyệt thì Trung tâm trình UBND tỉnh thông qua và tiến hành mời gọi đầu tư.”
Dự án "Ngân hàng Đất" ở Cà Mau có diện tích khoảng 11 héc ta, với kinh phí 26 tỷ đồng là nơi tập kết 50.000-70.000 m3 bùn thu được từ việc nạo vét vuông tôm, kênh rạch... Nguồn "nguyên liệu" này sẽ được trộn với chất phụ gia làm tăng độ kết dính để cung cấp cho các nơi san lấp mặt bằng. Phương án này được kỳ vọng giúp giảm chi phí rất lớn so với việc dùng cát. Do đó, việc sớm tháo gỡ khó khăn để Ngân hàng đất đi vào hoạt động là cần thiết, nhằm phát huy hiệu quả và tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.