Tổng thuật: Diễn đàn 'Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản Tây Bắc'
Thứ Ba 01/07/2025 , 14:01 (GMT+7)
14h00 ngày 1/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, UBND tỉnh Sơn La, Hội Làm vườn Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản Tây Bắc.
Trực tiếp: Diễn đàn kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản Tây Bắc
14h00 hôm nay (1/7), Bộ Nông nghiệp và Môi trường, UBND tỉnh Sơn La, Hội Làm vườn Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản Tây Bắc.
Diễn đàn cũng có sự tham dự của đông đảo doanh nghiệp, HTX tham gia kết nối sản xuất và thương mại rau quả, dược liệu, mắc ca, cà phê arabica vùng Tây Bắc…
Tây Bắc là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển nông lâm sản hàng hóa. Năm 2024, sản lượng lúa đạt 773,5 nghìn tấn, ngô đạt 638,4 nghìn tấn, sắn đạt 899 nghìn tấn, mía đạt 1,15 triệu tấn.
Đặc biệt với ưu đãi về khí hậu và thổ nhưỡng, vùng Tây Bắc còn sản xuất nhiều loại cây ăn quả ôn đới và á nhiệt đới như xoài (đạt 79,8 nghìn tấn), nhãn (81,3 nghìn tấn), mận (94,5 nghìn tấn), chanh leo (7,6 nghìn tấn), cam (108,1 nghìn tấn), chuối (116,6 nghìn tấn), bưởi (125,9 nghìn tấn); cây lâu năm như cà phê (32,9 nghìn tấn), cao su (19,2 nghìn tấn); lâm sản ngoài gỗ và các sản phẩm có giá trị sinh học, dược liệu bản địa.
Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của các địa phương, nông nghiệp vùng Tây Bắc đã có bước phát triển khá toàn diện, hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, nông sản ngày càng được tiêu thụ rộng rãi ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu năm 2024 đạt khoảng 245 triệu USD (trong đó Sơn La đạt 190 triệu USD, Điện Biên trên 22,4 triệu USD, Lai Châu trên 6,5 triệu USD, Lào Cai 25 triệu USD). Một số mặt hàng xuất khẩu tiêu biểu gồm: cà phê hơn 90 triệu USD; chè 22 triệu USD; tinh bột sắn hơn 36 triệu USD; nhãn, xoài khoảng 30 triệu USD; tinh dầu quế khoảng 22 triệu USD.
Tuy nhiên, sản xuất còn phân tán, nhỏ lẻ; liên kết chuỗi chưa bền vững; công nghệ chế biến, bảo quản, truy xuất nguồn gốc còn hạn chế. Nhiều sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu mạnh, chủ yếu tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu thô.
Để phát triển bền vững, các địa phương cần đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đầu tư hạ tầng logistics và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sâu vào chuỗi giá trị.