Tây Bắc từng bước khẳng định vị thế nhờ kết nối sản xuất, tiêu thụ và thúc đẩy chuỗi giá trị nông lâm sản.
Với khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng đặc thù và hệ sinh thái đa dạng, Tây Bắc được xem là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển nông – lâm sản hàng hóa. Những năm gần đây, nhờ sự đầu tư của Nhà nước và sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, Tây Bắc đã từng bước hình thành các vùng chuyên canh tập trung, góp phần nâng giá trị xuất khẩu nông sản năm 2024 lên khoảng 245 triệu USD.
Tuy nhiên, sản xuất tại khu vực này vẫn chủ yếu mang tính nhỏ lẻ; liên kết chuỗi còn lỏng lẻo; công nghệ chế biến, bảo quản và truy xuất nguồn gốc chưa đáp ứng yêu cầu thị trường. Trước thực tế đó, Diễn đàn “Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc” được tổ chức gần đây không chỉ là nơi chia sẻ cơ hội mà còn là nhịp cầu gắn kết giữa nhà sản xuất, doanh nghiệp và thị trường.
Chị LÊ THỊ QUỲNH TRANG
Giám đốc Công ty TNHH công nghệ thực phẩm Hải Đăng, Sơn La
Khi tham gia chương trình này thì tôi sẽ được kết nối với các doanh nghiệp thu mua những sản phẩm sau chế biến và được tiếp cận với những vườn nguyên liệu có chứng nhận Global gap rất chất lượng. Chúng tôi sẽ kết nối từ vườn, từ vùng trồng tới nhà sản xuất và được kết nối với nhà bán hàng. Qua đây tôi mong muốn chính quyền địa phương ủng hộ chúng tôi có 1 sân chơi về nông sản tại địa phương, có thể kết nối những người sản xuất, những người trồng cây và bán hàng để chúng tôi có 1 sân chơi và giao lưu với nhau.
Trong các tỉnh Tây Bắc, Sơn La nổi bật là địa phương có bước tiến mạnh mẽ trong phát triển nông sản hàng hóa. Mục tiêu đến năm 2030, Sơn La sẽ ổn định diện tích 90.000 ha cây ăn quả và 25.000 ha cà phê, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật như tưới tiết kiệm, sản xuất theo VietGAP, mã số vùng trồng, và chế biến sâu – nhằm hướng tới trở thành trung tâm chế biến nông sản của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Bà CẦM THỊ PHONG
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La
Khi đã phát triển đa dạng các loại hình cây trồng thì việc kết nối, tiêu thụ nông sản giữa các tỉnh Tây Bắc là mục tiêu rất quan trọng. Thông qua diễn đàn này, nông nghiệp Sơn La hi vọng rằng có được sự kết nối các tỉnh trong vùng như Điện Biên, Lai Châu…Từ đó có thể trao đổi chia sẻ nông sản Sơn La có thể cung ứng cho tỉnh bạn. Đồng thời, những hàng hóa mà Sơn La còn thiếu có thể tiếp nhận từ các tỉnh bạn lại.
Ông LÊ QUỐC THANH
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
Chúng tôi cho rằng việc kết nối cung cầu, giới thiệu sản phẩm địa phương với trong nước và quốc tế phải làm liên tục. Với góc nhìn từ những người làm khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ như Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thì chúng ta phải bắt đầu từ sản phẩm. Phải có sản phẩm tốt, phải thực hiện quy trình sản xuất tốt, sản phẩm an toàn từ đó tiếp tục kết nối với thị trường. Đó là những vấn đề cốt lõi để làm sao giá trị nông sản Việt Nam ngày càng vươn xa hơn.
Từ những bước đi cụ thể trong kết nối sản xuất và tiêu thụ, Tây Bắc đang từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, để đi đường dài, cần nhiều hơn nữa sự đồng hành từ chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong xây dựng chuỗi giá trị nông sản hiệu quả, bền vững./.