Vườn cam ở Văn Giang bị ngập nặng
Hỏi: Sau những trận mưa lớn và kéo dài vừa qua, những vườn cây ăn quả ở quê chúng tôi bị ngập nước rất sâu. Cây đang trong tình trạng “sống dở, chết dở” mà nước vẫn chưa rút hết. Xin cho biết có cách nào để giảm nhẹ được tác hại của việc ngập úng đối với vườn cây ăn quả?
Nguyễn Đình Tiến và một số bà con ở thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang (Hưng Yên)
Trả lời: Để hoạt động, rễ cây ăn quả luôn đòi hỏi trong đất phải có ôxy để hô hấp. Khi bị ngập, nước đã “đuổi” hết không khí ra khỏi đất, khiến cho rễ cây bị thiếu ôxy. Ngoài ra nước ngập còn làm cho khí CO2 từ rễ không thoát ra ngoài được, khiến cho rễ bị ngộ độc, bị nghẹt rễ. Từ đó làm cho cây bị stress sản sinh ra nhiều ethylene bên trong, gây ngộ độc cho cây. Bộ rễ bị hủy hoại từ từ, không hút được nước và dinh dưỡng cung cấp cho cây, làm cho lá bị vàng, bị rụng, cây suy yếu dần rồi chết nếu không có biện pháp cứu chữa kịp thời.
Để hạn chế tác hại đối với vườn cây ăn quả khi đã bị ngập lũ, các bạn có thể áp dụng một số biện pháp chính sau đây:
1- Trong lúc cây đang bị ngập úng
- Không nên đắp chặn hết xung quanh vườn, nên mở thông để cho nước rút chảy tự nhiên, dòng chảy sẽ cung cấp thêm ôxy cho bộ rễ.
- Nếu lúc này cây đang đọt non, ra hoa kết trái thì nên tỉa bỏ đọt non, hoa, trái. Theo khuyến cáo của một số nhà khoa học thuộc Trường Đại học Cần Thơ thì lúc này nên phun hỗn hợp dung dịch gồm có 4/5 phosphat kali cộng với 1/5 urea (pha nồng độ1-1,5%), hoặc hỗn hợp 2/3 phân DAP với 1/3 clorua kali (pha nồng độ 1-2%), phun 2-3 lần, cách nhau khoảng 7-10 ngày. Việc làm này sẽ giúp lá mau già, cây chậm tăng trưởng, ít tiêu hao dinh dưỡng, trong lúc bộ rễ bị ngập không hút được nhiều dinh dưỡng đủ cung cấp cho cây.
- Ngoài ra có thể phun những loại phân bón lá chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, lân, kali, can xi, manhê, lưu huỳnh, sắt... cũng có tác dụng giúp cây tăng khả năng chống chịu với ngập úng (nhớ không dùng phân có tỷ lệ đạm cao).
2- Sau khi lũ rút
Cần khẩn trương tiến hành một số việc sau đây:
- Đánh rãnh cho số nước còn nằm đọng trên mặt vườn nhanh chóng thoát xuống mương. Khơi thông mương vườn để nước thoát nhanh ra kênh mương công cộng hoặc dùng máy bơm hút nước ra kênh. Để lượng nước đang nằm trong đất vườn ngấm xuống mương, từ đó nhanh chóng hạ thấp mực thủy cấp trong vùng rễ của cây.
- Xới nhẹ mặt đất ngay phía dưới tán lá bằng cào có răng ngắn để phá váng, nước trong đất sẽ nhanh bốc hơi, vườn sẽ mau khô. Nhớ cẩn thận đừng làm đứt nhiều rễ cây. Không đi lại dẫm đạp quá nhiều trong vườn cây.
- Cắt tỉa bớt những cành lá rậm rạp ở dưới gốc và bên trong tán cây, để vườn thông thoáng, đất bốc hơi nước nhanh. Đồng thời hạn chế bớt sự thiếu hụt nước trong cây do diện tích lá lớn, thoát hơi nước nhiều, trong khi bộ rễ đã bị “yếu sức” do ngập úng, chưa thể hút đủ nước theo yêu cầu của cây.
- Dùng cọc buộc chéo để chống đỡ cho những cây bị nước lũ làm ruỗng gốc rễ, tránh cây bị đổ ngã.
- Bón thêm phân để kích thích cây ra rễ mới, kịp thời hút nước và dinh dưỡng cung cấp cho cây, giúp cây phục hồi nhanh. Có thể trộn 2/3 phân DAP với 1/3 phân clorua kali rồi rải bón khoảng 0,2-1,0 kg hỗn hợp này cho một cây (tùy theo cây đã lớn hay còn nhỏ), bón thêm 0,5 kg vôi bột cho một gốc.
-Sử dụng các loại phân bón lá như: Yogen, Bayfolan, Bioted, Agrostim, Atonik... xịt ướt đều tán lá, để kịp thời bổ sung thêm dinh dưỡng cho cây. Sau khi lũ rút nếu cây đã bị vàng lá, thối rễ nên đốn bỏ để trồng cây khác.