Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu đặc thù, Tây Bắc đang từng bước trở thành vùng nông nghiệp trọng điểm với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Trong vòng 10 năm qua, diện tích trồng cà phê tại vùng đã tăng 54%, sản lượng tăng 265%, minh chứng rõ nét cho sự chuyển mình mạnh mẽ trong cơ cấu sản xuất.

Theo ông Lê Quốc Doanh, một trong những khó khăn mà Tây Bắc đang phải đối diện là các tổ hợp sản xuất nông nghiệp mới đòi hỏi quy trình canh tác và quản lý khác với cây trồng truyền thống. Ảnh: Tùng Đinh.
Tại Diễn đàn Kết nối Sản xuất và Thương mại Nông lâm sản Tây Bắc do Báo Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với một số đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng Hội Làm vườn Việt Nam và Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La tổ chức ngày 1/7, ông Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng các địa phương Tây Bắc đã chủ động khai thác tiềm năng bản địa, đặc biệt với nhóm cây ăn quả và cây công nghiệp như chè, cà phê, mắc ca… Tuy nhiên, những mô hình sản xuất mới này đòi hỏi kỹ thuật canh tác hiện đại, quản lý theo chuỗi, khác biệt với thói quen canh tác truyền thống của người dân.
Ông Doanh cho rằng, tỷ lệ sản phẩm đạt các chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP hay OCOP tại khu vực Tây Bắc vẫn chưa cao khiến khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế còn hạn chế. Để khắc phục, Tây Bắc cần tăng cường khuyến nông, đào tạo kỹ thuật mới cho nông dân, đồng thời xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm từ vùng trồng, chế biến đến tiêu thụ. Việc liên kết chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết để phát triển nông nghiệp hàng hóa bền vững.
Điện Biên hiện đã phát triển 5 vùng cây ăn quả tập trung với tổng diện tích khoảng 3.000 ha cùng hơn 12.300 ha cây mắc ca, 4.800 ha cà phê và hơn 5.000 ha cao su. Ngoài ra, địa phương cũng đã công nhận 3 giống cây trồng chủ lực, phát triển hơn 1.500 cây đầu dòng và triển khai nhiều mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Điện Biên đang nỗ lực tổ chức lại sản xuất, tận dụng vị trí địa lý giáp Sơn La để mở rộng vùng nguyên liệu cung ứng cho các doanh nghiệp lớn như Nafoods, Đồng Giao hay TH True Milk. Ảnh: IT.
Tuy nhiên, theo ông Lò Hồng Phong , Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Điện Biên, tình trạng canh tác theo kinh nghiệm vẫn còn phổ biến, ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, liên kết sản xuất còn rời rạc, logistics yếu và năng lực chế biến sâu chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông sản hàng hóa quy mô lớn.
Trước thực tế đó, tỉnh đang nỗ lực tổ chức lại sản xuất, tận dụng vị trí địa lý giáp Sơn La để mở rộng vùng nguyên liệu cung ứng cho các doanh nghiệp lớn như Nafoods, Đồng Giao hay TH True Milk. Với cây cà phê, Điện Biên định hướng duy trì diện tích tại các vùng khí hậu phù hợp, kết hợp phát triển du lịch nông nghiệp và tuân thủ tiêu chuẩn của thị trường quốc tế.
Ở góc độ chiến lược, ông Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam nhấn mạnh, Tây Bắc cần thay đổi tư duy sản xuất trên đơn vị diện tích. "Cần đặt mục tiêu mỗi hecta đất nông nghiệp tại miền núi phải đạt thu nhập tối thiểu 100 triệu đồng/năm. Đó là thước đo hiệu quả để các cấp chính quyền, ngành nông nghiệp và người dân cùng hướng đến", ông nói.

Ông Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam cho rằng, tiềm năng phát triển cây dược liệu tại Tây Bắc vẫn còn bị bỏ ngỏ, chưa được khai thác đúng tầm. Ảnh: Tùng Đinh.
Ông Hùng đánh giá bên cạnh cây ăn quả, cà phê, mắc ca hay chăn nuôi đại gia súc, Tây Bắc còn nhiều cây bản địa quý như dổi, trám, dẻ rừng có thể tạo ra sản phẩm đặc sản giá trị cao nếu được đầu tư đúng hướng. Việc tổ chức lại sản xuất không chỉ dựa trên mở rộng diện tích mà cần tập trung vào chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm chế biến, xây dựng thương hiệu vùng và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch.
Một điểm đáng lưu ý khác theo ông Hùng là vai trò của truyền thông nông nghiệp cần trở thành người bạn đồng hành cùng nông dân miền núi, truyền tải kịp thời những kiến thức mới, mô hình hay và tư duy thị trường.
Từ những góc nhìn đa chiều, có thể thấy Tây Bắc đang có nền tảng tốt để phát triển nông nghiệp hàng hóa có giá trị cao, nhưng để vươn xa hơn, cần có bước đột phá về tư duy sản xuất. Không chỉ là chuyển đổi giống cây mà là chuyển đổi cách nghĩ, cách làm, từ quy hoạch vùng nguyên liệu đến tiêu chuẩn hóa sản phẩm, từ liên kết chuỗi đến khai thác tài nguyên bản địa một cách bền vững. Đó mới là chìa khóa để nâng tầm nông sản lợi thế của vùng miền núi phía Bắc.