Những ngày cuối tháng 6, trên tuyến đường dẫn vào xã Tân Yên (tỉnh Sơn La), những chiếc xe tải chở đầy ắp thùng xốp mận lần lượt rời bản làng. Năm nay mận ở Tân Yên được mùa. Theo UBND xã Tân Yên, sản lượng mận trung bình của các hộ đều tăng 10 - 30% so với năm ngoái. Mận năm nay chín muộn, trùng thời điểm với nhiều loại quả khác như vải thiều, xoài, lê... khiến giá thấp so với mọi năm.

Những thùng mận đầy ắp chờ khách hàng đến lấy. Ảnh: Đức Bình.
Mận nhiều, người mua ít
Anh Nguyễn Văn Tường ở bản Tà Phềnh (xã Tân Yên) trồng hơn 4 ha mận hậu. Năm nay vườn nhà anh đậu quả rất sai, sản lượng tăng 30% so với năm trước, dự kiến đạt khoảng 70 tấn. “Tôi trồng mận đã được 8 năm nhưng năm nay việc tiêu thụ thực sự khó khăn. Giá mận giờ thấp quá, tiêu thụ lại chậm, thương lái dưới xuôi bảo không bán được nên mỗi ngày chỉ thu mua của gia đình tôi khoảng vài tạ, không dám mua thêm”, anh Tường tâm sự.
Nguyên nhân khiến việc tiêu thụ mận hậu trở nên khó khăn không chỉ bởi năm nay được mùa, sản lượng tăng mạnh mà còn do nhiều yếu tố khác như mận chín muộn, trùng với mùa thu hoạch vải thiều chính vụ, trong khi vải thiều thị trường tiêu thụ thuận lợi hơn do ở ngay thị trường miền xuôi, trong khi việc vận chuyển mận từ Sơn La về xuôi khó khăn và đội chi phí lên cao. Mặt khác mận năm nay thu hoạch đúng dịp mưa nhiều, ảnh hưởng đến việc thu hái và vận chuyển mận đi xa, trong khi thời gian vận chuyển càng lâu thì chất lượng càng giảm.

Anh Tường hàng năm lãi trăm triệu đồng sau mỗi vụ mận nhưng năm nay có nguy cơ lỗ. Ảnh: Đức Bình.
Khí hậu ở Tân Yên mát mẻ quanh năm với nhiệt độ trung bình 23 – 27 độ C, thời tiết thường xảy ra sương muối ngay sau Tết Nguyên Đán, có năm mưa lớn, mưa đá xẩy ra đầu hè khiến mận bị thiệt hại nhưng năm nay không bị ảnh hưởng bởi thời tiết nên mận được mùa lớn. Hiện bà con cũng đã áp dụng các kỹ thuật tỉa cảnh tạo tán, chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ nên năng suất, mẫu mã, chất lượng mận ngày càng nâng cao. Mặc dù vậy năm nay mận rớt giá xuống dưới 10.000 đồng/kg nên bà con kém vui.
Không trồng ra rồi bỏ đó
Năm nay mận đẹp tiêu thụ đã khó, những hộ đầu tư thâm canh hạn chế, quả nhỏ tiêu thụ càng khó. Như hộ anh Vàng A Gâu cùng ở xã Tân Yên có 2 ha mận, sản lượng dự kiến khoảng 50 tấn, thương lái chỉ thu mua với giá khoảng 4.000 đồng trở xuống. “Mận tuyển chọn loại 20 - 25 quả/kg còn bán được 4.000 đồng/kg, mận nhỏ thì thương lái mua xô chỉ 2.000 đồng/kg, bán không đủ trả tiền công hái”, anh buồn bã.
Theo ông Đinh Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Tân Yên, diện tích trồng mận hậu của xã hơn 511 ha, trong đó 456 ha đã cho thu hoạch. Năm nay mận được mùa, sản lượng tăng mạnh, trung bình 1 ha đạt 20 – 25 tấn nên cung vượt cầu.“Chợ đầu mối dưới xuôi năm nay thu mua cầm chừng do khó tiêu thụ. Ngay ở chợ trung tâm các xã ở Sơn La sức mua cũng kém”, ông Thuận cho biết.

Anh Vàng A Gâu cho biết năm nay mận được mùa, sản lượng tăng cao nên những vườn mận đầu tư thâm canh kém, quả bé rất khó tiêu thụ, giá thấp. Ảnh: Đức Bình.
Tình trạng ứ hàng, giá thấp xảy ra đại trà, nhưng một số hộ áp dụng kỹ thuật trồng mận trong nhà màng, nhà lưới thu được quả to, đồng đều vẫn bán được giá bình quân 10.000 đồng/kg nhưng số lượng hộ áp dụng canh tác theo hình thức này tại Sơn La vẫn còn ít. Bên cạnh đó, việc liên kết sản xuất mận nhiều nơi vẫn còn hạn chế khiến việc tiêu thụ vẫn gặp khó khăn.
Trước đây, một số HTX từng liên kết sản xuất mận tại vùng xã Tân Lập (thị xã Mộc Châu cũ), song việc tổ chức tiêu thụ, phát triển thị trường chưa bài bản và chặt chẽ dẫn đến bị động khi vào chính vụ thu hoạch. Chính quyền địa phương cho biết đang nỗ lực phối hợp với bà con tại các bản xây dựng quy trình chăm bón mận theo hướng hữu cơ, xác định sản lượng dự kiến theo từng vụ thu hoạch để kết nối tiêu thụ, tránh cảnh được mùa mất giá.
“Bà con giờ ai cũng muốn làm nông nghiệp sạch. Khi xuất hàng đi xa, nhiều nơi đã bắt đầu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Để làm bài bản, các hộ cần chịu thay đổi, áp dụng đúng quy trình chăm sóc, sau đó mới hướng tới khai thác thị trường”, ông Đinh Văn Thuận nhấn mạnh.
Câu chuyện của Tân Yên không mới, nhưng nó cũng phản ánh phần nào những khó khăn trong tiêu thụ nông sản ở một số địa bàn tại Sơn La. Chỉ khi định hình được lối đi trong sản xuất gắn với thị trường, nông dân mới chủ động làm chủ, điều khiển được giá sản phẩm.
Ông Hồ Trung Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La cho biết sản lượng mận năm nay của tỉnh ước đạt khoảng hơn 100.000 tấn - con số nói lên một mùa vụ thành công của bà con trong sản xuất, nhưng đi kèm lại là áp lực tiêu thụ.

Chất lượng mận của Tân Yên vẫn ngọt, vẫn có quả to nhưng lại không đồng đều. Ảnh: Đức Bình.
Tại sao lại có áp lực đó, bởi con số không đi kèm với chất lượng. Ông Kiên ví dụ, những vùng trồng mận chuyên nghiệp, một hộ dân bỏ hàng trăm triệu đầu tư hệ thống tưới, bỏ ra nhiều công tỉa cành, tạo tán, chăm bón… sẽ khác hộ trồng xen canh mận với các cây trồng khác. Những hộ trồng xen hầu như không đầu tư gì, dẫn tới quả nhỏ, chất lượng quả thấp, giá bán thấp, vô hình trung kéo giá chung thị trường giảm xuống.
“Chúng tôi luôn khuyến khích phát triển các vùng sản xuất nông sản tập trung, có sự đầu tư về kỹ thuật canh tác, phân bón, quy trình chăm sóc đạt tiêu chuẩn chứ không để tình trạng trồng cây ra rồi bỏ mặc khiến chất lượng sản phẩm kém, giá bán thấp làm ảnh hưởng chung đến chất lượng, giá cả và thương hiệu nông sản của tỉnh", ông Kiên nhấn mạnh.
Theo ông Kiên, năm nay dù việc tiêu thụ mận nhìn chung gặp khó khăn, song những hộ làm tốt, đúng quy trình, có sự đầu tư bài bản vẫn bán được mận với mức giá bình quân 20.000 đồng/kg, gây dựng được thương hiệu, từ đó nâng tầm sản phẩm.
Yếu tố tiếp theo ông Hồ Trung Kiên nhấn mạnh là chế biến sâu. Hiện nay, sản lượng mận của Sơn La chủ yếu tiêu thụ theo hình thức quả tươi, chưa có nhiều đơn vị sáng tạo ra những sản phẩm đóng hộp hay sấy, điều này khiến việc tiêu thụ gặp khó khăn. Một số doanh nghiệp ở miền Nam đang đặt hàng, mua lại mận xô để về chế biến thành siro mận nhưng quãng đường di chuyển xa khiến mức giá giảm thấp, chưa thu hút được nhiều bà con nông dân tham gia.