Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Cần Thơ vừa phối hợp với Viện Lúa ĐBSCL tổ chức hội thảo đánh giá kết quả triển khai mô hình công nghệ tưới ngập - khô xen kẽ trong canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương và định hướng nhân rộng mô hình trên toàn Thành phố. Đây là một trong những bước đi cụ thể nhằm thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (Đề án 1 triệu ha lúa).

Các HTX, cá nhân tham gia Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao tại Cần Thơ đều cho kết quả tốt. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ông Nguyễn Trọng Tuệ, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật (Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Cần Thơ) cho biết: Hiện Cần Thơ đang khuyến khích các HTX, cá nhân tham gia Đề án 1 triệu hecta lúa. Riêng trong vụ đông xuân 2024–2025, mô hình canh tác lúa theo quy trình phát thải thấp đã được triển khai thí điểm tại ba huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai và Cờ Đỏ (thuộc TP Cần Thơ cũ) với tổng diện tích 105 ha. Dù điều kiện thời tiết không thuận lợi, nắng nóng kéo dài và sương mù vào sáng sớm gây khó khăn trong chăm sóc và quản lý dịch hại nhưng nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học và quy trình sản xuất chặt chẽ, mô hình vẫn ghi nhận những kết quả khả quan.

Tưới ngập - khô xen kẽ trong canh tác lúa góp phần hiện thực hóa mục tiêu sản xuất bền vững. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Một trong những kỹ thuật then chốt được nhấn mạnh là tưới ngập - khô xen kẽ (AWD). Đây giải pháp giúp tiết kiệm nước, giảm phát thải khí metan và duy trì năng suất lúa ổn định. Phương pháp này yêu cầu nông dân chỉ bơm nước khi mực nước trên ruộng xuống dưới mặt đất 15 cm hoặc mặt ruộng bắt đầu nứt chân chim. Trong các giai đoạn quan trọng của cây lúa như từ 12 - 22 ngày hay từ 28 - 40 ngày sau sạ, nông dân chủ động rút nước để duy trì chế độ khô xen kẽ, vừa có lợi cho cây lúa vừa tiết kiệm chi phí sản xuất.
Ngoài ra, quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp do Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chủ trì, phối hợp Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) và các chuyên gia xây dựng cũng đang được áp dụng vào thực tiễn tại địa phương. Quy trình này tích hợp toàn diện từ khâu làm đất, gieo sạ, quản lý nước, bón phân, quản lý dịch hại, thu hoạch, sấy, bảo quản đến xử lý rơm rạ. Đặc biệt, việc sử dụng giống xác nhận, sạ hàng bằng máy kết hợp bón vùi phân, ứng dụng bảng so màu lá để điều chỉnh lượng đạm và cơ giới hóa thu hoạch, sấy, bảo quản đều góp phần nâng cao chất lượng hạt gạo và giảm chi phí sản xuất.

Tưới ngập - khô xen kẽ trong canh tác lúa giúp giảm 5 - 10% chi phí sử dụng phân bón và thuốc BVTV mà năng suất lúa vẫn ổn định. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Theo chuyên gia của Viện Lúa ĐBSCL, muốn đạt được mục tiêu của Đề án 1 triệu hecta lúa, yếu tố then chốt là giống lúa. Viện Lúa ĐBSCL đang tập trung lai tạo và khảo nghiệm các giống mới đáp ứng tiêu chí chất lượng cao, năng suất tốt, thích nghi với điều kiện khắc nghiệt và có khả năng giảm phát thải khí nhà kính. Viện đã có những giống như OM18, OM5451 hay mới đây là OM9582 được đánh giá cao trong chương trình sản xuất thử.
Ngoài ra, việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật như canh tác lúa thông minh, bón phân tiết kiệm, sử dụng chế phẩm sinh học cũng được triển khai mạnh mẽ. Viện đang phối hợp với nhiều địa phương ở ĐBSCL để đảm bảo vùng nguyên liệu lúa không chỉ đạt chuẩn trong nước mà còn đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường nhập khẩu.