
Trên thực tế, phần lớn các mô hình BHNN hiện vẫn tổ chức ở cấp hộ nông dân nhỏ lẻ, thiếu tổ chức trung gian như các tổ nhóm nông dân, HTX. Ảnh: TL.
Vì sao cần thông qua tổ nhóm nông dân, HTX?
Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) là một công cụ quan trọng trong việc quản lý rủi ro, bảo vệ sinh kế, ổn định sản xuất, giảm phụ thuộc vào hỗ trợ của Nhà nước, qua đó thu hút đầu tư vào sản xuất kinh doanh và thúc đẩy sản xuất bền vững. Tuy nhiên, việc triển khai BHNN tại Việt Nam hiện nay vẫn rất hạn chế cả về phạm vi và đối tượng tiếp cận, mặc dù đã có chính sách hỗ trợ phí lên tới 90% cho hộ nghèo, cận nghèo.
Thực tế cho thấy, phần lớn các mô hình BHNN hiện vẫn tổ chức ở cấp hộ nông dân nhỏ lẻ, thiếu tổ chức trung gian như các tổ nhóm nông dân, hợp tác xã (HTX), dẫn đến chi phí giao dịch cao (ký hợp đồng, thu phí, giám sát, bồi thường); thiếu hiểu biết và niềm tin của người dân về bảo hiểm do hạn chế tiếp cận truyền thông để hiểu rõ bản chất việc tham gia BHNN là giúp nâng cao chất lượng nông sản, minh bạch nguồn gốc, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu rủi ro thay vì chỉ coi việc tham gia BHNN để được hỗ trợ đề bù thiệt hại khi bị thiên tai, dịch bệnh; doanh nghiệp bảo hiểm không đủ dữ liệu đầu vào để thiết kế sản phẩm phù hợp, gặp khó khăn trong xác nhận tổn thất và kiểm soát rủi ro.
Trong bối cảnh đó, HTX nông nghiệp có khả năng đảm nhiệm hiệu quả nhiều khâu trong chuỗi giá trị bảo hiểm, từ kết nối người dân đến doanh nghiệp bảo hiểm, từ quản lý kỹ thuật sản xuất đến xác nhận tổn thất và phân bổ bồi thường. Tổ chức triển khai BHNN thông qua các tổ nhóm nông dân hoặc HTX không chỉ là một giải pháp kỹ thuật mà còn là yêu cầu về mặt thể chế.

Hiện có khoảng 317.000 hộ dân tham gia bảo hiểm, song phần lớn không thông qua tổ nhóm hay HTX.
HTX giúp tập hợp hộ nông dân cùng sản xuất một sản phẩm, trên một vùng tương đồng về điều kiện canh tác, rủi ro, từ đó dễ dàng triển khai các mô hình bảo hiểm nhóm, bảo hiểm chỉ số, giám định tập trung, và phân phối lợi ích công bằng hơn. BHNN sẽ khó tiếp cận hiệu quả nếu thiếu vắng vai trò của tổ nhóm nông dân, HTX - một thiết chế nông thôn gắn bó trực tiếp với nông dân, có năng lực tổ chức sản xuất, lưu giữ hồ sơ, kiểm tra thiệt hại và thực hiện giám sát cộng đồng.
Tại Ấn Độ, chính sách của nhà nước yêu cầu hộ nông dân chỉ được tham gia BHNN nếu là thành viên của các tổ chức nông dân; việc phân vùng rủi ro, xác định thiệt hại dựa trên dữ liệu vệ tinh tập thể; qua đó giảm đáng kể chi phí giám định, tăng tính minh bạch. Các chương trình như Pradhan Mantri Fasal Bima Yojana (PMFBY) được triển khai qua hội nông dân và tổ hợp tác giúp bảo hiểm hàng triệu ha cây trồng với chi phí quản lý thấp nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền - doanh nghiệp bảo hiểm - tổ chức nông dân.
Ở Philippines, công ty Bảo hiểm nông nghiệp Quốc gia (PCIC) áp dụng mô hình bảo hiểm theo nhóm, trong đó HTX và các hội sản xuất là kênh kết nối chính thức giữa người nông dân và hệ thống bảo hiểm. Công ty PCIC liên kết với các tổ nhóm nông dân, HTX và ngân hàng phát triển để triển khai BHNN; Chính phủ hỗ trợ phí BHNN đến 100% cho hộ nghèo nếu tham gia qua tổ nhóm nông dân, HTX. Kết quả là tỷ lệ hộ nghèo được bảo vệ rủi ro nông nghiệp tăng gấp 03 lần trong 10 năm.
Tại Trung Quốc, chính quyền khuyến khích "bảo hiểm nhóm nông dân", lấy HTX làm đầu mối cho hợp đồng, chi trả, và thống kê tổn thất, nhờ đó mở rộng nhanh diện bao phủ BHNN ở vùng nông thôn, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản. Nhìn chung nhiều quốc gia đều khẳng định BHNN không thể tiếp cận hiệu quả nếu không qua thiết chế trung gian là tổ nhóm nông dân hoặc HTX.
Nhìn chung, BHNN theo tổ nhóm nông dân, HTX sẽ hiệu quả và phù hợp hơn thay vì cho từng hộ riêng lẻ vì những lý do chính sau đây:
(1) Khắc phục điểm nghẽn về thông tin, truyền thông: Triển khai BHNN đến từng hộ nông dân sẽ tốn thời gian, khó tuyên truyền hiệu quả do nhận thức còn hạn chế. HTX là đầu mối tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông, từ đó nâng cao nhận thức nhanh chóng, đồng đều HTX là nơi tập hợp thành viên sản xuất cùng ngành hàng, cùng vùng sinh thái, nên dễ tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn tập trung. HTX cũng có thể phối hợp với cơ quan khuyến nông, doanh nghiệp bảo hiểm để cung cấp thông tin sản phẩm, hướng dẫn quy trình, xây dựng niềm tin cho người dân;
(2) Giảm chi phí giao dịch và hành chính: BHNN theo hộ riêng lẻ đòi hỏi quy trình thẩm định, ký hợp đồng, thu phí, giám sát, bồi thường rất tốn kém do số lượng lớn, quy mô nhỏ. Khi tổ chức bảo hiểm qua tổ nhóm, HTX, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ cần ký hợp đồng với một đại diện, giảm đáng kể chi phí về: hợp đồng tập thể; giám sát tập thể; thẩm định tổn thất đồng bộ;
(3) Cung cấp dữ liệu sản xuất và rủi ro để thiết kế sản phẩm phù hợp, qua đó tăng tính minh bạch, phòng tránh rủi ro gian lận: Phần lớn các doanh nghiệp bảo hiểm hiện không có đủ dữ liệu thực tế về thời tiết, năng suất, rủi ro đặc thù trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Trong khi đó, nhiều HTX nông nghiệp hiện đang sử dụng các phần mềm nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc, kế toán số...Đây là nguồn dữ liệu quý báu để thiết kế sản phẩm bảo hiểm chỉ số, theo mùa vụ, theo ngành hàng. HTX có vai trò điều phối sản xuất và kiểm soát kỹ thuật, nên có thông tin tốt về năng suất, rủi ro, tổn thất thực tế. Thay vì từng hộ tự kê khai thiệt hại, HTX có thể phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm và chính quyền để xác thực khách quan hơn;
(4) Tạo điều kiện để thiết kế sản phẩm bảo hiểm theo đặc thù địa phương: Mỗi HTX thường tổ chức sản xuất theo ngành hàng, lĩnh vực đặc thù. Dữ liệu sản xuất của tổ nhóm, HTX giúp doanh nghiệp bảo hiểm thiết kế sản phẩm phù hợp về phí, loại rủi ro bảo hiểm, phạm vi bồi thường;
(5) Tạo liên kết chuỗi, đồng thời giải quyết rủi ro và vốn: HTX có thể làm trung gian giữa doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng; BHNN tích hợp với tín dụng giúp nông dân vừa được vay vốn, vừa được bảo hiểm, qua đó, tăng niềm tin ngân hàng, giảm rủi ro tín dụng, tăng cơ hội đầu tư nông nghiệp.
Thực trạng ở Việt Nam: BHNN thiếu vắng vai trò của HTX
Từ năm 1982, Chính phủ Việt Nam đã chú trọng phát triển thị trường BHNN. Đặc biệt, trong khoảng 10 năm trở lại đây, Chính phủ đã có những điều chỉnh về chính sách nhằm hỗ trợ cũng như thu hút người dân sản xuất tham gia chương trình.
Trên cơ sở Nghị quyết 26-NQ/TW đề nghị “thí điểm bảo hiểm nông nghiệp”, Chính phủ đã tiến hành thí điểm BHNN theo Quyết định số 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình thí điểm BHNN Quốc gia 2011-2013. Kết quả là sự ra đời của Nghị định 58/NĐ-CP về BHNN, tạo ra khuôn khổ pháp lý ổn định, minh bạch, thống nhất và các quy định mang tính đặc thù phù hợp với đặc điểm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.

Nông dân thăm đồng.
Một loạt các chính sách hỗ trợ đã được ban hành từ năm 2019 đến nay để đảm bảo tính liên tục và thống nhất trong triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN của Nhà nước. Gần đây nhất, Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg ngày 09/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đã mở rộng phạm vi bảo hiểm lên tới 31 tỉnh/thành (trên tổng số 63, tỉnh thành phố trước khi sáp nhập) và 11 sản phẩm nông nghiệp. Mức hỗ trợ phí bảo hiểm được áp dụng ở mức tối đa so với quy định tại Nghị định 58, bao gồm 90% cho hộ nghèo, cận nghèo và 20% cho hộ thường hoặc các tổ chức tham gia sản xuất theo mô hình hợp tác, liên kết, v.v. Mặc dù nhận được sự hỗ trợ liên tục từ Chính phủ, sự tham gia của các doanh nghiệp bảo hiểm, quá trình triển khai bảo hiểm hỗ trợ nông nghiệp hiện nay vẫn còn khiêm tốn.
Thực tế là việc triển khai BHNN ở Việt Nam những năm qua vẫn chủ yếu thực hiện hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ gia đình đơn lẻ. Trong giai đoạn 2011-2013 (thí điểm theo Quyết định 315/QĐ-TTg) và giai đoạn 2019-2023 (triển khai Nghị định 58/2018/NĐ-CP), BHNN được áp dụng tại 20 tỉnh, thành phố nhưng chủ yếu thực hiện ở cấp hộ sản xuất cá thể với doanh nghiệp bảo hiểm là bên ký hợp đồng trực tiếp. Cụ thể có tổng cộng có khoảng 317.000 hộ dân tham gia bảo hiểm, song phần lớn không thông qua tổ nhóm hay HTX.
Các doanh nghiệp bảo hiểm (như Bảo Việt, Bảo Minh, Bảo hiểm Bưu điện,…) khó tiếp cận từng hộ, gặp khó trong giám định tổn thất, thu phí, tuyên truyền. Một số dự án của các tổ chức như GIZ, ABIC, MIC, MSIG triển khai thử nghiệm bảo hiểm rủi ro thời tiết và bảo hiểm vi mô thời gian qua cũng đều gặp những trở ngại, vướng mắc lớn nhất đó là thiếu tổ chức nông dân như HTX làm cầu nối, khiến người dân không hiểu rõ quyền lợi, sản phẩm khó thiết kế vì thiếu dữ liệu đầu vào.
Hệ quả là tỷ lệ người dân tham gia thấp, do thiếu niềm tin, thiếu hiểu biết và chi phí cao; doanh nghiệp bảo hiểm không mặn mà do chi phí quản lý, giám định tổn thất lớn, lợi nhuận thấp; chính quyền địa phương lúng túng, thiếu cơ sở dữ liệu, thiếu người triển khai và giám sát; khó khăn trong khâu kiểm soát gian lận, khó xác minh tổn thất khách quan ở cấp hộ sản xuất đơn lẻ với hàng ngàn hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.
Trong khi đó, khu vực kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp hiện có trên 22.000 HTX nông nghiệp và hơn 34.000 tổ nhóm nông dân hoạt động trong trong các vùng sản xuất nông nghiệp. Nhiều HTX nông nghiệp đã được tiếp cận công nghệ số như: truy xuất nguồn gốc, nhật ký điện tử, phần mềm kế toán,… có thể trở thành những đối tác hiệu quả của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Tuy nhiên, chính sách hiện hành chưa thực sự khuyến khích, chưa định vị rõ vai trò của các HTX trong triển khai BHNN. Nghị định số 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/4/2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, tuy nhiên thiếu quy định cơ chế tổ chức triển khai thông qua tổ chức kinh tế tập thể, HTX.
Nhiều địa phương tuy có nhiều HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả trong các vùng sản xuất nguyên liệu hàng hóa tập trung nhưng không được huy động vào triển khai bảo hiểm, do thiếu cơ chế cụ thể. Đây là khoảng trống về thể chế cần được lấp đầy nếu muốn chính sách BHNN đi vào thực tiễn.
Mặc dù vậy, vẫn có những điểm sáng trong việc triển khai BHNN qua tổ nhóm nông dân, HTX nông nghiệp đã chứng minh hiệu qủa bước đầu và tạo niềm tin cho tiềm năng phát triển ở Việt Nam thời gian tới. Trước tiên phải kể đến mô hình bảo hiểm rủi ro thiên tai lúa tại HTX Mỹ Đông 2, tỉnh Đồng Tháp. Năm 2022-2023, HTX Mỹ Đông 2 phối hợp với công ty bảo hiểm và tổ chức quốc tế triển khai thử nghiệm bảo hiểm chỉ số cho vùng lúa gần 100 ha. Bảo hiểm chi trả theo chỉ số mưa vệ tinh, HTX là đơn vị thống kê năng suất, giám sát, tổ chức truyền thông. Kết quả: bảo hiểm được triển khai đúng vụ, sát thực tế; người dân hài lòng vì HTX đại diện đàm phán điều khoản rõ ràng; chi phí vận hành giảm 30% so với tiếp cận từng hộ.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, mô hình bảo hiểm bò sữa tại HTX Thành Công (xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định trước kia, và nay thuộc tỉnh Ninh Bình). HTX Thành Công là đơn vị đầu tiên triển khai bảo hiểm bò sữa nhóm cho 30 thành viên, được hỗ trợ từ chương trình của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. HTX Thành Công đã phối hợp với Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) và cơ quan thú y địa phương để định giá, giám định, xử lý rủi ro. Kết quả: tỷ lệ tham gia đạt 85% thành viên HTX; có trường hợp được chi trả bảo hiểm đúng quy trình, củng cố niềm tin của người dân; HTX làm trung gian thu phí, hỗ trợ lập hồ sơ giám định.
Trong lĩnh vực thủy sản, tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu trước kia (nay là tỉnh Cà Mau), tổ hợp tác nuôi tôm được Công ty Bảo Minh lựa chọn là đơn vị đại diện trong triển khai thử nghiệm bảo hiểm thiệt hại do dịch bệnh. Tổ hợp tác giúp xác minh môi trường vùng nuôi, xác định thời điểm thiệt hại. Bảo hiểm được chi trả cho 3/12 hộ trong vụ thử nghiệm đầu tiên. Kết quả, tổ hợp tác giúp đảm bảo thông tin trung thực, tránh gian lận, tạo cơ sở mở rộng mô hình.
Giải pháp đẩy mạnh BHNN thông qua tổ nhóm, HTX

Các đại biểu tham quan HTX Nông nghiệp Tân Bình, tỉnh Đồng Tháp.
Việc triển khai BHNN thông qua tổ nhóm nông dân, HTX ở nước ta thời gian tới có nhiều cơ hội thuận lợi, đã được cụ thể hóa trong nhiều Nghị quyết của Đảng. Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: “BHNN là công cụ quản trị rủi ro quan trọng, gắn với xây dựng hệ thống an sinh nông thôn mới và thúc đẩy đầu tư tư nhân vào nông nghiệp”.
Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới cũng xác rõ vai trò của các HTX nông nghiệp trong cung cấp dịch vụ đầu vào, đầu ra, dịch vụ tài chính cho thành viên, nông dân.
Đặc biệt, giai đoạn mới 2025 - 2030 mở ra trong bối cảnh Đảng ta xác lập định hướng phát triển đất nước mạnh mẽ với 04 Nghị quyết “tứ trụ” của Bộ Chính trị là thời cơ thuận lợi để thúc đẩy BHNN thông qua tổ nhóm nông dân, HTX, cụ thể: Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới đặt yêu cầu cần sửa đổi chính sách BHNN để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, linh hoạt cho các doanh nghiệp, HTX, người nông dân dễ tiếp cận, phù hợp với yêu cầu đổi mới thể chế, đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí tuân thủ.
Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đặt ra yêu cầu triển khai BHNN phải được số hóa, tích hợp với dữ liệu sản xuất và rủi ro thời tiết, xây dựng nền tảng giám sát, chi trả tự động, theo đúng định hướng “bảo hiểm nông nghiệp số” trong kỷ nguyên chuyển đổi số.
Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra yêu cầu hoàn thiện chính sách BHNN cần cập nhật theo chuẩn mực quốc tế, khuyến khích hợp tác công - tư và ứng dụng sản phẩm bảo hiểm khí hậu, phù hợp cam kết Net Zero và các Hiệp định thương mại FTA có điều khoản về rủi ro khí hậu.
Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đòi hỏi cần thiết kế lại chính sách BHNN theo hướng thị trường hóa có điều tiết, tạo động lực cho khu vực tư nhân gồm các doanh nghiệp bảo hiểm, các tổ nhóm nông dân, HTX nông nghiệp phát triển, tham gia thị trường BHNN bình đẳng, minh bạch.

Tham quan mô hình HTX Rau quả sạch Chúc Sơn, Hà Nội.
Với những yêu cầu đó, việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách BHNN trong giai đoạn tới là yêu cầu cấp bách mà trước hết là việc sửa đổi, hoàn thiện Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp theo một số định hướng chủ yếu sau:
Một là, đẩy mạnh công tác truyền thông thông qua các tổ nhóm nông dân, HTX giúp nông dân dễ dàng tiếp cận thông tin và hiểu rõ bản chất, lợi ích khi tham gia BHNN. HTX là nơi tin cậy để tổ chức truyền thông trực tiếp đến người dân, xây dựng lòng tin về BHNN và phổ biến quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững gắn với BHNN.
Hai là, các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương cần cung cấp thường xuyên, đầy đủ thông tin cho các doanh nghiệp bảo hiểm về quy trình sản xuất, rủi ro thực địa, lịch sử tổn thất. Đồng thời đào tạo, hướng dẫn để các HTX có thể cung cấp cơ sở dữ liệu về sản xuất, nhật ký canh tác, bản đồ vùng rủi ro, là điều kiện tiên quyết để xây dựng sản phẩm bảo hiểm theo đặc thù ngành hàng và địa bàn. Hỗ trợ HTX nâng cao năng lực về quản trị rủi ro, xây dựng hồ sơ bảo hiểm, hợp đồng mẫu và kiến thức bảo hiểm. Phát triển các nền tảng số hỗ trợ các tổ nhóm nông dân, HTX trong ghi chép dữ liệu sản xuất, giám sát rủi ro, thúc đẩy quả trình số hóa BHNN.
Ba là, Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi triển khai BHNN thông qua tổ nhóm nông dân, HTX; xác lập cơ chế để tổ nhóm nông dân, HTX làm trung gian cung ứng bảo hiểm với các doanh nghiệp bảo hiểm, phối hợp tham gia thu phí bảo hiểm, phối hợp bồi thường thiệt hại; có cơ chế ưu đãi và công nhận vai trò của tổ nhóm nông dân, HTX như: hỗ trợ chi phí đào tạo, truyền thông, quản lý hồ sơ cho các tổ nhóm nông dân, HTX tham gia BHNN. Với năng lực tổ chức cộng đồng và giám sát nội bộ, các tổ nhóm nông dân, HTX có thể phối hợp cùng chính quyền và doanh nghiệp bảo hiểm để xác minh thiệt hại tập thể, đảm bảo khách quan, hạn chế gian lận và rủi ro do gian lận trong kê khai bồi thường thiệt hại.
Bốn là, thiết kế các gói sản phẩm bảo hiểm nhóm cho các tổ nhóm nông dân, HTX với các cơ chế: ưu tiên bảo hiểm chỉ số khí hậu theo vùng nguyên liệu; kết hợp BHNN với tín dụng, khuyến nông và chuyển đổi số HTX nông nghiệp. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm theo hướng ưu tiên, khuyến khích các hộ nông dân, HTX tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa tập trung, gắn với liên kết chuỗi giá trị trong các vùng nguyên liệu, áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến, giảm phát thải
Năm là, thúc đẩy mô hình hợp tác công - tư trong triển khai BHNN, trong đó tăng cường mối liên kết Nhà nước - doanh nghiệp bảo hiểm - tổ nhóm nông dân, HTX trong khâu truyền thông, đào tạo, bồi thường; thiết kế chương trình hỗ trợ rủi ro cho thành viên tổ nhóm nông dân, HTX.