Trong bối cảnh cây cà phê đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cây trồng do tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), trong khuôn khổ “Sáng kiến sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm trong ngành cà phê Việt Nam” tại các tỉnh Tây Nguyên, mới đây, Diễn đàn Cà phê toàn cầu (GCP) đã phối hợp với Cục Trồng trọt và BVTV, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn thực hành quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) áp dụng cho cây cà phê.

Đại diện GCP Việt Nam tặng bộ tài liệu IPHM cho cán bộ khuyến nông cơ sở. Ảnh: Đình Phượng.
Bộ tài liệu gồm 2 phần: “Hướng dẫn IPHM” dành cho các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật với nội dung về nguyên tắc IPHM, các hướng dẫn kỹ thuật chuyên sâu và “Sổ tay IPHM” dành cho nông dân, cán bộ khuyến nông cơ sở với nội dung đơn giản, dễ tiếp cận, mang tính thực hành cao.
Theo ông Đỗ Thành Chung (quản lý sáng kiến của GCP Việt Nam), đây được xem là bộ tài liệu IPHM đầu tiên trong ngành cà phê Việt Nam với phương pháp tiếp cận mới trong quản lý cây trồng theo hướng chủ động, chuyển từ kiểm soát dịch hại truyền thống sang phòng ngừa thông qua các biện pháp nâng cao sức khỏe cây trồng, đặc biệt trên cây cà phê.
Đồng thời, bộ tài liệu cũng là bước cụ thể hóa Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030 và Đề án phát triển IPHM đến năm 2030 của Bộ NN-PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường).
Cục Trồng trọt và BVTV cũng đã ban hành văn bản chính thức phổ biến tài liệu “Sổ tay hướng dẫn thực hành quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) áp dụng cho cây cà phê” tới các tỉnh như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Khánh Hòa, Quảng Trị, Sơn La, Điện Biên và các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học chuyên ngành nông nghiệp.
Bộ tài liệu IPHM sẽ được sử dụng để đào tạo giảng viên (TOT), cán bộ khuyến nông cơ sở và tập huấn cho nông dân trong các vùng trồng cà phê trọng điểm. Qua đó hướng đến xây dựng nền sản xuất cà phê có trách nhiệm, an toàn và bền vững, góp phần tăng thu nhập cho nông dân và nâng cao uy tín của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Nông dân Đắk Lắk xem tài liệu IPHM tại vườn cà phê. Ảnh: Đình Phượng.
Có thể nói, sự ra đời và phổ biến rộng rãi bộ tài liệu IPHM là một bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi ngành cà phê Việt Nam sang hướng canh tác bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, để IPHM thực sự đi vào thực tiễn sản xuất và phát huy hiệu quả lâu dài, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức khoa học, doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê, hệ thống khuyến nông cộng đồng, nông dân canh tác cà phê trong cả nước.
Ông Đỗ Thành Chung khẳng định, GCP cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các bên liên quan, đối tác trong việc triển khai tập huấn, phổ biến, nhân rộng việc áp dụng bộ tài liệu IPHM để góp phần nâng cao năng lực sản xuất, giá trị gia tăng cho ngành cà phê Việt Nam với mục tiêu vì một ngành cà phê xanh, khỏe mạnh và thịnh vượng.