Ông Nguyễn Đức Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (BTVT) Kiên Giang cho biết, tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực giai đoạn 2024-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, với tổng kinh phí gần 77,8 tỷ đồng.

Học viên lớp IPHM nghiên cứu thực hành, áp dụng lý thuyết IPHM trên cây trồng. Ảnh: Trung Chánh.
Theo đó, trong giai đoạn 2024-2025, Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh Kiên Giang tập trung đào tạo giảng viên, hướng dẫn viên IPHM. Có 10 giảng viên IPHM quốc gia cho tỉnh và 30 giảng viên IPHM cấp tỉnh do Cục Bảo vệ thực vật tổ chức đào tạo. Tại địa phương, đảm bảo mỗi xã có ít nhất 2 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng và 5 nông dân IPHM nòng cốt. Phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 100.000 ha ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực, gồm lúa, rau màu và cây ăn trái.
Kiên Giang đặt mục tiêu có ít nhất 5 nông dân nòng cốt có đủ kiến thức ứng dụng hiệu quả IPHM và có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM.
Trên cơ sở đó, đến năm 2030, toàn tỉnh có 90% diện tích cây lúa, khóm, chuối, hồ tiêu… ứng dụng IPHM, qua đó giảm 30% lượng thuốc BVTV hoá học và giảm 30% lượng phân bón hóa học. Trên 90% đơn vị hành chính cấp xã có diện tích sản xuất nông nghiệp tập trung thực hiện thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng đúng theo quy định. Cùng với đào tạo phát triển nguồn nhân lực, tỉnh Kiên Giang cũng đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về IPHM. Lồng ghép tuyên truyền, phổ biến IPHM trong thực hiện các gói giải pháp kỹ thuật "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", canh tác lúa bền vững (SRP), sản xuất an toàn VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ.
Xây dựng mô hình ứng dụng IPHM làm cơ sở để nhân rộng ứng dụng IPHM trong thực tế sản xuất và gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Tăng cường mở rộng ứng dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI) nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn.

Kiên Giang đào tạo 10 giảng viên IPHM quốc gia cho tỉnh và 30 giảng viên IPHM cấp tỉnh, để triển khai ứng dụng IPHM vào thực tế sản xuất. Ảnh: Trung Chánh.
Theo ông Nguyễn Đức Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh Kiên Giang, để ứng dụng IPHM đạt hiệu quả, cần nghiên cứu, đưa vào sản xuất các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, để chủ động phòng chống sinh vật gây hại, bảo vệ sản xuất. Chuyển giao công nghệ sản xuất chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học, tác nhân sinh học phòng chống sinh vật gây hại, phân bón vi sinh.
Ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, điều tra phát hiện, dự tính dự báo, cảnh báo sớm, phòng chống sinh vật gây hại trên cây trồng. Ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ để bảo vệ sức khỏe đất, nguồn nước, giảm phát thải khí nhà kính.
Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi kết quả và kinh nghiệm ứng dụng IPHM tới cộng đồng, thông qua việc tổ chức hội nghị đầu bờ, các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép trong nội dung sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, câu lạc bộ, diễn đàn nông dân. Nhân rộng mô hình “Nông dân hướng dẫn nông dân” thông qua thực nghiệm ứng dụng IPHM thực tế trên đồng ruộng.