| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi số để quản lý tàu cá tại Quảng Ninh

Thứ Bảy 05/07/2025 , 09:15 (GMT+7)

Quảng Ninh đang quyết liệt thực hiện giải pháp chuyển đổi số đồng bộ nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng ngành thủy sản hiện đại, phát triển bền vững, quản lý minh bạch.

Ngành thủy sản Quảng Ninh đang nghiên cứu triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm tích hợp đăng ký tàu cá trên ứng dụng VNeID. Ảnh: Cường Vũ. 

Ngành thủy sản Quảng Ninh đang nghiên cứu triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm tích hợp đăng ký tàu cá trên ứng dụng VNeID. Ảnh: Cường Vũ. 

Với 4.280 tàu cá hoạt động trên vùng biển rộng lớn và giàu tiềm năng, khai thác thủy sản Quảng Ninh đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế biển của tỉnh. Tuy nhiên, cùng với yêu cầu thực hiện nghiêm cam kết về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), việc hiện đại hóa, số hóa quản lý tàu cá trở nên cấp thiết.

Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Biển, Hải đảo và Thủy sản, Kiểm ngư (Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Ninh), Chi cục xác định chuyển đổi số là giải pháp đột phá trong quản lý tàu cá, sản lượng khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Do đó, đơn vị đã và đang khẩn trương triển khai tăng cường các giải pháp đẩy nhanh tiến độ cập nhật dữ liệu thông tin chủ tàu đồng thời xây dựng kế hoạch nhằm số hóa hồ sơ tàu cá trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia.

Một trong những nội dung trọng tâm được Chi cục tập trung triển khai là định danh tàu thuyền, cập nhật thông tin căn cước công dân (CCCD) của chủ tàu lên hệ thống quản lý tàu cá quốc gia (VnFishbase). Đây là cơ sở quan trọng để quản lý tàu cá, giám sát khai thác, thực hiện các thủ tục hành chính điện tử, tích hợp với hệ thống VNeID.

Tính đến ngày 30/6/2025, toàn tỉnh Quảng Ninh có 4.280 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên phải thực hiện cập nhật CCCD trên VnFishbase. Đến nay, đã có 4.183 tàu (đạt 97,7%) được cập nhật, trong đó: 746/746 tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên đã hoàn thành cập nhật, đạt tỷ lệ 100%; Đối với nhóm tàu cá từ 6m đến dưới 12m đã cập nhật được 3.436/3.534 tàu, đạt 97,2%. Số tàu cá được cập nhật thông tin CCCD tăng mạnh so với thời điểm đầu đầu năm 2025 (tăng 916 tàu, tương đương 21,4%). Hiện chỉ còn 97 tàu cá (chiếm 2,3%) chưa có thông tin CCCD của chủ tàu, chủ yếu tập trung tại các xã, phường thuộc thị xã Quảng Yên cũ và thành phố Hạ Long (cũ) với lần lượt là 75 và 22 tàu.

Cùng với việc cập nhật dữ liệu CCCD của chủ tàu lên hệ thống VnFishbase, công tác làm sạch dữ liệu tàu cá như cập nhật số CCCD thay thế cho số chứng minh thư; điều chỉnh, cập nhật tên, địa chỉ, số điện thoại chủ tàu... cũng được tiến hành rà soát thường xuyên nhằm từng bước chuẩn hóa, hoàn thiện bộ dữ liệu phục vụ công tác quản lý, tra cứu thông tin khi cần thiết.

Bên cạnh đó, ngành thủy sản Quảng Ninh đang nghiên cứu triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm tích hợp đăng ký tàu cá trên ứng dụng VNeID, kết nối sử dụng tài khoản định danh tổ chức, cá nhân trong các thủ tục hành chính, phấn đấu hoàn thành trước ngày 31/12/2025.

Cán bộ Chi cục hướng dẫn ngư dân tải và cài đặt phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT). Ảnh: Cường Vũ.

Cán bộ Chi cục hướng dẫn ngư dân tải và cài đặt phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT). Ảnh: Cường Vũ.

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, song ông Minh nhìn nhận, công tác chuyển đổi số trong quản lý tàu cá của tỉnh Quảng Ninh vẫn đối mặt không ít khó khăn.

"Một số chủ tàu đi biển dài ngày, không thường trú tại địa phương, gây khó khăn cho việc thu thập, xác minh thông tin. Nhiều tàu cá đã chìm đắm hoặc chuyển nhượng nhưng chưa thực hiện thủ tục xóa đăng ký, chuyển nhượng theo quy định, dẫn tới tồn tại trong cơ sở dữ liệu. Một bộ phận cán bộ cơ sở còn thiếu kinh nghiệm trong xử lý, thu thập dữ liệu thông tin chủ tàu", ông Minh cho hay.

Để khắc phục những khó khăn trên và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm quản lý dữ liệu tàu cá trong thời gian tới, ngành thủy sản Quảng Ninh đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, như: Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các địa phương rà soát, cung cấp thông tin tàu cá và chủ tàu, hướng dẫn chủ tàu thực hiện quy định về đăng ký, chuyển nhượng, xóa đăng ký; Phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an các cấp và chính quyền địa phương trong xác minh thông tin CCCD, xử lý tàu cá không còn hoạt động, tàu cá chuyển nhượng nhưng chưa thực hiện thủ tục đăng ký lại; Tích cực chuẩn bị tổ chức các đợt tập huấn hướng dẫn kê khai sản lượng khai thác qua phần mềm eCDT, VnFishbase cho các xã, phường có tàu cá,... đồng thời cũng đề xuất cơ quan cấp trên hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện các phần mềm quản lý tàu cá, sản lượng, xử phạt vi phạm để đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý và tích hợp liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia.

Với cách làm bài bản, quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng ngư dân, chuyển đổi số lĩnh vực quản lý tàu cá của tỉnh Quảng Ninh chắc chắn sẽ góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết 57-NQ/TW, đưa ngành thủy sản phát triển hiện đại, bền vững, xứng tầm trong thời kỳ hội nhập.

Xem thêm
Người chăn gà du mục và ước mơ thay đổi hình ảnh nông dân Việt

Sáng đó sương dâng ngập trời Tân Sơn, tôi lên núi chăn gà du mục để nghe Đức kể về ước mơ thay đổi hình ảnh 'cổ cày, vai bừa' của nông dân Việt.

Cải tiến an toàn sinh học trước các rủi ro mới

Cải tiến an toàn sinh học và truy xuất nguồn gốc, Dự án hướng đến ngành chăn nuôi lợn an toàn, minh bạch và phát triển bền vững trước các rủi ro sinh học mới.

HTX vùng sâu Sơn La trồng xoài VietGAP xuất khẩu

Nhờ áp dụng kỹ thuật cho cây xoài 'leo đồi', sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, nhiều nhà nông ở vùng sâu Sơn La đã đổi đời

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Hải Phòng tìm cách phát huy các 'mỏ vàng' nông nghiệp

Sở hữu tiềm năng lớn từ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đến con người, nhưng phát triển sản xuất nông nghiệp Hải Phòng được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng.

Lan tỏa chuyển đổi số đến hợp tác xã lúa gạo ĐBSCL

CẦN THƠ Khóa đào tạo giảng viên nguồn về phần mềm quản lý sản xuất, kế toán và bán hàng cho HTX lúa ĐBSCL góp phần chuyển đổi số và phát triển chuỗi giá trị bền vững.

Vườn Quốc gia Vũ Quang - tương lai du lịch xanh

HÀ TĨNH Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia Vũ Quang, giai đoạn 2025 - 2030.

Bình luận mới nhất