Tây Bắc - nơi cư trú của hơn 3.500 loài cây thuốc, chiếm tới 70% nguồn dược liệu cả nước từ lâu được xem là thủ phủ dược liệu của Việt Nam. Các loài cây dược liệu quý hiếm như sâm Lai Châu, tam thất hoang hay bảy lá một hoa chỉ có thể sinh trưởng trong điều kiện sinh thái đặc biệt tại đây. Mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng vì thế được đánh giá là giải pháp kinh tế - sinh thái độc đáo, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời phát triển sinh kế bền vững cho người dân.

TS Phạm Quang Tuyến (Viện Nghiên cứu Lâm sinh) trình bày tham luận tại Diễn đàn. Ảnh: Tùng Đinh.
Tuy nhiên, theo TS Phạm Quang Tuyến (Viện Nghiên cứu Lâm sinh thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), việc phát triển dược liệu dưới tán rừng hiện gặp nhiều rào cản do thiếu chính sách đặc thù. Các văn bản pháp lý hiện hành chỉ lồng ghép nội dung dược liệu trong lĩnh vực lâm nghiệp hoặc y học cổ truyền, chưa có hành lang pháp lý riêng cho ngành này. Hệ quả là nhiều địa phương gặp khó khi xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn, thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật về khai thác bền vững và chưa thể thu hút doanh nghiệp đầu tư do không có cơ chế tín dụng, bảo hiểm rủi ro phù hợp.
Trong khi đó, nhu cầu dược liệu đang ngày càng tăng. Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 80.000 tấn dược liệu nhưng mới đáp ứng được 20 – 30%. Phần còn lại chủ yếu phải nhập khẩu, trong đó không ít sản phẩm chất lượng kém hoặc không rõ nguồn gốc. Theo TS Tuyến, nếu tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị bài bản, phát triển vùng trồng đạt chuẩn và tăng cường chế biến sâu, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội lớn để thay đổi cục diện ngành dược liệu.
Ông Tuyến đề xuất cần sớm ban hành chính sách riêng cho dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt ưu tiên các loài đặc hữu như sâm Lai Châu, tam thất hoang... gắn với quy hoạch ba loại rừng. Đồng thời, cần sửa đổi các quy định liên quan đến thương mại hóa dược liệu quý hiếm, tháo gỡ các vướng mắc về khai thác, vận chuyển và tiêu thụ hợp pháp. "Nếu có chính sách phù hợp và kịp thời, dược liệu dưới tán rừng không chỉ giúp người dân làm giàu mà còn là chìa khóa giữ rừng, đưa Việt Nam lên bản đồ dược liệu toàn cầu", ông Tuyến nhấn mạnh.
Thực tế, một số doanh nghiệp đã thành công với mô hình này nhờ chọn đúng cây trồng, giống tốt và liên kết chặt chẽ với người dân. Bà Vũ Thị Vân Phượng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VietRAP Đầu tư Thương mại chia sẻ: Dược liệu là cây đặc thù, cần quy trình canh tác nghiêm ngặt nên giai đoạn đầu xây dựng vùng nguyên liệu rất gian nan. VietRAP đã cử cán bộ "cắm bản", tham gia sinh hoạt với bà con, lồng ghép yếu tố phụ nữ, thanh niên và bình đẳng giới vào hoạt động phát triển vùng trồng.
Công ty ưu tiên phát triển các nhóm cây quý như thất diệp nhất chi hoa, tam thất, sâm và một số loại dược liệu ngắn ngày. Với chiến lược khởi đầu bằng cây dài ngày, sau đó chuyển sang ngắn ngày để duy trì lao động, chỉ sau ba năm, VietRAP đã phát triển được vùng trồng 60 ha tại Vân Hồ (Sơn La), trong đó 20 ha đã thu hoạch đến chu kỳ thứ tư. Bà Phượng cho rằng, khi người dân thấy rõ mô hình hiệu quả, họ không còn xem dược liệu chỉ là cây thuốc mà là công cụ nâng cao sinh kế và phát huy giá trị bản địa.

Trồng thảo quả dưới tán rừng tại tỉnh Điện Biên.
Về hiệu quả kinh tế, bà dẫn ví dụ với cây đinh mẫu vốn là cây mọc hoang, ít được chú ý, nay có thể thu hoạch sau 4,5 - 5 tháng trồng, mang lại thu nhập khoảng 160 triệu đồng/ha. Hiện VietRAP đang triển khai mô hình vùng trồng gắn với hợp tác xã quản lý và doanh nghiệp bao tiêu để đưa dược liệu vào chuỗi sản phẩm như thuốc, trà và đồ uống có thành phần thảo dược trong tương lai.
Tập đoàn TH cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực dược liệu tại Tây Bắc. Theo ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch HĐQT TH Group, doanh nghiệp đã tiến hành khảo sát kỹ tiềm năng địa phương, bao gồm cả cây ăn quả, cây dược liệu và nguyên liệu giấy. Từ đó, TH triển khai hai dự án lớn tại Sơn La và Điện Biên.
Dự án thứ nhất là nhà máy chế biến hoa quả và dược liệu tại Sơn La nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu địa phương để sản xuất nước ép, nước cô đặc và các sản phẩm từ xoài, nhãn, mận. Dự án thứ hai tập trung trồng cây mắc ca tại hai tỉnh này. Ông Hải cho rằng, thách thức lớn nhất là đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào đạt tiêu chuẩn chất lượng. TH đã xây dựng bộ tiêu chí riêng về độ đường, hình thức… và phối hợp đào tạo nông dân, hợp tác xã để tạo chuỗi cung ứng bền vững.
Với doanh nghiệp, đầu tư bài bản vào vùng nguyên liệu, liên kết với người dân, có bao tiêu sản phẩm và kiểm soát chất lượng từ đầu vào chính là điều kiện tiên quyết để ngành dược liệu Việt Nam bứt phá. Tuy nhiên, để mô hình này được nhân rộng và phát huy tối đa tiềm năng, rất cần một hệ thống chính sách riêng biệt, đủ tầm và đủ lực dành riêng cho dược liệu dưới tán rừng.