| Hotline: 0983.970.780

Giữ rừng giữa mây trời Sa Pa

Thứ Sáu 06/06/2025 , 14:06 (GMT+7)

Công cuộc bảo vệ hàng nghìn ha rừng ở Sa Pa vẫn đang âm thầm diễn ra với biết bao nỗ lực của Ban quản lý rừng phòng hộ Sa Pa và của người dân.

Giữ rừng xanh lá phổi của Sa Pa

Những cánh rừng ngút ngàn trải dài giữa núi non trùng điệp không chỉ là biểu tượng thiên nhiên của Sa Pa, mà còn là lá chắn sinh thái, nguồn sống, nơi gìn giữ hệ sinh thái và văn hóa bản địa. Giữa làn sương bảng lảng của núi rừng Sa Pa, công cuộc bảo vệ rừng vẫn đang âm thầm diễn ra với biết bao nỗ lực của một lực lượng quản lý rừng phòng hộ thị xã Sa Pa.

Được giao hơn 18.372 ha đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 17.244 ha có rừng, nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ thị xã Sa Pa chỉ có đúng 6 cán bộ, viên chức - một con số khiêm tốn so với quy mô và địa bàn rộng lớn giáp ranh nhiều địa phương như Lai Châu, Bảo Thắng, Bát Xát, Văn Bàn… Việc bảo vệ và phát triển rừng ở nơi đây chưa bao giờ là điều dễ dàng.

Hàng nghìn héc ta rừng ở Sa Pa vẫn đang được bảo vệ nhờ sự đồng lòng của người dân và Ban quản lý rừng phòng hộ thị xã Sa Pa. Ảnh: Bích Hợp.

Hàng nghìn héc ta rừng ở Sa Pa vẫn đang được bảo vệ nhờ sự đồng lòng của người dân và Ban quản lý rừng phòng hộ thị xã Sa Pa. Ảnh: Bích Hợp.

Một trong những thách thức lớn nhất đối với Ban Quản lý rừng phòng hộ thị xã Sa Pa là tình trạng đất rừng được giao chỉ tồn tại trên hồ sơ, chưa được đo đạc, cắm mốc, bàn giao thực địa. Do không có ranh giới sử dụng đất rõ ràng, việc quản lý rừng ở Sa Pa thường xuyên vướng phải tình trạng chồng lấn đất đai, tranh chấp quyền sử dụng, và không kiểm soát được hiện trạng rừng.

Ông Đặng Tiến Mạnh, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ thị xã Sa Pa chia sẻ: Trước kia, có những điểm rừng được ghi nhận trên bản đồ, nhưng khi ra thực địa thì không thể xác định đâu là ranh giới. Đó là chưa kể những khu vực người dân đã sinh sống, canh tác từ lâu nhưng lại nằm trong diện tích được cấp cho Ban Quản lý. Điều này khiến cho việc xử lý vi phạm và quy hoạch bảo vệ rừng gặp nhiều bất cập. Tuy nhiên, đến tời điểm này, mọi vấn đề hồ sơ đo đạc cơ bản được giải quyết tạo điều kiện thuận lợi cho Ban quản lý bảo vệ rừng.

Mặc dù lực lượng mỏng nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ Sa Pa vẫn đang nỗ lực để những cánh rừng mãi xanh. Ảnh: Đức Tuấn.

Mặc dù lực lượng mỏng nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ Sa Pa vẫn đang nỗ lực để những cánh rừng mãi xanh. Ảnh: Đức Tuấn.

Người dân trở thành 'người giữ rừng'

Giữa muôn vàn khó khăn ấy, có một hướng đi mang lại tín hiệu tích cực đó là khoán bảo vệ rừng thông qua chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đây không chỉ là chính sách kinh tế, mà là sợi dây gắn kết giữa rừng với cộng đồng.

Tại Sa Pa, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng đã trở thành một động lực quan trọng giúp người dân địa phương tham gia bảo vệ và giữ gìn rừng. Nhờ chính sách này, các hộ dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số nhận được khoản hỗ trợ tài chính tương xứng với công sức họ bỏ ra trong việc tuần tra, trồng cây, ngăn chặn nạn chặt phá và cháy rừng. Không chỉ mang lại thu nhập ổn định, dịch vụ môi trường rừng còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của rừng đối với nguồn nước, khí hậu và sinh kế bền vững.

Năm 2021 đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sa Pa đã khoán bảo vệ rừng cho 70 cộng đồng, với khoảng 1.370 hộ dân tham gia. Diện tích được chi trả dịch vụ môi trường rừng là hơn 12.586 ha, thuộc các lưu vực thủy điện như Ngòi Phát, Tà Thàng, Cốc San Hạ, Vạn Hồ, Suối Trát.

Lực lượng kiểm lâm tuyên truyền công tác bảo vệ rừng tới người dân. Ảnh: Đức Tuấn.

Lực lượng kiểm lâm tuyên truyền công tác bảo vệ rừng tới người dân. Ảnh: Đức Tuấn.

Tổng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng năm đó đến nay lên đến hơn 8,9 tỷ đồng, trong đó hơn 8 tỷ đồng được chuyển trực tiếp cho người dân qua các cộng đồng nhận khoán.

Ông Giàng A Lở, một người dân tộc Mông ở xã Lao Chải, Sa Pa chia sẻ: “Trước kia mình không hiểu vì sao không được phá rừng, bởi rừng cho cái ăn từ bao đời nay. Nay thì hiểu, mình tham gia giữ rừng lại có tiền, có người hướng dẫn. Mình đi tuần tra, nhắc bà con, thấy ai chặt cây là báo liền". Anh Lở cười hiền, kéo tấm áo khoác cũ: “Có tiền giữ rừng, mình mua được áo ấm cho con. Mùa đông tụi nhỏ không rét nữa”.

Tuy nhiên, sự thay đổi từ chính sách chưa đủ để giải quyết mọi bất cập. Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng tuy nhiều, nhưng thường đến chậm, năm sau mới thanh toán cho năm trước, khiến kế hoạch tuần tra, giám sát của cộng đồng gặp khó khăn.

Ông Đặng Tiến Mạnh, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ thị xã Sa Pa chia sẻ, người dân không thể giữ rừng một mình. Họ cần sự phối hợp từ chính quyền địa phương, từ các sở ngành, đặc biệt là Quỹ Bảo vệ rừng và Môi trường tỉnh Lào Cai, nơi phân bổ và hướng dẫn sử dụng kinh phí dịch vụ môi trường rừng.

Rừng thông xanh mát tại suối Hồ, Sa Pa. Ảnh: Bích Hợp.

Rừng thông xanh mát tại suối Hồ, Sa Pa. Ảnh: Bích Hợp.

Để công tác quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn trong thời gian tới, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sa Pa đã kiến nghị lên tỉnh Lào Cai: cần thống nhất diện tích, số tiền chi trả ngay từ đầu năm, giúp các chủ rừng xây dựng phương án kịp thời.

Bên cạnh đó, việc tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ sinh kế bền vững, phát triển mô hình du lịch sinh thái gắn với bảo vệ rừng cũng là hướng đi khả thi, giúp người dân sống được nhờ rừng, chứ không sống bằng việc phá rừng.

Rừng không tự xanh và cũng không tự tồn tại nếu không có người giữ. Những người “gác rừng” nơi Sa Pa – từ cán bộ kiểm lâm đến bà con dân bản, đang góp phần tạo nên một vùng xanh vững bền giữa đại ngàn Tây Bắc.

Khi rừng được bảo vệ, đất không trôi, nước không cạn, cuộc sống người dân cũng sẽ dần ổn định, bền vững. Và những người “giữ rừng” nơi mây trắng Sa Pa sẽ tiếp tục là những chiến binh thầm lặng, canh giữ màu xanh cho hôm nay và mai sau.

Xem thêm
Hỗ trợ người dân chuyển đổi sang chăn nuôi quy mô trang trại

ĐỒNG THÁP Đó là một trong nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Tháp đề ra đến cuối năm 2025.

Liên tiếp phát hiện các ổ dịch tả lợn châu Phi ở Quảng Ngãi

Thời gian gần đây, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp tại Quảng Ngãi với nhiều ổ dịch được phát hiện, hàng trăm con lợn buộc phải tiêu hủy.

Khánh Hòa tạo cú hích cho du lịch nông nghiệp

Khánh Hòa đang hoàn thiện Đề án phát triển du lịch sinh thái giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Tuyển chọn được 5 giống khoai lang bản địa ưu tú nhất

Từ hơn 500 giống khoai lang bản địa, các nhà khoa học đã sàng lọc, chọn ra được 5 giống ưu tú nhất theo tiêu chí chất lượng, năng suất, khả năng chống chịu.

Thấp thỏm xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng dù tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lo ngại suy giảm nửa cuối năm do áp lực thuế quan từ Hoa Kỳ.

Bình luận mới nhất