Nằm ở cực Tây Tổ quốc, Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé (Điện Biên) là vùng lõi sinh thái đặc biệt với hệ động, thực vật phong phú, mang ý nghĩa chiến lược trong gìn giữ cân bằng sinh thái.
Nửa đầu năm 2025, công tác quản lý rừng tại đây đạt nhiều kết quả tích cực: Từ phối hợp tuần tra, kiểm soát, phòng chống cháy rừng đến thực hiện chi trả dịch vụ môi trường. Những nỗ lực ấy đang góp phần thiết lập thế trận giữ rừng từ gốc – nơi người dân là trung tâm của hành trình bảo vệ “lá phổi xanh” đại ngàn.

Cán bộ Ban Quản lý Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé tuần tra rừng. Ảnh: Hoàng Châu.
Công tác tuyên truyền pháp luật về lâm nghiệp tiếp tục được Ban Quản lý Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé triển khai đồng bộ đến các bản vùng đệm. Trong 6 tháng đầu năm, đơn vị tổ chức 29 buổi truyền thông cộng đồng, thu hút 1.548 lượt người tham gia, tập trung vào các nội dung như Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Bên cạnh đó, hơn 2.100 tờ áp phích tuyên truyền đã được in ấn và phát đến tận tay các thành viên cộng đồng nhận khoán.
Một trong những điểm sáng đáng chú ý là công tác khoán bảo vệ rừng đặc dụng. Tổng diện tích khoán đạt 19.602 ha, chiếm hơn 54% tổng diện tích quản lý. Việc giao khoán cho 28 cộng đồng dân cư, kết hợp với lực lượng vũ trang tại chỗ, đã góp phần nâng cao hiệu quả tuần tra bảo vệ rừng.
Theo ông Diệp Văn Chính, Giám đốc Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé: Việc khoán bảo vệ rừng và chi trả dịch vụ môi trường không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập ổn định, mà còn tạo động lực để họ tham gia bảo vệ rừng một cách chủ động, lâu dài. Chúng tôi xác định, muốn giữ được rừng bền vững thì phải làm tốt từ gốc – từ cộng đồng bản địa, những người sống cạnh rừng, hiểu rừng và giờ đây đã gắn bó cuộc sống với rừng.

Tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Ảnh: Hoàng Châu.
Không dừng lại ở đó, Ban Quản lý còn triển khai chi trả tiền công bảo vệ rừng năm 2024, với tổng số tiền 26,26 tỷ đồng. Việc chi trả minh bạch theo hai đợt tạm ứng và thanh toán giúp người dân chủ động sản xuất, gắn bó với rừng lâu dài.
Công tác tuần tra rừng được tổ chức bài bản, có sự phối hợp liên ngành giữa Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng, Quân sự và Công an. Trong 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng và cộng đồng nhận khoán đã tổ chức 996 lượt tuần tra với hơn 7.300 lượt người tham gia.
Qua kiểm tra, đã phát hiện 8 vụ vi phạm: 2 vụ khai thác rừng trái phép, 1 vụ phá rừng với diện tích 170m², 3 vụ mang công cụ vào rừng và 2 vụ vi phạm trong lĩnh vực thủy sản. Đáng chú ý, lực lượng bảo vệ rừng đã kịp thời ngăn chặn 362 lượt người vào rừng trái phép, bảo vệ an toàn các cửa rừng và vùng lõi.

Tổ chuyên trách bảo vệ rừng đặc dụng số 4 tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Hoàng Châu.
Thực hiện phương án PCCCR giai đoạn 2023-2028, toàn bộ diện tích rừng được kiểm tra an toàn ngay từ đầu mùa khô. Lực lượng PCCCR thường trực luôn túc trực, cập nhật liên tục dữ liệu từ hệ thống cảnh báo cháy online của Cục Kiểm lâm để sẵn sàng ứng phó. Nhờ đó, trong suốt 6 tháng đầu năm 2025, không xảy ra vụ
Giữa những nỗ lực giữ rừng, 1,12 ha rừng tái sinh tự nhiên đã được ghi nhận như một thành quả của quá trình bảo vệ nghiêm ngặt, không để con người xâm hại, tạo điều kiện để đất rừng âm thầm hồi sinh.
Mỗi con số, mỗi bước chân tuần rừng, mỗi lần chi trả công khoán… đều là dấu ấn của quá trình gìn giữ rừng nghiêm túc và bền bỉ. Rừng Mường Nhé – nơi giao thoa của sinh thái và trách nhiệm, vẫn đang sống khỏe nhờ đôi bàn tay của những người lặng lẽ giữ rừng ngày đêm. Đó là tín hiệu đáng mừng không chỉ cho Điện Biên, mà còn cho toàn bộ vành đai biên giới Tây Bắc – nơi rừng giữ đất, giữ nước và giữ cả cuộc sống.