
Đàn lợn 25 con được tiêm vaccine Dacovac-ASF2 của ông Đỗ Văn Lê tại xã Nam Hòa, tỉnh Thái Nguyên đã được xuất bán. Ảnh: Quang Linh.
“Lá chắn” mới cho chăn nuôi nông hộ trước dịch tả lợn Châu Phi
Dịch tả lợn Châu Phi (ASF) đã và đang là nỗi ám ảnh lớn nhất với người chăn nuôi lợn tại Việt Nam, đặc biệt là những hộ chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ. Bệnh dịch không chỉ gây thiệt hại nặng nề về kinh tế mà còn khiến nhiều gia đình rơi vào tình cảnh trắng tay, mất vốn.
Tại xã Nam Hòa, tỉnh Thái Nguyên, dịch bệnh này thường xuyên bùng phát, để lại hậu quả nặng nề cho người chăn nuôi. Thế nhưng, giữa vùng “tâm dịch” đó, câu chuyện của ông Đỗ Văn Lê, một hộ chăn nuôi tại địa phương đã mở ra một hướng đi mới với cách làm hiệu quả: áp dụng kỹ thuật chăn nuôi không tiếp xúc kết hợp sử dụng vaccine Dacovac-ASF2.
Ông Lê cho biết, quá trình tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng và được giới thiệu từ cửa hàng thuốc thú y trong xã, ông biết đến vaccine Dacovac-ASF2, sản phẩm phòng dịch tả lợn Châu Phi do Tập đoàn Dabaco Việt Nam nghiên cứu sản xuất.
Ban đầu, lão nông này vẫn còn băn khoăn, do dự. Tuy nhiên, trước nguy cơ dịch bệnh có thể ập đến bất cứ lúc nào, ông quyết định tiêm vaccine trên 25 con lợn thịt, trong tổng đàn 50 con của gia đình.
Ông Lê chia sẻ: “Thời tiết nắng nóng và giao mùa, nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên đàn vật nuôi là rất cao, nhất là dịch tả lợn Châu Phi. Trong vùng này có một số nhà không tiêm, dịch bệnh nổ ra, thiệt hại nặng nề”.

Lợn tiêm vaccine Dacovac-ASF2 khỏe mạnh, phát triển tốt. Ảnh: Quang Linh.
Sau khoảng 2 - 3 tuần tiêm vaccine, ông Lê nhận thấy sự khác biệt rõ rệt giữa hai nhóm lợn: nhóm không tiêm vaccine bắt đầu có dấu hiệu bỏ ăn, chậm lớn, trong đó một con đã chết. Trong khi đó, 25 con lợn được tiêm vaccine vẫn ăn uống bình thường, phát triển tốt.
Hiện tại, đàn lợn tiêm vaccine của ông Lê đạt trọng lượng trung bình khoảng 100 kg/con. Với giá bán thị trường dao động từ 63.000 - 65.000 đồng/kg, ông Lê dự kiến thu lãi khoảng 1 triệu đồng/con, sau khi trừ chi phí thức ăn, vaccine và công chăm sóc.
“Tôi đã tiêm vaccine dịch tả lợn Châu Phi này cho 25 con, lúc mới 40 cân hơi. Giờ chúng đã đạt gần một tạ, chuẩn bị xuất chuồng. Lứa sau tôi vẫn tiếp tục sử dụng vaccine này”, ông Lê tin tưởng.
Từng là người dè dặt với sản phẩm mới, giờ đây ông Lê đã trở thành địa chỉ tin cậy được nhiều bà con trong vùng tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Ông thường xuyên chia sẻ với các hộ chăn nuôi khác về lợi ích khi kết hợp tiêm vaccine Dacovac-ASF2 với kỹ thuật chăn nuôi không tiếp xúc, một mô hình phù hợp với điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ.

Trang trại của ông Đỗ Văn Lê được áp dụng kỹ thuật chăn nuôi không tiếp xúc với hệ thống lưới chắn côn trùng, động vật hoang dã và đường vôi. Ảnh: Quang Linh.
Chăn nuôi không tiếp xúc: Đơn giản và hiệu quả
Chăn nuôi không tiếp xúc là kỹ thuật được Công ty TNHH Giống vật nuôi Amafarm nghiên cứu, đúc kết trong quá trình thích ứng với dịch tả lợn Châu Phi. Phương pháp này bao gồm nhiều biện pháp kỹ thuật như: Xây dựng hệ thống lưới chắn côn trùng, động vật hoang dã và chuột; Sát trùng thức ăn trước khi đưa vào chuồng; Hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của con người với vật nuôi.
Kỹ thuật này không chỉ giúp tăng hiệu quả phòng dịch tả lợn Châu Phi mà còn góp phần bảo vệ đàn vật nuôi trước nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm khác.
Để áp dụng hiệu quả, người chăn nuôi cần đầu tư hệ thống lưới chắn, xây dựng kênh mương khép kín chứa nước vôi sát trùng, thực hiện nghiêm quy trình phun sát trùng, tiêu độc trang trại và hạn chế tuyệt đối người lạ ra vào khu vực nuôi.
Với sự chủ động, linh hoạt trong tiếp cận khoa học kỹ thuật mới, người chăn nuôi như ông Đỗ Văn Lê không chỉ bảo vệ thành công đàn vật nuôi trước dịch bệnh mà còn tạo niềm tin cho cộng đồng về khả năng sống chung an toàn với dịch tả lợn Châu Phi nhờ vaccine và kỹ thuật phù hợp. Đây cũng chính là chìa khóa để ngành chăn nuôi lợn từng bước vượt qua thách thức, tiến tới phát triển bền vững.
Được biết, Dacovac-ASF2 là vaccine phòng dịch tả lợn Châu Phi thứ ba tại Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Môi trường cấp phép lưu hành thương mại. Việc được cấp phép lưu hành không chỉ khẳng định tính hiệu quả, an toàn của sản phẩm mà còn mở ra thêm lựa chọn quan trọng cho người chăn nuôi trong công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.