| Hotline: 0983.970.780

Vận động tháo dỡ lều quán để bảo vệ rừng thông quốc lộ 14

Chủ Nhật 13/07/2025 , 06:25 (GMT+7)

Lâm Đồng Xã Trường Xuân vận động người dân tháo dỡ lều quán vi phạm dọc quốc lộ 14, chấm dứt tình trạng xâm lấn rừng thông kéo dài nhiều năm.

Vận động là chính, cưỡng chế là bước cuối cùng

Nhiều năm qua, dọc tuyến quốc lộ 14 đoạn qua địa phận xã Trường Xuân, tỉnh Lâm Đồng tồn tại hàng loạt lều quán tạm bợ do người dân dựng lên để ở và kinh doanh. Các công trình này nằm sát mặt đường, vừa xâm lấn hành lang an toàn giao thông, vừa phá vỡ cảnh quan đặc trưng của rừng thông. Dù chính quyền địa phương nhiều lần tổ chức ra quân tuyên truyền, xử lý, nhưng tình trạng vẫn tái diễn, khiến bộ mặt tuyến giao thông huyết mạch trở nên nhếch nhác.

Đại diện các ngành chức năng của xã Trường Xuân đến vận động và tuyên truyền người dân tự giác tháo dỡ lán dựng trái phép dọc tuyến quốc lộ 14 nằm trên đất rừng phòng hộ cảnh quan. Ảnh: Dương Phong.

Đại diện các ngành chức năng của xã Trường Xuân đến vận động và tuyên truyền người dân tự giác tháo dỡ lán dựng trái phép dọc tuyến quốc lộ 14 nằm trên đất rừng phòng hộ cảnh quan. Ảnh: Dương Phong.

Đầu tháng 7/2025, UBND xã Trường Xuân phát động đợt cao điểm ra quân, tuyên truyền và vận động người dân tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm. Theo ông Lê Xuân Thuận, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, quan điểm của địa phương trước mắt vận động, tuyên truyền để người dân hiểu và tự tháo dỡ. Tuy nhiên, nếu các trường hợp cố tình vi phạm, không hợp tác thì sẽ xử lý kiên quyết theo quy định.

“Sau thời gian vận động, nhiều hộ dân đã tự giác hợp tác với chính quyền. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp lợi dụng thời điểm chuyển giao mô hình chính quyền địa phương mới để san ủi đất, dựng lán trái phép. Việc này tạo áp lực lớn cho công tác quản lý trật tự hành lang giao thông và bảo vệ tài nguyên rừng”, ông Thuận cho biết.

Điển hình như trường hợp ông Nguyễn Ngọc, trú thôn 10, xã Trường Xuân cho biết, gia đình ông được giao bảo vệ rừng thông từ năm 2016. Không có đất sản xuất, ông đã dựng quán bán nước để mưu sinh. Tuy nhiên, khi được cán bộ xã vận động, ông và gia đình đã chủ động tháo dỡ các hạng mục sai phạm nhằm trả lại vẻ đẹp rừng thông trên tuyến quốc lộ 14.

Cũng theo đại diện UBND xã Trường Xuân, trước đây địa phương từng bố trí đất ở cho một số hộ dân để chấm dứt tình trạng dựng lán trại trái phép dọc quốc lộ. Nhưng sau một thời gian, một số hộ lại bán đất rồi quay trở lại khu vực cũ dựng lều quán. Thực tế này cho thấy, việc xử lý cần đi kèm cơ chế giám sát lâu dài và ràng buộc trách nhiệm sau hỗ trợ để tránh tái diễn.

Tình trạng lấn chiếm hành lang quốc lộ 14 và xâm chiếm diện tích rừng thông để làm lều quán đoạn qua xã Trường Xuân diễn ra từ nhiều năm qua. Ảnh: Dương Phong.

Tình trạng lấn chiếm hành lang quốc lộ 14 và xâm chiếm diện tích rừng thông để làm lều quán đoạn qua xã Trường Xuân diễn ra từ nhiều năm qua. Ảnh: Dương Phong.

Rừng thông cần bảo vệ nghiêm ngặt

Tuyến quốc lộ 14 không chỉ là trục giao thông huyết mạch kết nối các tỉnh Tây Nguyên, mà còn chạy xuyên qua những cánh rừng thông trải dài hàng chục km. Rừng thông trên tuyến quốc lộ 14 vốn là rừng phòng hộ đầu nguồn có vai trò bảo vệ đất, giữ nước và điều hòa khí hậu.

Tại xã Trường Xuân, những hàng thông xanh mướt, thẳng tắp dọc hai bên quốc lộ là một trong những hình ảnh đặc trưng, tạo nên nét riêng cho cảnh quan nơi đây. Tuy nhiên, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các lều lán tạm bợ không chỉ làm mất mỹ quan, mà còn kéo theo các hệ lụy về môi trường như xả rác thải, nước thải sinh hoạt xuống rừng, gây ô nhiễm và phá hoại hệ sinh thái.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, rừng thông dọc quốc lộ 14 thuộc rừng phòng hộ cảnh quan, có vai trò quan trọng trong phòng chống sạt lở, xói mòn đất tại các khu vực đồi dốc. Việc xâm phạm đất rừng, dù với bất kỳ lý do nào đều là hành vi, vi phạm pháp luật về lâm nghiệp và phải bị xử lý nghiêm. Về mặt quản lý đô thị và giao thông, các công trình xây dựng trái phép trong hành lang an toàn đường bộ cũng bị xem là hành vi cản trở giao thông, gây mất an toàn và có thể bị cưỡng chế tháo dỡ theo Luật Giao thông đường bộ.

Tại xã Trường Xuân, những hàng thông xanh mướt, thẳng tắp dọc hai bên quốc lộ 14 là một trong những hình ảnh đặc trưng, tạo nên nét riêng cho cảnh quan nơi đây. Ảnh: Dương Phong.

Tại xã Trường Xuân, những hàng thông xanh mướt, thẳng tắp dọc hai bên quốc lộ 14 là một trong những hình ảnh đặc trưng, tạo nên nét riêng cho cảnh quan nơi đây. Ảnh: Dương Phong.

Chính quyền xã Trường Xuân xác định đợt ra quân lần này là cơ hội để chấn chỉnh toàn diện trật tự xây dựng, sử dụng đất dọc tuyến quốc lộ. Qua đó, từng bước trả lại sự thông thoáng, sạch đẹp và gìn giữ cảnh quan đặc trưng của rừng thông quốc lộ 14.

Trong bối cảnh Tây Nguyên đang đối mặt với tình trạng suy thoái rừng phòng hộ và ô nhiễm cảnh quan tự nhiên, việc xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm rừng thông dọc quốc lộ 14 là hành động cần thiết. Đây cũng là thông điệp mạnh mẽ của chính quyền và cộng đồng địa phương về quyết tâm bảo vệ tài nguyên rừng theo hướng bền vững, nhân văn và có trách nhiệm.

Rừng thông dọc quốc lộ 14 đoạn qua xã Trường Xuân, tỉnh Lâm Đồng được trồng từ năm 1978 với diện tích ban đầu hơn 430 ha, chủ yếu là thông ba lá. Tuy nhiên, do tình trạng xâm lấn, phá rừng và lấn chiếm đất trái phép kéo dài nhiều năm, đến nay diện tích rừng còn lại khoảng 270 ha. Theo thống kê từ các cơ quan chức năng, đã có hơn 38 ha rừng bị mất do 135 vụ phá rừng trái phép, chủ yếu bị lấn chiếm làm nương rẫy và dựng nhà tạm và buôn bán ven Quốc lộ 14.

Xem thêm
Chăn nuôi, thú y Nghệ An chuyển mình mạnh mẽ

Hàng loạt tập đoàn, doanh nghiệp lớn như TH, Vinamilk, Masan... cùng nhập cuộc đã nâng tầm rõ rệt diện mạo của ngành chăn nuôi, thú y Nghệ An.

Nuôi tôm trong nhà màng luân canh nhiều loài giảm rủi ro

VĨNH LONG TS. Phạm Thị Thu Hồng, Trường Đại học Cửu Long chia sẻ nuôi tôm trong nhà màng tuần hoàn và luân canh nhiều loài để giảm rủi ro do thời tiết cực đoan.

7.000 cây cau mỗi năm cho thu nhập 700 triệu đồng

THANH HÓA Với 14.000 gốc cau, trong đó 7.000 cây đã cho thu hoạch, tốn ít công chăm sóc, thương lái thu mua tại vườn, ông Dũng có thu nhập mỗi năm trên 700 triệu đồng.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Tuyển chọn được 5 giống khoai lang bản địa ưu tú nhất

Từ hơn 500 giống khoai lang bản địa, các nhà khoa học đã sàng lọc, chọn ra được 5 giống ưu tú nhất theo tiêu chí chất lượng, năng suất, khả năng chống chịu.

Thấp thỏm xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng dù tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lo ngại suy giảm nửa cuối năm do áp lực thuế quan từ Hoa Kỳ.

Bình luận mới nhất