“Rừng vàng – biển bạc” từ lâu đã trở thành biểu tượng cho thấy tiềm năng to lớn của thiên nhiên. Tuy nhiên, để khai thác được giá trị “vàng” từ rừng, không chỉ dừng lại ở việc lấy gỗ hay tận thu sản vật một cách tự phát, mà cần có cách tiếp cận mới, dựa vào khoa học, gắn với các mô hình kinh tế xanh.
Đó cũng là nhận định được PGS.TS Ngô Thanh Phong, Trưởng khoa, Khoa học Tự nhiên (Đại học Cần Thơ) đưa ra tại chương trình tọa đàm “Phát triển lâm sản ngoài gỗ – hướng đi xanh cho ĐBSCL”, do Báo Nông nghiệp và Môi trường tổ chức mới đây.

PGS.TS Ngô Thanh Phong, Trưởng khoa, Khoa học Tự nhiên (Đại học Cần Thơ) chia sẻ tại chương trình tọa đàm “Phát triển lâm sản ngoài gỗ – Hướng đi xanh cho ĐBSCL”, do Báo Nông nghiệp và Môi trường tổ chức. Ảnh: Văn Vũ.
Chuyên gia khẳng định, rừng là một kho tàng tri thức và khi tri thức ấy được khám phá, ứng dụng đúng cách, mới có thể mang lại hiệu quả kinh tế thực chất và lâu dài.
Theo phân tích của PGS.TS Ngô Thanh Phong, trước đây nhiều sản vật quý dưới tán rừng như dược liệu, rau rừng, nấm, mật ong, hoa rừng… vẫn được khai thác. Tuy nhiên, phần lớn đều ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, dựa trên kinh nghiệm dân gian và chưa có sự đầu tư bài bản về khoa học công nghệ.
Điều này không chỉ khiến tiềm năng của rừng chưa được khai thác đúng mức, mà còn đặt ra rủi ro cao về môi trường. Hiện nay, một số địa phương ĐBSCL, đặc biệt là tỉnh An Giang đã bắt đầu quan tâm hơn đến giá trị của lâm sản ngoài gỗ, hướng đi phát triển kinh tế dưới tán rừng. Điều này đang mở ra nhiều triển vọng, vừa giúp người dân tăng sinh kế, vừa góp phần bảo vệ rừng bền vững.
Tuy nhiên, PGS.TS Ngô Thanh Phong cho rằng, khai thác lâm sản ngoài gỗ không đơn giản là trồng thêm vài loại cây dưới tán rừng mà mỗi hệ sinh thái rừng ở ĐBSCL, từ rừng tràm, rừng ngập mặn cho tới rừng hỗn giao đều có những đặc thù riêng về độ che phủ, ánh sáng, độ ẩm, thổ nhưỡng.
Do đó, nếu người dân hoặc doanh nghiệp không am hiểu kỹ càng, việc chọn sai loại cây trồng hoặc mô hình khai thác có thể dẫn đến việc làm giảm độ che phủ rừng, ảnh hưởng đến mục tiêu bảo tồn lâu dài.

Lâm sản ngoài gỗ sẽ mang lại giá trị kinh tế lớn cho người dân nếu được khai thác và phát triển bài bàn, bền vững. Ảnh: Kim Anh.
PGS.TS Ngô Thanh Phong cho biết thêm, việc chọn loại cây trồng dưới tán rừng cần dựa trên khả năng thích nghi với điều kiện sinh thái và đáp ứng được nhu cầu sinh kế và thị trường.
“Phát triển kinh tế dưới tán rừng không chỉ là kỹ thuật nông nghiệp, mà còn là bài toán tổng hợp đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà khoa học, nhà quản lý và cộng đồng địa phương”, chuyên gia nhấn mạnh.
Hiện nay, Đại học Cần Thơ đang sở hữu hơn 100 quy trình kỹ thuật, công nghệ về việc phát triển lâm sản ngoài gỗ và sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật. Trong số đó có nhiều nghiên cứu liên quan trực tiếp đến việc khai thác, chế biến và nâng cao giá trị lâm sản ngoài gỗ.
Điển hình là quy trình chiết xuất hợp chất tự nhiên từ cây dược liệu, trích ly cao chiết phân đoạn để xác định hoạt chất quý như chất kháng oxy hóa, chất chống lão hóa, hay dược chất có khả năng ức chế tế bào ung thư… Bên cạnh đó, trường cũng có các quy trình sản xuất và bảo quản sau thu hoạch cho các loại nấm dược liệu như linh chi, đông trùng hạ thảo, nghệ, mật ong rừng… Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương vùng ĐBSCL và doanh nghiệp triển khai mô hình sản xuất quy mô, gắn với thị trường tiêu thụ có giá trị cao.

Mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất dược liệu ở tỉnh An Giang. Ảnh: Kim Anh.
Một trong những hướng nghiên cứu nổi bật hiện nay là phát triển sản phẩm kết hợp giữa dược liệu và đặc sản vùng như chiết xuất tinh chất nghệ kết hợp mật ong, thẩm thấu mật ong với cam sành, nhằm giữ và gia tăng giá trị đặc trưng của sản phẩm rừng. Các mô hình lâm sản ngoài gỗ này không chỉ nâng cao giá trị kinh tế mà còn góp phần quảng bá hình ảnh sản vật rừng đến người tiêu dùng đô thị, thị trường trong và ngoài nước.
PGS.TS Ngô Thanh Phong nhấn mạnh, để khai thác hiệu quả lâm sản ngoài gỗ đòi hỏi phải kiến tạo những mô hình nông - lâm kết hợp một cách bài bản. Những mô hình này phải được thiết kế phù hợp với từng loại rừng, từng điều kiện sinh thái cụ thể.
Yếu tố quan trọng là phải có quy trình trồng trọt rõ ràng, kiểm định chất lượng, truy xuất nguồn gốc và đảm bảo đầu ra. Vai trò kết nối giữa nông dân - doanh nghiệp -nhà khoa học cần được phát huy. Do đó, các địa phương cần chủ động xây dựng hệ sinh thái sản xuất gắn với điều kiện rừng đặc thù.
Một số địa phương trong vùng đã có các mô hình phát triển lâm sản ngoài gỗ khá thành công. Tại An Giang, chính quyền đã chủ động quy hoạch, chọn lựa các loài thảo dược như nghệ đen, xuyên tâm liên, đinh lăng - những loại cây có giá trị dược liệu cao và khả năng thích nghi tốt với điều kiện bóng râm dưới tán rừng.
Không còn tình trạng khai thác tự phát kiểu “lọc của rừng” như trước, An Giang đã dần hình thành vùng nguyên liệu có định hướng, kết nối được đầu ra ổn định, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, đồng thời đảm bảo mục tiêu giữ rừng.

Hiện nhiều địa phương ở ĐBSCL đã hình thành nhiều vùng nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ, có định hướng, kết nối được đầu ra ổn định, tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Ảnh: Văn Vũ.
Hay tại TP Cần Thơ, với hệ sinh thái rừng tràm và rừng ngập mặn, cũng là khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế lâm sản ngoài gỗ. Những sản phẩm như mật ong rừng, thủy sản dưới tán rừng được xem là hướng đi phù hợp.
Tuy nhiên, PGS.TS Ngô Thanh Phong lưu ý, việc phát triển các mô hình trên cần có sự đầu tư chiều sâu vào nghiên cứu về điều kiện sinh thái, quy trình trồng dược liệu sao cho phù hợp để đảm bảo chất lượng dược chất… Sự am hiểu sâu sắc về từng hệ sinh thái rừng, kết hợp với quy trình khoa học và tư duy phát triển bền vững sẽ là chìa khóa để khai thác hiệu quả giá trị của lâm sản ngoài gỗ ở ĐBSCL.
Không chỉ giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập, các mô hình này còn góp phần giữ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và lan tỏa hình ảnh tích cực về nền kinh tế sinh thái.