| Hotline: 0983.970.780

Siết chặt bảo vệ rừng trong mùa khai thác hạt ươi

Thứ Năm 17/07/2025 , 07:10 (GMT+7)

ĐÀ NẴNG Mùa ươi không chỉ giúp bà con cải thiện sinh kế mà còn là thử thách cho công tác bảo vệ rừng, đòi hỏi trách nhiệm của cả người dân và lực lượng chức năng.

Cây ươi là loài thân gỗ lớn, cao từ 30 - 40 m, gắn bó lâu đời với rừng già miền Trung. Trái ươi rất quý hiếm, có giá trị cao vì chỉ chín sau chu kỳ 3 - 4 năm và được thị trường ưa chuộng để làm nước giải khát, dược liệu. Những ngày này, rừng ươi tại các xã vùng cao TP Đà Nẵng bước vào mùa chín rộ. Sắc đỏ của tán lá ươi phủ kín nhiều triền núi, báo hiệu “lộc rừng” đã đến kỳ thu hái. 

Hiện quả ươi ở nhiều khu rừng tại miền núi TP Đà Nẵng đã bắt đầu chín. Ảnh: L.K.

Hiện quả ươi ở nhiều khu rừng tại miền núi TP Đà Nẵng đã bắt đầu chín. Ảnh: L.K.

Hạt ươi khô hiện có giá từ 350.000 – 500.000 đồng/kg, có loại được thương lái thu mua đến 1 triệu đồng/kg nếu để dành sau chính vụ thu hoạch. Vậy nên mỗi vụ ươi đến, hàng trăm người từ khắp nơi đổ về các cánh rừng ở các xã Trà My, Khâm Đức, Phước Thành, Nam Giang… để tìm ươi. Theo người dân, năm nay rừng ươi được mùa nên người đi nhặt quả ươi có thu nhập khá, mỗi ngày có thể thu được vài trăm ngàn đồng, nếu may mắn có thể được vài triệu đồng.

Anh Nguyễn Thanh Hùng (ngụ xã Quế Phước) cho biết, bà con địa phương chủ yếu làm nương rẫy nên thu nhập không cao. Vì vậy mỗi khi mùa ươi đến ai cũng háo hức để vào rừng thu hái. “Chúng tôi xem hạt ươi như “lộc rừng”. Vừa rồi tôi với nhóm bạn đi nhặt ươi 3 ngày, mỗi người kiếm được gần 2 triệu đồng. Thu nhập như vậy cũng ổn, đi làm rẫy thuê hay làm công trình ngày công không cao được như vậy”.

Người dân các xã miền núi TP Đà Nẵng đổ xô vào rừng thu nhặt hạt ươi. Ảnh: L.K.

Người dân các xã miền núi TP Đà Nẵng đổ xô vào rừng thu nhặt hạt ươi. Ảnh: L.K.

Cũng chính vì giá trị kinh tế cao mà hạt ươi thu hút đông đảo người dân đổ xô vào rừng, đặt ra áp lực lớn lên công tác quản lý, bảo vệ rừng của các lực lượng chức năng. Không ít người leo lên tận ngọn cây để hái, thậm chí chặt tỉa cành hoặc hạ cả cây ươi chỉ để lấy trái, bất chấp nguy cơ làm chết cây, gây tổn thương nghiêm trọng đến sinh thái rừng.

Tại xã Đắc Pring – điểm nóng khai thác lâm sản thuộc vùng biên giới TP Đà Nẵng, chính quyền địa phương đã thành lập tổ công tác liên ngành gồm Công an xã, kiểm lâm, đồn biên phòng, lực lượng bảo vệ rừng và Ban Chỉ huy quân sự xã. Nhiệm vụ của tổ là thường xuyên tuần tra, chốt chặn tại các đường mòn vào rừng, ngăn chặn tình trạng người dân địa phương và từ nơi khác tập trung về xã tự ý xâm nhập vào rừng khai thác trái phép hạt ươi, cưa chặt hoặc hạ gốc cây để lấy hạt.

Hạt ươi có giá trị kinh tế cao, hiện thương lái đang thu mua ở mức từ 350 - 500 ngàn đồng/kg. Ảnh: L.K.

Hạt ươi có giá trị kinh tế cao, hiện thương lái đang thu mua ở mức từ 350 - 500 ngàn đồng/kg. Ảnh: L.K.

Tại lâm phận Trà Cang, Ban Quản lý rừng phòng hộ đã phối hợp kiểm đếm, đánh dấu toàn bộ cây ươi trong rừng. Các tổ bảo vệ rừng tổ chức tuần tra 4 lần/ngày. Người dân vào rừng phải có phiếu đăng ký có xác nhận của UBND xã và kiểm lâm địa bàn.

Anh Phùng Ngọc Hiển, nhân viên bảo vệ rừng cho hay: “Nhiều ngày nay xuất hiện các đối tượng lạ mặt là người từ đồng bằng lên và người xã khác vào để thu lượm ươi, có các dấu hiệu vi phạm quy định như chặt hạ, tỉa nhánh ươi. Do đó chúng tôi đã triển khai 8 lực lượng chuyên trách cùng phối hợp bảo vệ rừng. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm sẽ kịp thời xử lý”.

Dù đã siết chặt công tác bảo vệ rừng nhưng theo đại diện lực lượng kiểm lâm địa bàn, hiện việc quản lý, ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng bất hợp pháp vẫn còn nhiều khó khăn. Cây ươi không tập trung một chỗ mà phân bố rải rác, địa hình hiểm trở khiến việc tuần tra gặp không ít trở ngại.

Lực lượng chức năng TP Đà Nẵng thành lập tổ chuyên ngành ở các xã để tăng cường công tác bảo vệ rừng trong mùa khai thác hạt ươi. Ảnh: L.K.

Lực lượng chức năng TP Đà Nẵng thành lập tổ chuyên ngành ở các xã để tăng cường công tác bảo vệ rừng trong mùa khai thác hạt ươi. Ảnh: L.K.

Trước thực trạng đó, ngành kiểm lâm đã tăng cường ứng dụng công nghệ và truyền thông. Các nhóm Zalo được lập để kết nối người dân với lực lượng bảo vệ rừng. Số điện thoại đường dây nóng được phổ biến rộng rãi, khuyến khích người dân phản ánh các hành vi chặt phá rừng.

Anh Phan Hoài Nhân, Kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm liên xã khu vực 10 chia sẻ: “Chúng tôi được quán triệt tăng cường tuần tra từ đầu mùa nhưng lực lượng mỏng, lại phải giám sát diện tích rừng rất rộng. Nếu không có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền và người dân thì rất dễ bỏ lọt vi phạm. Chúng tôi nhờ vào tai mắt của người dân rất nhiều. Mỗi người dân sẽ là một kiểm lâm viên không mang sắc phục. Nếu được tuyên truyền kỹ và có ý thức, người dân chính là lực lượng bảo vệ rừng hiệu quả nhất”, anh Nhân nói.

Để siết chặt khai thác lâm sản ngoài gỗ như quả ươi, trước đây, UBND tỉnh Quảng Nam (cũ) từng ban hành văn bản số 3757/UBND-KTN yêu cầu nghiêm cấm chặt hạ cây ươi. Nhiều địa phương cũng đưa ra quy định tương tự, buộc các tổ chức, cá nhân vào rừng thu hái phải tuân thủ quy định, có sự giám sát của lực lượng chức năng. Ngoài ra, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp cũng được áp dụng mạnh mẽ hơn trong mùa ươi. Các trường hợp chặt cây, tỉa nhánh để lấy quả đều bị xử lý nghiêm theo Nghị định 35/2019/NĐ-CP.

Xem thêm
Lời giải công nghiệp hóa ngành chăn nuôi: [Bài cuối] Cú hích tự động hóa mở lối chăn nuôi xanh

Với dây chuyền sản xuất tự động hóa hiện đại, tiết kiệm năng lượng tối đa, CPV Food Bình Phước đang mở lối cho ngành chăn nuôi xanh, hiệu quả và phát triển bền vững.

Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng 21 xã ở Phú Thọ

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Trần Duy Đông đã ra văn bản khẩn chỉ đạo cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ ứng phó với dịch tả lợn Châu Phi.

Tìm hướng đột phá tạo sự khác biệt cho cà phê Sơn La

Sơn La phấn đấu đến năm 2030 tái canh 9.800 ha cà phê, phát triển 5.950 ha cà phê đặc sản, 80 - 90% diện tích trồng mới sử dụng giống chuẩn.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Hiện đại hóa vườn ươm bằng bầu hữu cơ siêu nhẹ

TUYÊN QUANG Mô hình ứng dụng bầu siêu nhẹ trong sản xuất cây giống mở ra hướng đi mới đầy tiềm năng cả về kinh tế lẫn môi trường cho ngành lâm nghiệp.

Kiểm ngư Vùng 5: Không có vùng xám trong chống khai thác IUU

Lực lượng Kiểm ngư Vùng 5 quyết liệt tuần tra, xử lý vi phạm trên biển, khẳng định không có ngoại lệ, không có vùng xám trong chống khai thác IUU.

Bình luận mới nhất