Dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật bầu siêu nhẹ vào sản xuất cây giống lâm nghiệp chất lượng cao (keo lai mô) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang” triển khai trong 36 tháng (từ 11/2024 đến 10/2027) là bước đi cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu cơ giới hóa, hiện đại hóa ngành lâm nghiệp địa phương.

Sản xuất giống cây lâm nghiệp bằng bầu hữu cơ siêu nhẹ có nhiều ưu điểm vượt trội so với phương pháp sản xuất bằng bầu nilon. Ảnh: Đào Thanh.
Dự án gồm 3 hợp phần chính: Sản xuất 20.000 cây giống keo lai mô sử dụng bầu hữu cơ siêu nhẹ; xây dựng mô hình trồng rừng quy mô 6 ha bằng cây giống này và tổ chức tập huấn kỹ thuật cho ít nhất 50 người. Đồng thời biên soạn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăm sóc cây giống keo lai mô bằng bầu hữu cơ siêu nhẹ để chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Nguyên liệu làm bầu gồm vỏ keo, mùn cưa, vỏ lạc, trấu và xơ dừa. Việc sử dụng giá thể hữu cơ và vỏ bầu tự phân hủy là hướng kỹ thuật mới trong ươm giống lâm nghiệp, giúp tạo môi trường bầu có dinh dưỡng tốt, tăng tỷ lệ sống, rút ngắn thời gian sinh trưởng, nâng cao năng suất rừng trồng.
Bầu hữu cơ nhẹ, thoáng khí, dễ vận chuyển và không cần bóc vỏ khi trồng, nhờ đó hạn chế tổn thương rễ và giảm ô nhiễm nhựa. Ngược lại, bầu nilon làm rễ quấn vòng, khó phát triển và ảnh hưởng đến sức sống cây sau trồng. Đây là xu hướng được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong và ngoài nước.

Cây giống sản xuất bằng bầu hữu cơ siêu nhẹ đã được đưa vào trồng tại một số cánh rừng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Yên Sơn và cho kết quả tích cực. Ảnh: Đào Thanh.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm Tuyên Quang) - chủ nhiệm dự án cho biết, lợi ích kinh tế khi ứng dụng bầu siêu nhẹ được thể hiện với các ưu điểm như giảm chi phí phân bón nhờ giá thể hữu cơ phân hủy sinh học cung cấp dinh dưỡng cho cây con, rút ngắn thời gian chăm sóc tại vườn ươm, giảm chi phí vận chuyển giống từ vườn ươm đến điểm trồng (mỗi người có thể vận chuyển 200 - 400 cây thay vì chỉ 50 - 100 cây như trước), tăng tỷ lệ sống và sinh trưởng sau trồng.
Dù mang lại nhiều ưu điểm, tuy nhiên việc sản xuất bầu hữu cơ siêu nhẹ vẫn đối mặt với một số thách thức kỹ thuật. Trước hết, giá thể hữu cơ có độ thoát nước cao, nếu không kiểm soát tốt độ ẩm sẽ dẫn đến tình trạng khô bầu, đặc biệt trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Để khắc phục, dự án đã thử nghiệm bổ sung than bùn vào công thức phối trộn nhằm cải thiện khả năng giữ ẩm. Thứ hai, hệ thống thiết bị tạo bầu nhập khẩu từ Trung Quốc có hướng dẫn sử dụng hạn chế. Việc hoàn thiện quy trình vận hành đòi hỏi các thử nghiệm cụ thể về tốc độ quay nén, nhiệt độ hàn túi bầu, độ ẩm giá thể… nhằm tối ưu hóa năng suất và chất lượng bầu.
Ông Trần Xuân Quảng, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Yên Sơn - đơn vị tiếp nhận chuyển giao dự án cho biết, công nghệ này thành công sẽ không chỉ dừng lại ở cây keo lai mô mà còn có thể áp dụng cho nhiều loài cây khác như keo tai tượng, mỡ, bồ đề…, đây là những cây lâm nghiệp phổ biến tại trung du miền núi phía Bắc.

Mô hình sản xuất bầu hữu cơ siêu nhẹ mở ra hướng phát triển mới cho ngành lâm nghiệp. Ảnh: Đào Thanh.
Về lâu dài, ứng dụng bầu hữu cơ siêu nhẹ sẽ thúc đẩy hiện đại hóa ngành lâm nghiệp, phù hợp với mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2035. Giải pháp này không chỉ góp phần xử lý chất thải nhựa trong sản xuất giống, cải thiện môi trường đất rừng mà còn nâng cao giá trị kinh tế rừng trồng.
Không đơn thuần là đổi mới kỹ thuật, việc đưa bầu hữu cơ siêu nhẹ vào sản xuất giống keo lai mô là bước chuyển chiến lược, kết hợp hài hòa giữa khoa học công nghệ và thực tiễn. Nếu được triển khai rộng rãi, mô hình này sẽ trở thành điểm sáng nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng của Tuyên Quang và khu vực trung du miền núi phía Bắc.