Dòng nước nhỏ ươm dưỡng mùa dưa lớn
Giữa những con đường làng yên ả ở xã Gia Phúc, TP. Hải Phòng, những mái nhà màng trắng muốt nổi bật như nốt nhạc hiện đại giữa vùng quê trù phú. Nơi đây từ lâu đã được biết đến là vùng đất “mát tay” với nông nghiệp công nghệ cao, nơi điều kiện tự nhiên đặc biệt phù hợp với các giống cây trồng cao cấp.
Bên trong những mái nhà màng, dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc, dưa chuột, cà chua, ớt chuông và các loại hoa đang phát triển xanh tốt trong môi trường được kiểm soát chặt chẽ. Mỗi năm, nông dân có thể canh tác ba vụ dưa lưới, một vụ dưa chuột cùng nhiều sản phẩm giá trị khác. Mỗi sào đất mang lại thu nhập từ 60 đến 100 triệu đồng, cao gấp 2-3 lần so với canh tác truyền thống ngoài trời.
Nhà màng, nhà lưới giúp người trồng chủ động tránh thời tiết bất lợi, hạn chế sâu bệnh, nâng cao năng suất và quan trọng hơn cả là tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường lớn.
Hầu hết quy trình đều được số hóa từ cây trồng trên giá thể dinh dưỡng sạch, tưới nhỏ giọt điều khiển bằng điện thoại, camera giám sát liên tục cho đến hệ thống thông gió, cấp phân, kiểm tra độ ngọt và kích thước quả đều vận hành tự động. Nhờ vậy, dưa lưới ở đây không chỉ ngọt mà còn đồng đều về mẫu mã, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ông Hoàng Anh Thư, Phó Giám đốc HTX Tân Minh Đức, phấn khởi "khoe" thành quả tại vườn dưa lưới công nghệ cao. Ảnh: Bảo Thắng.
Thế nhưng, phía sau những công nghệ hiện đại ấy là một yếu tố nền tảng không thể thiếu chính là hệ thống thủy lợi nội đồng.
“Người ta thường chỉ chú ý đến công nghệ trong nhà màng nhưng với dưa lưới, nước mới là sinh mệnh”, chị Nguyễn Thanh Vân, chủ khu nhà màng rộng 3.000 m², nói khi nhẹ tay nâng quả dưa non. Theo chị, nguồn nước tưới ổn định, đảm bảo an toàn sinh học, không nhiễm mặn hay lẫn hóa chất chính là yếu tố sống còn đối với mô hình trồng trong giá thể.
Nguồn nước ấy được đảm bảo nhờ mạng lưới kênh mương thường xuyên nạo vét, trạm bơm nội đồng vận hành ổn định và hệ thống hồ lắng có thể điều tiết theo mùa vụ. Ngay cả trong mùa hạn kéo dài, các khu nhà màng ở Gia Phúc vẫn duy trì sản xuất bình thường.
“Những ngày mưa bão, hệ thống thoát nước nhanh chính là tấm chắn, giúp nhà màng không bị ngập, bảo vệ cả thiết bị điện và những bể nước dự trữ cho vụ sau”, chị Vân chia sẻ.
Nhờ thủy lợi nội đồng hiệu quả, nhiều nhà màng tại đây không cần khoan giếng hay đầu tư hệ thống cấp nước riêng biệt. Sau khi lọc qua bể chứa, nước từ hệ thống đã đủ điều kiện phục vụ sản xuất an toàn, giúp nông dân tiết kiệm đáng kể chi phí và giảm phụ thuộc vào nguồn nước ngầm.
Nền tảng vững chắc cho nông nghiệp thông minh
Không riêng gì Gia Phúc, các xã lân cận trên địa bàn cũng đang chứng minh rằng để nông nghiệp công nghệ cao phát triển bền vững, thủy lợi không thể chỉ là “hạ tầng phụ trợ” mà cần được xem là phần lõi của toàn bộ hệ thống sản xuất.

Với dưa lưới, nước chính là sinh mệnh của cả vụ. Ảnh: Bảo Thắng.
Tại xã Trường Tân, HTX Tân Minh Đức hiện canh tác hơn 30 ha dưa lưới, dưa lê, dưa chuột và rau củ trong nhà màng, đạt doanh thu gần 2,5 tỷ đồng/ha mỗi năm.
Dù đã đầu tư các hệ thống thông minh như tưới tự động, điều khiển dinh dưỡng và cảm biến độ ẩm, đại diện HTX cho biết yếu tố quyết định vẫn là nguồn nước sạch, ổn định, được dẫn về từ kênh mương nội đồng. Giải pháp này không chỉ giúp giảm áp lực tài chính ban đầu mà còn tránh phụ thuộc vào nước ngầm, nhất là khi nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt.
“Chúng tôi chọn sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao nên thu nhập từ nông nghiệp rất lớn. Công tác chuẩn bị hệ thống phụ trợ như nước tưới lại càng quan trọng”, ông Hoàng Anh Thư, Phó Giám đốc HTX Tân Minh Đức tâm sự.

Công nghệ nâng chuẩn nông sản và chất lượng dịch vụ thủy lợi, giúp người dân ổn định sản xuất trong mọi hoàn cảnh. Ảnh: Phạm Hiếu.
Gần đó, HTX Đông Phong vận hành mô hình tưới tự động điều chỉnh bằng điện thoại. Tuy nhiên, chỉ khi kết nối với hệ thống thủy lợi gồm kênh dẫn, hồ lắng và bể chứa thì toàn bộ mô hình mới phát huy tối đa hiệu quả.
Nước sau khi lắng lọc có thể cấp thẳng vào hệ thống tưới nhỏ giọt mà không cần xử lý phức tạp. Đặc biệt, vào mùa mưa, việc tiêu úng nhanh còn giúp bảo vệ các bảng điều khiển và đường ống điện tử bên trong nhà màng, vốn rất dễ hỏng khi bị ngập hoặc thẩm thấu hóa chất.
Sau đợt bão Yagi cuối năm 2024, hàng loạt nhà màng tại vùng này bị hư hại. Tuy nhiên, nhờ hệ thống thủy lợi nội đồng vẫn vận hành trơn tru, nhiều HTX đã có thể khôi phục sản xuất chỉ sau vài tuần. Dưa chuột, dưa vàng được xuống giống kịp thời, năng suất không giảm, giúp bà con không lỡ nhịp mùa vụ.
Ông Lê Thái Nghiệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng đánh giá, thủy lợi nội đồng chính là “tấm khiên” bảo vệ vùng sản xuất công nghệ cao trước biến động thời tiết ngày càng khắc nghiệt. “Nếu công nghệ giúp nâng chuẩn nông sản thì thủy lợi chính là yếu tố giúp ổn định sản xuất trong mọi hoàn cảnh”, ông Nghiệp đánh giá.