| Hotline: 0983.970.780

Phục tráng thành công 2 giống mướp đắng rừng của Việt Nam

Thứ Ba 08/07/2025 , 23:02 (GMT+7)

Tôi uống chén trà để ngấm vị đắng trước, ngọt sau của mướp đắng rừng rồi nghe Thạc sĩ Đới Hồng Hạnh kể về chất saponin có trong loại trà này.

Mướp đắng rừng Đia

Giống mướp đắng rừng Đia của người Mông ở huyện Kỳ Sơn (cũ), tỉnh Nghệ An ấy được trồng ngay trong vườn của Trung tâm Tài nguyên Thực vật thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Những chiếc lá, bông hoa, quả đều bé xíu, khác hẳn với giống mướp đắng bình thường. Ở Việt Nam, diện tích trồng mướp đắng những năm gần đây tăng lên đáng kể do lợi nhuận khá. Tuy nhiên, sản xuất mướp đắng gặp nhiều khó khăn vì hạn chế về giống và kỹ thuật canh tác.

Thạc sĩ Đới Hồng Hạnh bên những quả mướp đắng rừng Đia đã chín. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thạc sĩ Đới Hồng Hạnh bên những quả mướp đắng rừng Đia đã chín. Ảnh: Dương Đình Tường.

Giống địa phương chủ yếu do người dân sản xuất theo kinh nghiệm nên bị thoái hóa, lẫn tạp làm giảm năng suất và chất lượng. Các loại mướp đắng lai năng suất cao nhưng do không chủ động được giống nên gây hiện tượng xói mòn quỹ gen và phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập nội. Mặt khác, độ đắng và khả năng thích ứng với điều kiện bất thuận ngoài sản xuất (hạn, úng, sâu bệnh...) của giống lai cũng kém hơn rất nhiều so với giống địa phương.

Thạc sĩ Đới Hồng Hạnh (Trung tâm Tài nguyên Thực vật) - Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khai thác, phát triển nguồn gen mướp đắng rừng Mắc Kháy Khau của tỉnh Bắc Kạn (cũ) và mướp đắng Đia của tỉnh Nghệ An cho biết đơn vị mình thường tổ chức đoàn đi điều tra, thu thập các giống cây trồng địa phương. Ngoài ghi nhận mục đích sử dụng theo truyền thống, đoàn còn quan tâm đến những cách sử dụng phi truyền thống mang tính tri thức bản địa kiểu như gạo ăn không phải cho no mà để làm thuốc.

Trong một chuyến đi như thế đến Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đoàn đã phát hiện loại mướp đắng rừng Đia được người Mông dùng làm thuốc chữa bệnh, quả để giải độc gan, thân lá để tắm cho trẻ con đỡ rôm sẩy, thậm chí khi quả chín còn lấy màng hạt ăn vì có vị ngọt thanh.

Mướp đắng rừng khi chín vỏ quả chuyển thành màu đỏ rực, nở bung ra như một đóa hoa để lộ những hạt bên trong đỏ sẫm như hạt gấc. Chính vị ngọt của màng hạt thu hút các loại chim, chuột đến ăn, phát tán chúng để đến mùa lại mọc lên thành cây.

Màng hạt của mướp đắng rừng có vị ngọt thanh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Màng hạt của mướp đắng rừng có vị ngọt thanh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khi đoàn mang loại mướp đắng này về phân tích thì phát hiện có saponin - chất có trong nhân sâm. Thạc sĩ Hạnh cho biết: “Trước đây người Mông không trồng mướp đắng rừng mà chỉ thu hái tự nhiên nhưng sau khi có đề tài nghiên cứu đã biết trồng tập trung được 3 - 4 ha, hiện đang bán tươi với giá 40.000 - 50.000 đ/kg và dễ bán, trong khi mướp đắng thường chỉ bán được 6.000 - 10.000 đ/kg, lắm khi còn khó bán. Với năng suất 6,5 - 7 tấn/ha họ thu được 300 - 350 triệu đồng/ha, trong đó chi phí gần như không đáng kể bởi chỉ phải tốn công thu hái, mặt khác mướp đắng rừng đòi hỏi ít phân bón (nếu bón nhiều cây sẽ ra nhiều lá, ít quả).

Ưu điểm của giống mướp này là không có thời vụ, trồng tháng hai, thu quả rải rác từ tháng tư đến tháng tám nên ngày nào cũng có bán. Nó không phải bỏ đi bất cứ thứ gì, quả ngoài dùng làm thực phẩm còn dùng làm thuốc mát gan, giải độc, trị tiểu đường, lá dùng làm thuốc tắm, gốc rễ dùng để ngâm rượu.

Nhược điểm của mướp đắng rừng là hạt có tinh dầu nên bảo quản ở nhiệt độ thông thường dễ bị mất sức nảy mầm, quả dễ bị ruồi vàng tấn công trong khi kích cỡ nhỏ khó bọc được. Để phòng chống ruồi vàng, một số bà con đã dùng nước cất quế phun xua đuổi hay dùng bẫy bả".

Mướp đắng rừng Mắc Kháy Khau

Khác với quả thon của giống mướp đắng rừng Đia, mướp đắng rừng Mắc Kháy Khau quả tròn, tuy nhiên hàm lượng saponin lại khiêm tốn hơn. Người Tày thường khai thác quả, ngọn non của chúng để chế biến các món ăn đặc sản. Mướp đắng rừng cũng là loài dược liệu được các thầy lang sử dụng để trị viêm loét đường tiêu hóa, viêm loét đại tràng, táo bón, kí sinh trùng đường ruột, giúp thanh lọc cơ thể, mát gan, giải độc, phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư, tiểu đường, cao huyết áp…

Hoa mướp đắng rừng Đia. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Hoa mướp đắng rừng Đia. Ảnh: Dương Đình Tường. 

“Trung Quốc có nhiều sản phẩm được chế biến từ mướp đắng và có nhiều người uống mướp đắng thay nước. Bởi thế chúng tôi muốn đồng hành với các HTX, doanh nghiệp và bà con để mở rộng trồng mướp đắng rừng, chế biến sâu, ngoài sấy lạnh còn có trà và cao mướp đắng, đưa sản phẩm tham gia chương trình OCOP…”, Thạc sĩ Đới Hồng Hạnh thông tin.

Đề tài nghiên cứu đã tiếp cận các vấn đề cụ thể gồm: Đánh giá đặc điểm nông sinh học chính, tính trạng đặc trưng và giá trị của nguồn gen mướp đắng Mắc Kháy Khau và mướp đắng Đia; đánh giá đa dạng di truyền của tập đoàn mướp đắng địa phương đặc trưng của Việt Nam (tối thiểu 100 mẫu) cũng như định danh 2 nguồn gen mướp đắng Mắc Kháy Khau và mướp đắng Đia; phục tráng 2 nguồn gen mướp đắng rừng Mắc Kháy Khau và Đia, sản xuất 10 kg hạt giống siêu nguyên chủng cho mỗi nguồn gen; xây dựng 2 quy trình nhân giống và sản xuất 100 kg hạt giống nguyên chủng của 2 nguồn gen đã được phục tráng.

Đồng thời xây dựng quy trình canh tác theo hướng GACP-WHO, quy trình sơ chế bảo quản và quy trình sản xuất cao mướp đắng được công nhận cấp cơ sở. Xây dựng mô hình canh tác thương phẩm cho mỗi nguồn gen phục tráng với quy mô 1 ha/mô hình/nguồn gen, cho hiệu quả kinh tế tăng 15% so với trước. Sản xuất 200 kg mướp đắng khô, 50 kg cao mướp đắng thành phẩm đạt tiêu chuẩn cơ sở...

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tác dụng hạ đường huyết của mướp đắng là từ hợp chất saponin. Do đó, muốn phát triển các sản phẩm có chứa mướp đắng đơn lẻ hay phối hợp với các dược liệu khác cần phải có hàm lượng saponin cao. Mướp đắng rừng tỏ ra phù hợp cho mục đích sản xuất thực phẩm chức năng hay thuốc.

Xem thêm
Nuôi dê nhốt chuồng, nhàn tênh, lãi lớn

HÀ TĨNH Nuôi dê nhốt chuồng dễ quản lý, chủ động nguồn thức ăn, kiểm soát tốt dịch bệnh giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Dịch tả heo Châu Phi tái bùng phát tại Gia Lai

GIA LAI Qua nhiều năm dịch tả heo Châu Phi được khống chế nhờ giải pháp phòng chống dịch của ngành chức năng, nay dịch bệnh này tái xuất hiện tại phường An Nhơn Đông.

Thu tiền triệu mỗi ngày từ hoa thiên lý

NGHỆ AN Nông dân xã Đại Huệ (tỉnh Nghệ An) đang rất phấn khởi khi mỗi ngày thu hoạch hoa thiên lý bán cho thương lái đem lại thu nhập hàng triệu đồng.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nâng tầm nông sản từ những mô hình trang trại bền vững

Hưng Yên đẩy mạnh mời gọi các nhà đầu tư phát triển trang trại theo hướng hữu cơ, liên kết sản xuất - tiêu thụ, tạo nền tảng vững chắc để nâng tầm giá trị nông sản.

Bình luận mới nhất