Ngày 7/7, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM phối hợp với một số cơ quan, đơn vị phát động cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2025 tại khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.
Cuộc thi đang lan tỏa mạnh mẽ tinh thần chuyển đổi số và khát vọng phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp. Với chủ đề “Chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp bền vững”, cuộc thi đã trở thành điểm kết nối ý tưởng, công nghệ và nguồn lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp Việt Nam.

Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp công nghệ cao 2025 tại TP Đà Nẵng. Ảnh: Phạm Huy.
Sau lễ công bố tại TP.HCM – đầu tàu kinh tế cả nước, cuộc thi lần lượt được phát động tại các địa phương chiến lược như Cao Bằng, Hà Nội, Cần Thơ, Lâm Đồng và kết thúc tại TP Đà Nẵng. Mỗi điểm đến không chỉ là nơi tổ chức sự kiện mà còn là nơi khơi nguồn các sáng kiến địa phương gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Tại Đà Nẵng – trung tâm đổi mới sáng tạo của miền Trung, lễ phát động thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, doanh nghiệp và đại diện các trường đại học.

Ông Nguyễn Thanh Hiền, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM phát biểu tại lễ phát động. Ảnh: Phạm Huy.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Thanh Hiền - Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM đại diện Ban tổ chức nhấn mạnh: “Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chính là hướng đi chiến lược giúp ngành nông nghiệp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, đô thị hóa và hội nhập toàn cầu. Chúng tôi kỳ vọng từ sân chơi này sẽ hình thành một thế hệ doanh nhân trẻ, năng động, sáng tạo, làm chủ công nghệ và đóng góp vào hệ sinh thái nông nghiệp bền vững".
Cuộc thi hướng đến các dự án ứng dụng công nghệ số và công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, truy xuất nguồn gốc, bảo quản sau thu hoạch và quản lý chuỗi cung ứng. Những công nghệ tiên tiến như IoT, AI, blockchain, dữ liệu lớn, robot và tự động hóa được ưu tiên đưa vào thực tiễn để giải quyết các bài toán về năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản và thị trường.
Các lĩnh vực cụ thể được khuyến khích gồm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nấm ăn và nấm dược liệu, cây dược liệu, công nghệ sinh học, công nghệ vi sinh, công nghệ tế bào thực vật và các chế phẩm sinh học…

Ông Nguyễn Thanh Hiền, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM tặng quà lưu niệm cho ông Phạm Ngọc Sinh, Phó Giám đốc Sở KH-CN TP Đà Nẵng. Ảnh: Phạm Huy.
Cuộc thi chia thành hai bảng: Bảng A dành cho sinh viên, Bảng B dành cho các nhóm khởi nghiệp và doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Phân chia này nhằm đảm bảo tính công bằng và khuyến khích tối đa năng lực sáng tạo của từng nhóm đối tượng.
Tổng giá trị giải thưởng lên đến hàng tỷ đồng, bao gồm tiền mặt, gói ươm tạo, đào tạo chuyên sâu và nhiều giải thưởng phụ như “Dự án được yêu thích nhất”, “Thuyết trình ấn tượng nhất” và “Ý tưởng có tính ứng dụng cao”. Đặc biệt, các dự án xuất sắc sẽ được xem xét hỗ trợ theo Nghị quyết 20/2023/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM với mức tài trợ lên đến 400 triệu đồng/dự án.
Không chỉ tạo sân chơi cạnh tranh, cuộc thi còn là nền tảng để phát hiện, nuôi dưỡng và đồng hành cùng thế hệ doanh nhân trẻ làm chủ công nghệ, góp phần kiến tạo nền nông nghiệp thông minh, xanh và phát triển bền vững.