Tháng 7, giữa những ngày nắng gắt đổ xuống vùng đất bán sơn địa, những buổi học đặc biệt vẫn đều đặn diễn ra tại xã Thanh An, TP.HCM - vùng đất mới đổi tên trên bản đồ hành chính nhưng vẫn mang trong mình khát vọng rất cũ, đó là làm nông nghiệp cho ra nông nghiệp, không còn kiểu ai trồng nấy biết.
Tại đây, giữa những vườn sầu riêng rợp bóng, một lớp học kỹ thuật do Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Thủy lợi Bình Dương (cũ) phối hợp với địa phương tổ chức đã thật sự mở ra hướng đi mới cho nông dân. Không bảng đen, không phấn trắng, lớp học ấy là chính những khu vườn, chính những gốc cây mà nông dân vẫn chăm mỗi ngày. Từ những lớp học ấy, nông nghiệp công nghệ cao đang từng bước chuyển mình.

Lớp học kỹ thuật do Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Thủy lợi Bình Dương (cũ) tổ chức đã thật sự mở ra hướng đi mới cho nông dân. Ảnh: Trần Phi.
Gieo hạt cho tương lai
Ông Huỳnh Văn Long, người đã gắn bó hơn 6 năm với 10 ha sầu riêng chia sẻ bằng giọng nhẹ nhàng nhưng rắn rỏi: “Từ ngày đi học lớp này, tôi mới thấy trước giờ mình làm theo kiểu truyền thống hao công tốn của mà cây lại không khỏe. Nay học xong rồi, tôi biết phải điều tra cây trước khi phun thuốc, biết lúc nào cây cần phân, lúc nào thì nên để yên. Nhờ đó chi phí giảm đến 30 - 40%”.
Vườn sầu riêng của ông Long giờ đã có hệ thống tưới tự động, phân cũng được pha sẵn rồi chảy theo đường ống nhỏ giọt. Mỗi mùa vụ, năng suất cứ đều đều tăng từ 10 tấn/ha mùa đầu lên đến 18 tấn mùa sau. Nhưng cái ông thấy quý nhất không phải là con số, mà là tâm thế mới khi làm nông. "Giờ mình không còn làm theo cảm tính, mà có lý do, có dẫn chứng. Mình không còn sợ cây bị bệnh, sợ lỗ nữa vì biết đang làm gì”, ông Long tự tin.
Cũng đến từ xã Thanh An, ông Huỳnh Văn Thắng, người từng thất bại với vườn sầu riêng nhỏ của gia đình, giờ đang phải đi chăm sóc thuê cho một vườn khác nhưng không giấu được niềm vui: “Giờ tôi học rồi, biết làm mô cao, giữ cỏ đúng cách, không xịt thuốc sát gốc, chọn thuốc theo quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để bảo vệ thiên địch. Không phải cứ xịt là xong mà phải hiểu cây, hiểu đất mới làm được lâu dài”.

Tư duy “trồng để lấy quả” giờ đã dần chuyển sang “trồng để giữ cây khỏe”. Và từ cây khỏe, đất khỏe, sẽ cho những vụ mùa bội thu bền vững. Ảnh: Trần Phi.
Theo bà Quảng Thị Hồng Vân, cán bộ kỹ thuật Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ Thực vật và Thủy lợi Bình Dương (cũ), đây là một trong những mô hình đầu tiên trong đề án “Phát triển sức khỏe cây trồng tổng hợp” giai đoạn 2024 - 2030 được triển khai thí điểm tại Thanh An. Điều đặc biệt là toàn bộ buổi học không diễn ra trong hội trường mà được tổ chức ngoài vườn.
“Mỗi tuần, bà con tập trung từ sớm, đi điều tra vườn, coi cây bị sâu bệnh gì, cỏ có che phủ đủ chưa, phân bón đã đúng chưa, đất có thông thoáng không… rồi mới gom lại trao đổi, học trên chính hiện trường thực tế. Mỗi vườn là một phòng học, mỗi gốc cây là một bài giảng sống động”.
Bài học không chỉ có kỹ thuật. Trong khóa học, bà con còn được tiếp cận các nội dung như giữ hệ sinh thái cân bằng trong vườn, bảo tồn thiên địch, sử dụng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học, kỹ thuật ghi chép, xây dựng mã số vùng trồng, canh tác đảm bảo an toàn thực phẩm, thậm chí cả vấn đề bình đẳng giới và sức khỏe người lao động. Tất cả được tích hợp với một mục tiêu duy nhất là làm nông nghiệp bền vững, lâu dài và chủ động.
“Chúng tôi không dạy rập khuôn mà dạy để bà con tự hiểu rồi về điều chỉnh theo điều kiện nhà mình. Làm sao để mỗi người đều làm chủ kỹ thuật, không phụ thuộc vào thuốc men hay thói quen cũ nữa. Cây phải khỏe, nhưng người làm cũng phải khỏe và đất cũng phải sống”, bà Vân nhấn mạnh.
Giấc mơ công nghệ cao
Chuyển đổi kỹ thuật, thay đổi tư duy là hành trình không dễ, nhất là khi nó bắt đầu từ những nông dân chưa từng qua trường lớp bài bản. Nhưng điều đang diễn ra ở xã Thanh An hôm nay là minh chứng rõ ràng rằng nếu có niềm tin và sự đồng hành đúng cách, nông dân sẽ thay đổi và họ chính là lực lượng nòng cốt cho giấc mơ nông nghiệp công nghệ cao.
“Tôi mong có doanh nghiệp về liên kết. Mình thì có đất, có công, họ thì có đầu ra, kỹ thuật. Làm vậy mình mới mạnh được, mới không còn cảnh trồng rồi bán lỗ, trồng xong không ai mua", ông Huỳnh Văn Long chia sẻ như nói thay tiếng lòng của nhiều nông dân khác.

Nếu có niềm tin và sự đồng hành đúng cách, nông dân sẽ thay đổi và họ chính là lực lượng nòng cốt cho giấc mơ nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Trần Phi.
Còn ông Huỳnh Văn Thắng thì nói vui nhưng thật: “Trước giờ trồng sầu riêng kiểu làm đại, ai mua thì mừng, không thì thôi. Nhưng giờ biết rồi, nếu không làm sạch, làm chuẩn thì không xuất khẩu được. Không xuất khẩu được thì cứ mãi loay hoay bán cho thương lái, chịu thiệt hoài”.
Trong ánh nắng cuối buổi học, từng chiếc nón lá thấp thoáng giữa vườn sầu riêng. Có thể không ai nói ra, nhưng mỗi người đều mang theo một quyết tâm rất riêng. Xã Thanh An sau sáp nhập không chỉ thay đổi trên bản đồ mà đang thay đổi từ chính tâm thế của những nông dân.
Sự thay đổi ấy không diễn ra đơn lẻ. Từ vài hộ tham gia ban đầu, mô hình lớp học giữa vườn đang lan tỏa, thu hút thêm nhiều bà con quanh vùng đến nghe, học hỏi, quan sát rồi về làm thử. Những gì từng là kiến thức “cao siêu” như IPM, phân sinh học, bảo vệ thiên địch... nay đã trở thành chuyện bàn trà, câu chuyện đầu bờ mỗi buổi chiều.
Sự chủ động trong tiếp cận tri thức cùng khát khao làm nông nghiệp tử tế đang góp phần định hình lại diện mạo vùng đất bán sơn địa này. Không còn cảnh trồng rồi phó mặc, nhiều nông dân Thanh An đang bắt đầu ghi nhật ký canh tác, tính toán chi phí, lên kế hoạch mùa vụ theo hướng thị trường, những điều mà trước kia rất ít người quan tâm.

Từ vài hộ tham gia ban đầu, mô hình lớp học giữa vườn đang lan tỏa, thu hút nhiều bà con quanh vùng đến nghe, học hỏi, quan sát rồi về làm thử. Ảnh: Trần Phi.
Giấc mơ sầu riêng công nghệ cao không còn là khẩu hiệu xa vời. Nó đang được nuôi dưỡng từng ngày, từ từng mảnh vườn, từng nông dân như ông Long, ông Thắng, những người từng âm thầm thất bại nhưng nay đang âm thầm vươn dậy bằng tri thức, niềm tin và sự kiên trì.
Nếu được tiếp tục đầu tư đúng hướng, Thanh An có thể trở thành vùng chuyên canh sầu riêng kiểu mẫu, không chỉ sạch và bền vững mà còn đủ tiêu chuẩn chinh phục những thị trường khó tính nhất. Và những lớp học giữa vườn hôm nay có lẽ là khởi đầu cho tương lai ấy, một tương lai mà nông dân không còn đơn độc.