Đất trồng sầu riêng ngày càng "ốm yếu"
Năm 2024 là dấu mốc quan trọng với ngành rau quả Việt Nam khi lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu vượt 7 tỷ USD. Trong đó, sầu riêng đóng góp gần một nửa với con số ấn tượng 3,3 tỷ USD. Kết quả này đến từ việc thị trường Trung Quốc tiêu thụ tới 97% lượng sầu riêng xuất khẩu của nước ta.
Đặc biệt, việc mở cửa thị trường kéo theo diện tích trồng sầu riêng tăng nhanh chưa từng có, từ 32.000 hecta (năm 2015) lên đến 178.000 hecta (năm 2024), tức trung bình mỗi năm tăng hơn 16.000 hecta.

5 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng cả nước đạt 387 triệu USD, giảm 58% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Kim Anh.
Tuy nhiên, đằng sau những con số này cũng đặt ra thách thức về vấn đề an toàn thực phẩm từ các thị trường nhập khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc bắt đầu siết chặt kiểm tra tồn dư hóa chất, trong đó có kim loại nặng cadimi (Cd).
Từ đầu năm 2025 đến nay, sau thời điểm Trung Quốc tăng cường kiểm tra, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đã lập tức “lao dốc”. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 5 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng chỉ đạt 387 triệu USD, giảm đến 58% so với cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc giảm tới 67,5%, còn 278 triệu USD. Điều này đã kéo theo giá thu mua mặt hàng “trái cây vua” này tại vườn sụt giảm mạnh, chỉ còn khoảng 30.000 đồng/kg đối với giống Ri6 và khoảng 50.000 đồng/kg đối với sầu riêng Thái - mức thấp nhất kể từ đầu năm 2024 đến nay.
Theo đánh giá của một số chuyên gia nghiên cứu về khoa học đất, tồn dư cadimi và các độc chất thuốc bảo vệ thực vật khác trong đất trồng sầu riêng ở ĐBSCL đang ở ngưỡng đáng báo động, khó kiểm soát. Nguyên nhân do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.
Cụ thể, yếu tố khách quan là tiến trình suy thoái, bạc màu và ô nhiễm đất diễn ra tự nhiên khiến độ phì nhiêu đất giảm, mất cân bằng sinh thái, mầm bệnh và côn trùng gây hại phát triển nhanh, độc chất trong môi trường đất tăng.

Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học và các hoạt chất kích thích ra hoa trong canh tác sầu riêng khiến sức khỏe đất ngày càng suy giảm. Ảnh: Văn Vũ.
Yếu tố chủ quan cũng là nguyên nhân chính đẩy nhanh tiến trình suy thoái, bạc màu đất trồng sầu riêng do nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học và các hoạt chất kích thích ra hoa… nhằm tăng năng suất, diệt sâu và mầm bệnh. Bên cạnh đó, bà con chưa biết cách cải tạo, chăm sóc sức khỏe đất khiến các độc chất tích lũy, lưu tồn theo thời gian canh tác.
Tiên phong giải độc Cadimi
Từ thực trạng trên, tỉnh Đồng Tháp - địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất khu vực ĐBSCL đã nhanh chóng bắt tay triển khai mô hình khắc phục vùng trồng sầu riêng bị nhiễm cadimi. Mô hình hướng đến mục tiêu ứng dụng các giải pháp kỹ thuật canh tác chuyên biệt nhằm giải độc cho đất trồng sầu riêng, xây dựng quy trình sản xuất an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và khôi phục vị thế xuất khẩu của ngành hàng sầu riêng.
Mô hình đang được triển khai tại 2 hộ dân ở xã Thanh Hưng và Long Tiên (tỉnh Đồng Tháp). Tổng cộng có 5 giải pháp kỹ thuật được áp dụng, mỗi giải pháp thực hiện trên diện tích 0,1 hecta. Cụ thể:
Giải pháp 1: Chủ vườn áp dụng quy trình thâm canh tổng hợp sầu riêng do Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) ban hành, đồng thời sử dụng phân bón có hàm lượng cadimi thấp hoặc không chứa cadimi.

Mô hình khắc phục vùng trồng sầu riêng bị nhiễm cadimi đang được triển khai ở tỉnh Đồng Tháp và cho thấy những tín hiệu tích cực ban đầu. Ảnh: Kim Anh.
Giải pháp 2: Kết hợp giải pháp 1 với trồng cây bạc hà để hấp thu cadimi trong đất.
Giải pháp 3: Áp dụng giải pháp 1 kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học để hạn chế cây hấp thụ cadimi.
Giải pháp 4: Kết hợp giải pháp 1 với than hoạt tính (Biochar) để cải thiện pH đất và hấp thụ kim loại nặng.
Giải pháp 5: Chủ vườn được hướng dẫn áp dụng đồng thời cả chế phẩm sinh học và Biochar cùng với giải pháp 1 để tăng hiệu quả.
Kết quả bước đầu tại mô hình của ông Trần Thế Bảy ở ấp 16, xã Long Tiên cho thấy trước khi triển khai, pH đất chỉ ở mức 4,5 và hàm lượng cadimi trong đất là 0,096 mg/kg, cành lá 0,04 mg/kg, trái 0,02 mg/kg. Sau 4 tháng canh tác theo mô hình, pH đất tăng lên mức 5, hàm lượng cadimi trong cành lá giảm xuống mức thấp nhất là 0,01 mg/kg (ở giải pháp 1), 0,02 mg/kg (giải pháp 2) và 0,01 mg/kg (giải pháp 3), cho thấy hiệu quả ban đầu khá rõ ràng.
Tuy nhiên ở giải pháp 4 và 5, mức cadimi trong cành lá không thay đổi, vẫn giữ mức 0,04 mg/kg. Điều này cho thấy không phải mọi giải pháp đều mang lại hiệu quả như nhau, việc lựa chọn phương án phù hợp cần dựa trên điều kiện đất đai, khả năng đầu tư và theo dõi chặt chẽ.
Trực tiếp tham gia mô hình, ông Bảy cho hay: “Tôi có 140 gốc sầu riêng 12 năm tuổi. Các giải pháp giảm cadimi trong đất do Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp phối hợp với các viện, trường triển khai. Tôi mong hiệu quả thực sự từ các giải pháp này, nếu thành công, tôi tin rằng nhiều bà con sẽ học hỏi để áp dụng trên diện rộng”.
Ông Trần Thanh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp đánh giá, sau thời gian áp dụng kỹ thuật mới, các chỉ tiêu ban đầu cho thấy tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, chỉ tiêu cadimi trong đất và trái vẫn đang trong quá trình theo dõi, chưa có kết quả phân tích cuối cùng.

Việc khắc phục vùng trồng sầu riêng bị nhiễm cadimi được kỳ vọng mở ra mục tiêu dài hạn nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, giữ vững thị phần xuất khẩu. Ảnh: Văn Vũ.
“Kết quả cadimi trong cành lá được ghi nhận có giảm so với trước khi triển khai mô hình, trong khi xuất khẩu lại là trái. Do đó việc có đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc hay không còn phải chờ kết quả đánh giá trên trái. Hiện vụ thu hoạch sầu riêng vẫn chưa diễn ra”, ông Tâm cho biết.
Dù mới chỉ là những bước đi đầu tiên, nhưng mô hình khắc phục vùng trồng sầu riêng bị nhiễm cadimi của tỉnh Đồng Tháp được kỳ vọng mở ra mục tiêu dài hạn nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và giữ vững thị phần xuất khẩu, vì vậy ngành chức năng cần có chiến lược đồng bộ và lâu dài.
Mới đây, trong chuyến khảo sát thực tế, ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh, việc đánh giá toàn diện nguyên nhân và xây dựng quy trình chuẩn cho cây sầu riêng rất quan trọng. Thứ trưởng Trung cho rằng, chỉ khi xác định rõ cơ chế phát sinh cadimi trong đất (do phân bón, nguồn nước hay tầng đất bên dưới) mới có thể đưa ra giải pháp kiểm soát phù hợp và phát huy được hiệu quả.
Việc phân tích chỉ số cadimi không chỉ thực hiện ở cành lá mà phải tập trung vào trái. Nếu mô hình hiện tại có thể giảm cadimi xuống ngưỡng cho phép ở trái, sẽ mở ra cơ hội phục hồi xuất khẩu rất lớn cho sầu riêng Việt Nam.
Mặt khác, mô hình hiện tại mới triển khai ở quy mô nhỏ, việc nhân rộng trên diện tích lớn cần đi kèm với việc hướng dẫn kỹ thuật cụ thể cho nông dân, cung cấp vật tư nông nghiệp an toàn, có kiểm soát.