Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) chứng chỉ rừng Tây Kim, xã Sơn Kim 1 là đơn vị tiên phong trong “cuộc cách mạng” xanh hóa rừng tự nhiên biên giới tỉnh Hà Tĩnh. Năm 2017 sau khi được kiện toàn, Liên hiệp HTX đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho người dân tại các xã Sơn Kim 1, Sơn Lĩnh và Sơn Hồng (cũ) về tầm quan trọng của quản lý rừng bền vững. Chỉ một năm sau, hàng trăm ha keo tại đây đã được Tổ chức Green Freight Asia của Đức cấp chứng chỉ FSC.
Qua thời gian, diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC tăng lên theo từng năm, làm tiền đề để tích trữ carbon, chuẩn bị xuất bán ra thị trường theo định hướng của Chính phủ Việt Nam.

Liên hiệp HTX chứng chỉ rừng Tây Kim sẽ đưa vào trồng khoảng 10 ha cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên carbon vào năm 2026. Ảnh: Thanh Nga.
Ông Võ Văn Biển, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Liên hiệp HTX chứng chỉ rừng Tây Kim cho biết, đến nay đã có hơn 978/ hơn 6.000 ha rừng tự nhiên của Liên hiệp HTX được công bố là rừng FSC carbon, với trữ lượng carbon tích trữ đạt 7.500 tấn/năm.
Để năng cao hiệu quả kinh tế dưới tán rừng, đến năm 2026 Liên hiệp HTX phấn đấu phát triển diện tích rừng tự nhiên FSC carbon thêm khoảng 2.000 ha, trong đó diện tích rừng trồng có chứng chỉ FSC khoảng 1.500 ha. Ngoài ra, đơn vị xây dựng phương án tăng cường carbon cao với dự án trồng làm giàu rừng bằng cây lim xanh, mây và cây dược liệu (thiên niên kiện) trong rừng tự nhiên. Cụ thể, diện tích lim phấn đấu trồng 10ha, cây mây 5ha và thiên niên kiện 5ha.
Việc trồng dược liệu dưới tán rừng được tỉnh Hà Tĩnh khuyến khích trong nhiều năm nay, trở thành hướng đi đúng đắn vừa nâng cao thu nhập cho người dân, vừa chống xói mòn đất, bảo vệ nước, môi trường sinh thái trong khu vực.

Cây giống, kỹ thuật và đầu ra cây thiên niên kiện được doanh nghiệp liên kết cung cấp. Ảnh: Thanh Nga.
“Tổng diện tích thiên niên kiện đã trồng đến nay đạt hơn 1.200 ha, tập trung tại các xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Hồng, Sơn Tây (cũ). Đây cũng là khu vực có nhiều diện tích rừng tự nhiên được cấp chứng chỉ FSC nhất toàn tỉnh Hà Tĩnh. Việc trồng dược liệu dưới tán rừng được xem là “lợi đơn lợi kép”, vừa giúp cây rừng phát triển tốt hơn, góp phần tăng độ che phủ, tăng trữ lượng carbon, vừa tăng thu nhập trên đơn vị diện tích với mức bình quân đạt từ 45-50 triệu đồng/ha”, ông Lê Ngọc Danh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Hương Sơn thông tin.
Cuối năm 2024 gia đình ông Nguyễn Công Tuân, thôn Khe Năm, xã Sơn Kim 1 được hỗ trợ 10 triệu đồng/ha theo Nghị quyết 51/2021 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Thông qua việc cung cấp cây giống và hỗ trợ kỹ thuật của Công ty TNHH Bảo Lâm, toàn bộ 9ha rừng tự nhiên đã được phủ kín cây thiên niên kiện.
“Cây dược liệu phát triển tốt dưới tán rừng. Chúng tôi cũng đã ký liên kết với doanh nghiệp để năm sau thu mua sản phẩm. Bước đầu tôi thấy lợi ích trồng dược liệu dưới tán rừng là tận dụng được hết diện tích đất, không xâm hại đến rừng. Về lâu dài sẽ bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích cho người dân”, ông Tuân nhận xét.

Cây thiên niên kiện sinh trưởng tốt tại xã Sơn Kim 1. Ảnh: Thanh Nga.
Về định hướng thời gian tới, ông Trần Quốc Hoàng - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1 - cho hay, địa phương đang tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng diện tích bởi cây thiên niên kiện dễ trồng, chi phí thấp và đặc biệt rất phù hợp với điều kiện tự nhiên trên địa bàn.
Điều này không chỉ giúp người dân bảo vệ tốt hơn diện tích rừng tự nhiên đã được giao mà còn là giải pháp quan trọng để bảo tồn nguồn gen quý, phát triển ngành dược liệu và gìn giữ hệ sinh thái rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng.