Ngày 15/7, Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La tổ chức họp tư vấn định hướng phát triển cây cà phê giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2035 nhằm đánh giá hiện trạng, thảo luận các khó khăn, hướng tới xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho ngành hàng cà phê trong thời gian tới.

Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La họp bàn với các doanh nghiệp, HTX để tìm giải pháp phát triển bền vững cây cà phê. Ảnh: Nguyễn Nga.
Lợi thế lớn phát triển cà phê đặc sản
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sơn La, đến nay, diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh ước đạt 24.300 ha, sản lượng khoảng 37.724 tấn cà phê nhân, tương ứng tăng 36% và 41% so với năm 2021. Bình quân mỗi ha cà phê mang lại doanh thu từ 170 đến hơn 200 triệu đồng, lợi nhuận đạt trên 140 triệu đồng.
Sơn La hiện là địa phương có diện tích và sản lượng cà phê chè (Arabica) lớn nhất cả nước, chiếm khoảng 50% diện tích và 43,5% sản lượng toàn quốc. Đây là lợi thế lớn để phát triển vùng cà phê đặc sản chất lượng cao, phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững trên thế giới.
Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như thẩm định, cấp quyết định công nhận, quản lý khai thác 5.000 cây đầu dòng, 3 vườn giống cà phê; phát triển 1.120 ha cà phê đặc sản; cấp 23.448 lượt ha chứng nhận RA, 4C, VietGAP, hữu cơ; duy trì 7 đơn vị được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La”; hình thành 2 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao với trên 1.000 ha, 1.560 hộ gia đình… Trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh đã xuất khẩu 17.800 tấn cà phê, đạt gần 70 triệu USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, theo ông Phùng Kim Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La, ngành hàng cà phê của tỉnh vẫn đối diện không ít khó khăn, thách thức. Ông Sơn gợi ý các đơn vị tham gia tư vấn tập trung làm rõ các vấn đề về giống, tập quán canh tác, thu hoạch và liên kết chuỗi, công tác thu hút đầu tư vào chế biến, việc kiểm soát chất lượng, giá bán và mở rộng thị trường xuất khẩu…

Cà phê được trồng tại Sơn La từ những năm 1990, đến nay đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Ảnh: Nguyễn Nga.
"Làm thế nào để từ những khó khăn, thách thức, chúng ta có giải pháp, tìm ra hướng đột phá để xây dựng, tạo nên sự khác biệt, đặc trưng, viết nên câu chuyện riêng cho thương hiệu cà phê Sơn La”, ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Vương Văn Hải, Chủ tịch Hội cà phê Sơn La chỉ ra 5 vấn đề lớn còn tồn tại trong sản xuất cà phê của tỉnh. Đó là cà phê giống cũ Catimor đã trồng hơn 30 năm, nay cần tái canh thay bằng bộ giống mới chất lượng cao hơn. Kỹ thuật trồng, chăm sóc còn hạn chế, nhất là vấn đề giống chưa được kiểm soát chặt chẽ. Chế biến cà phê nhỏ lẻ vẫn là điểm nóng về ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu vẫn chưa hợp lý khi 85 - 90% sản lượng là cà phê nhân sống, tỷ lệ cà phê đặc sản hoặc sản phẩm chế biến sâu như cà phê rang xay, hòa tan, cà phê lon… còn rất thấp. Hiện toàn tỉnh có 28 doanh nghiệp, HTX tham gia sản xuất, chế biến cà phê nhưng chỉ có 5 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp.
Mặc dù các chuỗi liên kết bước đầu được hình thành, song quy mô còn nhỏ, chưa có sức lan tỏa lớn. Việc hình thành các cụm công nghiệp chế biến tập trung cũng còn nhiều khó khăn về vốn, đất đai và cơ chế hỗ trợ.
Phấn đấu tái canh 9.800 ha
Tại cuộc họp, đại diện 9 doanh nghiệp, HTX cà phê trên địa bàn đã cùng thảo luận, chia sẻ, tư vấn các định hướng cho ngành cà phê thời gian tới. Nhiều ý kiến đề xuất đẩy mạnh chương trình tái canh cây cà phê, đào tạo. Chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến, thúc đẩy quảng bá, tiếp thị, marketing và mở rộng thị trường. Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trong và ngoài nước nhằm nhận diện, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cà phê.
Đặc biệt, các đại biểu nhấn mạnh vai trò của ứng dụng công nghệ cao, phát triển mô hình sản xuất cà phê sạch, tuần hoàn, cà phê có chứng chỉ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người trồng cà phê.

Ông Phùng Kim Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho rằng có thể tìm ra hướng đột phá để tạo nên sự khác biệt cho thương hiệu cà phê Sơn La. Ảnh: Nguyễn Nga.
Kết luận cuộc họp, ông Phùng Kim Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La khẳng định, tỉnh xác định cà phê là một trong những cây trồng chủ lực, là cây làm giàu cho nông dân. Trong bối cảnh hiện nay, ngành nông nghiệp và môi trường tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi như việc hợp nhất hai ngành, triển khai Nghị quyết 57 về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Cùng với việc tổ chức lại Trung tâm Khuyến nông trên cơ sở tiếp nhận 12 trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện và lấy tên là Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp trực thuộc Sở. Nhờ đó, ngành đã có thêm các “cánh tay nối dài” tới cơ sở, kịp thời hỗ trợ kỹ thuật, nắm bắt thực tiễn sản xuất và tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. Đây là nền tảng quan trọng để phát triển bền vững các cây trồng chủ lực, trong đó có cây cà phê.
Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La dự kiến tổ chức họp định kỳ 6 tháng một lần để đánh giá tình hình và bàn giải pháp tiếp theo để phát triển cây cà phê. Trước mắt, Sở sẽ phối hợp với Hội Cà phê tỉnh thống nhất định nghĩa về chế biến sâu, cà phê đặc sản để xây dựng chương trình, dự án và định hướng sản xuất. Đồng thời nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chuẩn và nhận diện đặc trưng, đặc sắc của sản phẩm cà phê Sơn La, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới.
Sơn La phấn đấu đến năm 2030 diện tích cà phê đạt 25.000 ha, sản lượng 40.000 tấn, tái canh 9.800 ha, phát triển 5.950 ha cà phê đặc sản, vùng đạt tiêu chuẩn bền vững 18.000 ha, 80 - 90% diện tích trồng mới sử dụng giống chuẩn.
Tầm nhìn đến năm 2035, diện tích cà phê tăng lên 27.000 ha, sản lượng 47.000 tấn, tái canh 12.000 ha, cà phê đặc sản 6.500 ha, sản lượng chế biến sâu đạt 20 - 25%, xuất khẩu chiếm 80 - 85% tổng sản lượng cà phê toàn tỉnh, hình thành và phát triển 5 vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao trở lên…