LTS: Được mệnh danh là "nữ hoàng quả khô" cây mắc ca bắt đầu bén rễ tại Tây Bắc từ những năm 2000. Với khả năng chịu hạn, chống chịu sương muối, thích nghi với đất bạc màu và ít sâu bệnh, mắc ca ngày càng khẳng định giá trị khi diện tích trồng liên tục được mở rộng. Không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập, cây trồng này còn giúp cải thiện môi trường sinh thái, che bóng cho cây trồng khác như cây họ đậu, cà phê...
Cách trung tâm huyện Thuận Châu (Sơn La) khoảng 25km về hướng đèo Pha Đin, xã Mường É ẩn mình giữa những đồi chè và cà phê trải dài như những nếp gấp mềm mại của thiên nhiên. Điểm xuyết giữa bức tranh đó là những hàng mắc ca đang vươn cao, tỏa bóng mát khắp vùng đồi.

Anh Quàng Văn Duy, Trưởng bản Cại Kéo (xã Mường É) giới thiệu về mô hình trồng xen mắc ca trên đồi chè. Ảnh: Tú Thành.
Anh Quàng Văn Duy, Trưởng bản Cại Kéo (xã Mường É) phóng chiếc xe máy cũ, kéo theo vệt bụi mỏng trên con đường đất đỏ dẫn chúng tôi men theo triền dốc lên những đồi chè và cà phê.
Cả vùng đồi rộng lớn, rợp bóng cây xanh này là kết quả của hơn một thập kỷ kiên trì chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chẳng ai ngờ, nơi đây từng là vùng "đất khát", hơn 40ha đồi cằn cỗi chỉ có ngô, sắn lưa thưa trong nắng gió khắc nghiệt. Thậm chí có thời điểm đất bị bỏ hoang, lặng lẽ chịu đựng những mùa khô hạn. Nhưng hôm nay, giữa màu xanh phủ kín, quá khứ một thời nghèo khó dường như đã lùi xa, nhường chỗ cho sức sống mới.
Dẫu vậy, con đường đi tới ấm no giàu có vẫn còn nhiều thử thách. Đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn chiếm đến 25,3%, chính quyền đang đặt mục tiêu giảm tỷ lệ này từ 3 đến 5% mỗi năm.
Để thực hiện mục tiêu này, nông nghiệp được xác định là trọng tâm phát triển. Trong đó, ngoài vùng chè và cà phê phủ diện tích lớn, cây mắc ca được đưa vào sản xuất với mô hình xen canh nhằm tối ưu hóa hiệu quả sản xuất trên cùng đơn vị diện tích.
Tăng thu nhập, đa lợi ích
Năm 2017, Công ty TNHH MTV Sơn Mai từ thành phố Sơn La lên Mường É, mang theo những cây giống mắc ca đầu tiên trồng thử nghiệm. “Họ chọn địa bàn chúng tôi để thử nghiệm, cung cấp, hỗ trợ cây giống và phân bón cho năm đầu”, Trưởng bản Cại Kéo nhớ lại.

Những đồi chè xen cây mắc ca tại xã Mường É. Ảnh: Tú Thành.
Bà con tin tưởng bởi hai yếu tố, thứ nhất là cây mắc ca trồng xen vào những vùng trồng chè, cà phê, không ảnh hưởng tới năng suất của các cây trồng chủ lực. Thứ hai, công ty đảm bảo bao tiêu sản phẩm, mà thời điểm đó, giá mắc ca khi đó lên tới 50.000 đồng/kg nên ai cũng hào hứng trồng thử.
Nhờ có sự liên kết với công ty, bà con đã có định hướng rõ ràng trong việc phát triển cây mắc ca. Việc trồng xen mắc ca với chè và cà phê không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp bền vững. Cây mắc ca tán dày và rộng, có tác dụng che bóng, giúp cây chè và cà phê giữ ẩm tốt hơn, giảm tác động tiêu cực của nắng hạn và sương muối.
Để cây mắc ca phát triển tốt, kỹ thuật trồng được thực hiện chặt chẽ. Khi trồng, bà con phải đào hố theo khoảng cách hợp lý, đúng theo hướng dẫn hàng cách hàng 6m, đảm bảo vẫn còn đủ ánh sáng cho cây ở tầng dưới.
Đất trước khi trồng được cải tạo bằng phân chuồng và NPK, sau đó ủ kỹ trước khi đặt cây giống vào hố. Thời điểm trồng thích hợp nhất là vào tháng 7 - 8 khi mùa mưa bắt đầu, giúp cây có đủ nước để sinh trưởng.
Trong quá trình chăm sóc, mắc ca cần được cắt tỉa cành thường xuyên để tạo tán đều, mỗi năm bón thêm phân để cây có đủ dinh dưỡng phát triển. Khi cành dài khoảng 1m, các hộ dân cắt đi khoảng 30 - 40cm để kích thích mầm mới, tối đa giữ lại 2 - 3 mầm khỏe mạnh để cây phát triển ổn định.
Mắc ca không phải là cây trồng cho thu nhập ngay, phải mất 4 - 5 năm chờ đợi cây mới cho thu bói. Đây là một thử thách lớn với bà con, bởi trong những năm đầu chưa có thu nhập từ mắc ca, không ít hộ cảm thấy nản lòng. Chính quyền địa phương đã động viên bà con kiên trì, chờ đợi đến ngày thu quả.

Niềm vui của người dân khi thu hoạch những trái quả mắc ca đầu tiên sau nhiều năm chăm sóc. Ảnh: V.D.
Năm 2023, vùng mắc ca ở bản Cại Kéo đã thu được gần 0,6 tấn quả/ha, mức giá được bao tiêu là 50.000 đồng/kg - cao gấp đôi so với chè và cà phê. Năm 2024, năng suất mắc ca tăng lên 1 tấn/ha, chứng minh khả năng thích nghi tốt của cây trồng này tại địa phương.
Nhờ mô hình xen canh, bà con không chỉ có thu nhập từ một cây trồng mà còn có thu nhập luân phiên, tăng thêm tinh thần lao động. Giờ đây, thu nhập của bà con đã được nhân đôi trên cùng đơn vị diện tích.
Cấp thiết nhu cầu nước tưới
Hiện nay tại bản Cại Kéo đã có hơn 30 hộ trồng mắc ca, còn bản Kiểng có thêm 48 hộ tham gia. Ông Quàng Văn Pha, Phó Chủ tịch UBND xã Mường É chia sẻ: “Bà con cùng nhìn nhau phát triển, thấy một bản thành công, các bản khác cũng sẵn sàng thay đổi, từ đó các vùng trồng mắc ca trên địa bàn xã tăng mạnh”.
Nhờ chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ, diện tích trồng mắc ca trên địa bàn xã đã tăng thêm 40ha ở bản Kiềng. Là cây lâm nghiệp đa mục đích, cây mắc ca được kỳ vọng đem lại hiệu quả kinh tế ổn định, lâu dài có thể nâng tỉ lệ che phủ rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Dù mô hình trồng xen mắc ca đã bước đầu thành công, nhưng để phát triển bền vững, bà con vẫn cần thêm sự hỗ trợ. Địa bàn xã khu vực đất dốc chiếm phần lớn với tỷ lệ trên 60%. Khí hậu khô hạn từ tháng 3 đến tháng 7, sương muối thường xuất hiện từ tháng 10 đến giữa tháng 2.
Vấn đề cấp thiết đặt ra đối với sản xuất nông nghiệp nói chung, cây mắc ca nói riêng ở xã Mường É là cần tìm hướng để phát triển những công trình thủy lợi, kéo được hệ thống nước về các bản. Đồng thời hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước và giữ ẩm cho cây trồng. Bên cạnh đó, nguồn phân bón vẫn còn hạn chế. "Giờ bảo một hộ đầu tư 30 triệu đồng mua phân bón là điều không phải dễ”, ông Quàng Văn Pha bộc bạch.
Nhìn về tương lai, xã Mường É xác định “còn chè, còn cà phê thì còn mắc ca”. Đây không chỉ là mô hình nông nghiệp mà còn là một hệ sinh thái đa tầng, nơi mỗi loài cây đều có vai trò riêng, cùng nhau phát triển, cùng nhau bảo vệ đất và mang lại sinh kế bền vững cho người dân. Từ vùng đất quanh quẩn với cái nghèo, cái đói, Mường É giờ đây đang từng bước mở ra một lối đi mới.