| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La: Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cho vùng cà phê

Thứ Ba 10/06/2025 , 11:09 (GMT+7)

Sơn La Sơn La hiện có khoảng 24.300 ha cà phê, sản lượng năm 2025 ước đạt hơn 37.700 tấn; tăng hơn 36% về diện tích và hơn 41% về sản lượng so với năm 2021.

UBND tỉnh Sơn La vừa gặp mặt các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tiêu biểu về sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê trên địa bàn tỉnh. Buổi gặp mặt nhằm trao đổi, đánh giá kết quả phát triển ngành cà phê giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời bàn giải pháp phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Toàn cảnh buổi gặp mặt. Ảnh: Nguyễn Nga.

Toàn cảnh buổi gặp mặt. Ảnh: Nguyễn Nga.

Diện tích, sản lượng cà phê vượt mục tiêu đề ra

Những năm gần đây, cà phê được Sơn La xác định là cây công nghiệp chủ lực có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện tự nhiên của tỉnh, mang lại thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn hộ nông dân.

Vùng nguyên liệu cà phê của tỉnh không ngừng mở rộng, chất lượng ngày càng được nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 23.448 ha cà phê đạt các chứng nhận sản xuất bền vững và tương đương (RA, 4C), vượt 156% kế hoạch đề ra; 1.120 ha cà phê đặc sản; hơn 543 ha cà phê hữu cơ; 141 ha cà phê được cấp chứng nhận VietGAP. Tỉnh cũng duy trì, phát triển 2 vùng ứng dụng công nghệ cao cho cà phê với diện tích hơn 1.039 ha, thu hút sự tham gia của 1.560 hộ gia đình.

Bên cạnh đó, Sơn La hiện có 28 doanh nghiệp, HTX tham gia sản xuất, chế biến cà phê. Nhiều đơn vị đã đầu tư công nghệ cao, chế biến sâu, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Cà phê Sơn La từng bước tạo dựng được chỗ đứng tại nhiều thị trường xuất khẩu khó tính như EU, Bắc Mỹ, Hoa Kỳ, các nước Trung Đông và ASEAN, góp phần khẳng định thương hiệu trên bản đồ cà phê thế giới.

Nụ cười hạnh phúc của bà con huyện Mai Sơn trong mùa thu hoạch cà phê. Ảnh: Nguyễn Nga.

Nụ cười hạnh phúc của bà con huyện Mai Sơn trong mùa thu hoạch cà phê. Ảnh: Nguyễn Nga.

Nâng tầm thương hiệu cà phê Sơn La

Tại buổi gặp mặt, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu nhấn mạnh là mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, kiểm soát chất lượng và thương mại hiện vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là trong phát triển vùng nguyên liệu. Diện tích cà phê còn manh mún, phân tán do địa hình dốc, làm tăng chi phí khi áp dụng các quy trình sản xuất bền vững.

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chưa đồng đều, dẫn đến năng suất và chất lượng cà phê giữa các vùng chưa ổn định. Sản phẩm chủ yếu vẫn là cà phê nhân, tỷ lệ chế biến sâu còn thấp; kích thước hạt cà phê nhỏ, giá trị xuất khẩu chưa cao.

Ông Nguyễn Đình Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La ghi nhận và biểu dương nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, HTX, các hộ gia đình trong phát triển ngành cà phê thời gian qua. Ông nhấn mạnh: Đây là hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, vì chúng tôi xác định, thị trường cà phê đang mang tới cơ hội lớn. Chúng tôi mong muốn cùng các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình bàn bạc, đề ra giải pháp để phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu cà phê Sơn La.

Ông Nguyễn Đình Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La phát biểu tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tiêu biểu về sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nguyễn Nga.

Ông Nguyễn Đình Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La phát biểu tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tiêu biểu về sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nguyễn Nga.

Theo ông Nguyễn Đình Việt, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều hội nghị, hội thảo dành cho các đối tượng khác nhau, với sự tham gia của các chuyên gia, cơ quan truyền thông, tổ chức quốc tế nhằm lan toả giá trị của cây cà phê, nhất là cà phê Arabica Sơn La.

UBND tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và cộng đồng doanh nghiệp nghiên cứu, tiếp cận từ góc độ thị trường để xây dựng quy hoạch, định hướng cụ thể cho việc phát triển cây cà phê, gắn với nâng cao chất lượng và thúc đẩy chế biến sâu.

Đồng thời, tỉnh sẽ xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cho vùng cà phê Sơn La; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, viện nghiên cứu nhằm hỗ trợ về giống, công nghệ cho các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình sản xuất cà phê. UBND tỉnh cũng sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp, HTX trong hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các chương trình làm việc với các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán và các cơ quan trong nước.

Sơn La đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích cà phê toàn tỉnh đạt khoảng 25.000 ha, sản lượng cà phê nhân đạt khoảng 40.000 tấn. Tỉnh sẽ thực hiện tái canh 9.800 ha, phát triển khoảng 5.950 ha cà phê đặc sản và xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt các tiêu chuẩn bền vững trên diện tích khoảng 18.000 ha.

Đáng chú ý, tỉnh phấn đấu đưa tỷ lệ cà phê chế biến sâu đạt khoảng 20 - 25% tổng sản lượng cà phê toàn tỉnh. Mục tiêu sản lượng cà phê xuất khẩu đến năm 2030 đạt khoảng 80 - 85% tổng sản lượng cà phê toàn tỉnh, trong đó, cà phê chế biến sâu tham gia xuất khẩu chiếm khoảng 20 - 25%; khoảng 15 - 20% sản lượng cà phê còn lại sẽ phục vụ tiêu thụ trong nước.

"Sơn La sẵn sàng làm việc với các bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức trong nước và các đối tác quốc tế, theo đề xuất của các doanh nghiệp, HTX trong hành trình nâng cao uy tín, sức hấp dẫn của cà phê Sơn La với các nhà nhập khẩu. Đồng thời, tỉnh sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình trồng cà phê tham gia các hội chợ, lễ hội cà phê trong và ngoài nước, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ", ông Nguyễn Đình Việt nhấn mạnh.

Ngành cà phê Sơn La qua những con số:

- Diện tích cà phê toàn tỉnh đến năm 2025 đạt khoảng 24.300 ha, tăng hơn 36% so với năm 2021; sản lượng năm 2025 ước đạt 37.724 tấn, tăng hơn 41%.

- Sơn La đứng số 1 cả nước về diện tích cà phê chè (Arabica), chiếm gần 48% diện tích cà phê chè toàn quốc.

- Sản phẩm cà phê Sơn La đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho 8 tổ chức.

- Năm 2025, Sơn La dự kiến xuất khẩu 34.000 tấn cà phê, giá trị tham gia xuất khẩu đạt khoảng 100 triệu USD.

Xem thêm
Chuẩn hóa điều kiện xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc

Tây Ninh triển khai giám sát dịch bệnh chim yến, từng bước chuẩn hóa điều kiện sản xuất, chế biến tổ yến theo Nghị định thư 2025 phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc.

Cơ chế đã có, giết mổ tập trung vẫn gặp khó

Cơ chế hỗ trợ cơ sở giết mổ tập trung đã có, nhưng từ doanh nghiệp đến các tiểu thương ở Sơn La vẫn không mấy mặn mà do lợi ích không đảm bảo.

Gieo 'hạt vàng' trên vùng đá đen

ĐẮK NÔNG Trên vùng đá đen Krông Nô, người M’nông cần mẫn bứng đá, gieo xuống những 'hạt vàng'.

Cơ hội việc làm ngành nông nghiệp rộng mở với sinh viên

THÁI NGUYÊN Tại ngày hội việc làm của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, trong khi chỉ có 300 sinh viên ra trường thì nhu cầu tuyển dụng từ doanh nghiệp lên tới 4.000 vị trí.

Ứng dụng công nghệ tự động, trại gà đứng vững trước dịch bệnh

BÌNH DƯƠNG Nhờ áp dụng công nghệ tự động, trại gà Lê Thảnh đã vươn lên thành mô hình điển hình không chỉ về năng suất mà còn là điểm sáng trong phòng chống dịch bệnh.

Chuỗi giá trị rong sụn: Nền tảng cho xuất khẩu bền vững

QUẢNG NINH Nuôi rong sụn đang từng bước hình thành chuỗi giá trị khép kín, hướng đến xuất khẩu bền vững nhờ ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất, đầu tư hạ tầng đồng bộ.

Những khu 'rừng ma' ở Sơn La: [Bài 3] Bản vùng cao trăm năm không lũ dữ

Bản Lao Khô được đặt theo tên người đi khai phá vùng đất mới, ông Tráng Lao Khô. Tôi được chính người con trai của ông là Tráng Lao Lử dẫn vào 'rừng ma' ở ngay sau nhà.

Bình luận mới nhất