Công nghệ đưa miến dong vươn thị trường quốc tế
Ở miền biên viễn phía đông bắc tỉnh Quảng Ninh, huyện Bình Liêu (cũ) có nghề làm miến dong truyền thống, tuy nhiên trước đâyt chỉ phục vụ nhu cầu gia đình. Sản xuất thủ công, phụ thuộc vào thời tiết, quy mô manh mún, miến dong trước đây chưa thể vươn xa khỏi những bữa ăn của bà con vùng cao. Nhưng chính từ những hạn chế đó, khát vọng thay đổi đã được nhen nhóm.
Năm 2006, Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu đã tiên phong đầu tư nhà xưởng chế biến miến tại xã Đồng Tâm (nay là xã Lục Hồn), đặt nền móng cho hướng đi chuyên nghiệp. Dẫu phải khởi đầu trong khó khăn, doanh nghiệp vẫn kiên trì tìm cách cải tiến công nghệ. Từ quy trình truyền thống, Công ty từng bước đưa máy móc vào sản xuất, đầu tư dây chuyền hiện đại và chuẩn hóa toàn bộ quy trình.

Miến dong Bình Liêu trải qua nhiều công đoạn như thái sợi, phơi nắng trước khi đóng gói. Ảnh: Tiến Thành.
Bước ngoặt đến vào năm 2017 khi sản phẩm miến dong Bình Liêu đạt chuẩn OCOP 4 sao. Thành công này không chỉ là dấu mốc về thương hiệu mà còn mở ra cơ hội tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ, từ xúc tiến thương mại đến chính sách khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu. Cũng từ đây, mô hình liên kết "3 nhà" giữa doanh nghiệp - người dân - nhà nước được hình thành, tạo ra vùng nguyên liệu bền vững với hơn 60 ha dong riềng, 500 hộ dân tham gia.
Đặc biệt năm 2022, vùng nguyên liệu dong riềng của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu được cấp mã vùng trồng, được xem là tấm vé thông hành để hướng tới thị trường xuất khẩu. Đến tháng 5/2025, miến dong Bình Liêu chính thức được công nhận OCOP 5 sao. Đây là thành quả của quá trình chuẩn hóa, đổi mới công nghệ và giữ vững bản sắc địa phương.
Không chỉ vậy, Công ty còn tiếp tục đầu tư gần 3 tỷ đồng cho hệ thống máy sấy tráng dẻo, lò hơi, nhờ đó đã giảm phụ thuộc vào thời tiết, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Mẫu mã sản phẩm được thiết kế lại, bao bì chuyên nghiệp, hướng tới thị trường cao cấp, phục vụ cả tiêu dùng lẫn làm quà biếu. Miến dong Bình Liêu hiện đã có mặt tại thị trường Trung Quốc và đang nhắm tới các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu.
Công cụ nâng tầm sản phẩm, chuẩn hóa chất lượng
Từ năm 2012, Quảng Ninh triển khai chương trình OCOP với phương châm lấy người dân làm chủ thể, nhanh chóng lan tỏa rộng khắp và tạo dấu ấn trong phát triển kinh tế nông thôn. Nhiều sản phẩm như trà hoa vàng, ruốc hàu, chả mực Hạ Long, miến dong Bình Liêu… đã xây dựng được thương hiệu, khẳng định chất lượng trong và ngoài tỉnh.

Từ loài cây có nguy cơ bị mai một, trà hoa vàng Ba Chẽ đã vươn mình trở thành sản phẩm OCOP 5 sao. Ảnh: Nguyễn Thành.
Trong đó, trà hoa vàng Ba Chẽ là một trong những sản phẩm tiêu biểu đạt chuẩn OCOP 5 sao năm 2024. Công ty cổ phần Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh đã đầu tư bài bản vào vùng nguyên liệu, ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa, sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế HACCP, ISO 22000, hướng tới phân khúc cao cấp và xuất khẩu.
Doanh nghiệp đặt mục tiêu phát triển bền vững gắn với hệ sinh thái rừng đặc hữu, mở rộng vùng nguyên liệu theo hướng hữu cơ, nâng cấp bao bì, chế biến sâu, đồng thời phát triển du lịch trải nghiệm. Hướng đi này vừa tạo sinh kế ổn định cho người dân vừa góp phần giữ rừng, giữ bản sắc, nâng tầm thương hiệu trà hoa vàng Quảng Ninh.
Từ câu chuyện miến dong Bình Liêu hay trà hoa vàng Ba Chẽ, có thể thấy khoa học công nghệ không chỉ giúp mở rộng quy mô sản xuất mà còn là công cụ nâng tầm sản phẩm, chuẩn hóa chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đáp ứng điều kiện vươn ra thị trường quốc tế.
Trong hơn một thập kỷ triển khai chương trình OCOP, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định công nghệ là trụ cột phát triển. Từ cây trà hoa vàng tại Ba Chẽ, nước mắm sá sùng Vân Đồn đến ngọc trai Hạ Long hay gốm sứ Đông Triều, tất cả đều được hỗ trợ tiếp cận công nghệ chế biến hiện đại, hệ thống tiêu chuẩn quốc tế như ISO, HACCP, công nghệ sấy thăng hoa, men nung đặc biệt...
Điểm chung của các sản phẩm này là sự kết hợp hài hòa giữa giá trị bản địa và công nghệ hiện đại. Nhờ đó, các sản phẩm không chỉ giữ được linh hồn truyền thống mà còn đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường nội địa và quốc tế.

Bà Nguyễn Thùy Hương, Giám đốc Công ty cổ phần Ngọc trai Hạ Long giới thiệu sản phẩm OCOP 5 sao của Công ty. Ảnh: Nguyễn Thành.
Mục tiêu có thêm 15 - 20 sản phẩm OCOP 5 sao
Không chỉ hỗ trợ công nghệ, Quảng Ninh còn xây dựng hệ sinh thái OCOP toàn diện từ chính sách đầu tư vùng nguyên liệu hữu cơ, xây dựng mã QR truy xuất nguồn gốc, hệ thống hóa tiêu chuẩn sản phẩm đến chuyển đổi số và xúc tiến thương mại.
Đến nay, tỉnh đã phát triển được 435 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 8 sản phẩm đạt 5 sao. Tất cả sản phẩm từ 3 sao trở lên đều đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, Shopee... góp phần mở rộng kênh phân phối, gia tăng doanh số, thích ứng xu hướng tiêu dùng mới.
Tỉnh cũng liên tục tổ chức hội chợ sản phẩm OCOP, các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, kết nối nhà sản xuất với doanh nghiệp, nhà phân phối. Việc kết hợp sản phẩm OCOP với phát triển du lịch, các tour trải nghiệm tại vùng nguyên liệu cũng đang được đẩy mạnh, tạo ra giá trị cộng hưởng giữa văn hóa - nông nghiệp - thương mại.
Đáng chú ý, năm 2023, Quảng Ninh đã loại bỏ 73 sản phẩm OCOP không còn đáp ứng tiêu chuẩn, tạo không gian cho những sản phẩm mới có tiềm năng phát triển thành OCOP 5 sao.

Ứng dụng thiết bị bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp ở Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.
Theo Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Quảng Ninh, chặng đường phía trước của chương trình OCOP vẫn còn nhiều thách thức nhưng cũng đầy triển vọng. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có thêm từ 15 đến 20 sản phẩm OCOP 5 sao. Để hiện thực hóa điều đó, tỉnh đã xác định hướng đi rõ ràng là tiếp tục đầu tư chiều sâu vào công nghệ, chuẩn hóa vùng nguyên liệu, tăng cường kết nối thị trường và xây dựng thương hiệu.
Sản phẩm OCOP Quảng Ninh đang trở thành biểu tượng của sự đổi mới nông thôn, nơi người dân là chủ thể, công nghệ là công cụ và bản sắc địa phương là cốt lõi. Đó là con đường vững chắc, không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn đưa thương hiệu Quảng Ninh vươn xa, góp phần xây dựng nền kinh tế nông thôn hiện đại, bền vững và hội nhập.
8 sản phẩm OCOP 5 sao của Quảng Ninh hiện tại gồm: Bộ ngọc trai Akoya, bộ ngọc trai SouthSea, bộ ngọc trai Tahiti của Công ty cổ phần Ngọc trai Hạ Long; trà hoa vàng Ba Chẽ của Công ty cổ phần Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh; trà hoa vàng Quy Hoa của Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Quy Hoa; bình hút lộc, bộ lọ hoa men chảy xuân - hạ - thu - đông của Chi nhánh Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh và miến dong Bình Liêu của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu.