| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam đề xuất xây dựng mạng lưới sản phẩm OCOP toàn cầu

Thứ Hai 14/07/2025 , 22:00 (GMT+7)

Chiều 14/7, Thứ trưởng Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn lãnh đạo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc do Phó Tổng Giám đốc Beth Bechdol dẫn đầu.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Thanh Nam tự hào chia sẻ, sau 7 năm triển khai, Việt Nam đã có hơn 16.800 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, với 40% chủ thể sản xuất là phụ nữ. OCOP đã chứng minh là công cụ hiệu quả giúp trao quyền cho cộng đồng, nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của từng cộng đồng nông thôn trong khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế, giá trị văn hóa để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề xuất FAO nghiên cứu và thúc đẩy việc xây dựng một hệ sinh thái OCOP toàn cầu. Ảnh: Phương Linh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề xuất FAO nghiên cứu và thúc đẩy việc xây dựng một hệ sinh thái OCOP toàn cầu. Ảnh: Phương Linh.

“Chương trình OCOP tại Việt Nam đã khơi dậy những tiềm năng, lợi thế và tính sáng tạo của người dân nông thôn. Đồng thời, chương trình cũng tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất quy mô vừa và nhỏ, cũng như các nhóm yếu thế tham gia chuỗi giá trị. Trong hành trình này, Chính phủ Việt Nam luôn hỗ trợ tích cực, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất ở nông thôn mở rộng thị trường trên phạm vi toàn quốc và vươn ra thế giới”, Thứ trưởng đánh giá.

Trên tinh thần đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam bày tỏ mong muốn FAO sẽ nghiên cứu và thúc đẩy việc xây dựng một hệ sinh thái OCOP toàn cầu, tạo ra một mạng lưới phát triển bền vững và thương mại hóa sản phẩm đặc trưng giữa các quốc gia.

“Hệ sinh thái này không chỉ giúp đặc sản địa phương vươn xa hơn mà còn tạo điều kiện để các quốc gia toàn cầu học hỏi lẫn nhau. Sáng kiến cũng hoàn toàn phù hợp với Khung chương trình của FAO dựa trên bốn trụ cột: sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn”, ông khẳng định.

Bà Beth Bechdol cam kết đồng hành cùng các quốc gia trong quá trình xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP. Ảnh: Phương Linh.

Bà Beth Bechdol cam kết đồng hành cùng các quốc gia trong quá trình xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP. Ảnh: Phương Linh.

“FAO cam kết đồng hành cùng các quốc gia trong quá trình xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP. Chúng tôi mong muốn được lắng nghe hành trình xây dựng chương trình OCOP của Việt Nam, cũng như các bài học giá trị về phát huy vai trò của phụ nữ và nhóm người yếu thế trong nông nghiệp”, bà Bechdol chia sẻ.

Về vai trò của phụ nữ và nhóm yếu thế trong lĩnh vực nông nghiệp, Phó Tổng Giám đốc FAO Beth Bechdol cho rằng đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo tính bao trùm và bền vững trong chuyển đổi nông thôn.

Phía FAO cũng đề xuất đẩy mạnh hợp tác Nam - Nam thông qua lĩnh vực phát triển các sản phẩm OCOP. FAO tin tưởng rằng Diễn đàn sắp tới sẽ là sự kiện chiến lược, mở ra hướng đi mới cho hợp tác liên khu vực trong phát triển nông nghiệp và sản phẩm đặc sản gắn với bản sắc địa phương.

Liên quan đến sáng kiến xây dựng mạng lưới toàn cầu về sản phẩm OCOP, bà Beth Bechdol hoàn toàn nhất trí và đánh giá cao đề xuất này. Bà cho biết thêm, tại Diễn đàn Lương thực Thế giới diễn ra vào tháng 10/2025 tại Rome, bà sẽ chia sẻ những kinh nghiệm thu được từ sự kiện lần này và đưa sáng kiến OCOP toàn cầu vào thảo luận sâu hơn ở cấp quốc tế.

Hợp tác xã chè Nhật Thức (Thái Nguyên) sản xuất chè hữu cơ, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra nước ngoài. Ảnh: Làng nghề Việt.

Hợp tác xã chè Nhật Thức (Thái Nguyên) sản xuất chè hữu cơ, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra nước ngoài. Ảnh: Làng nghề Việt.

Trao đổi tại buổi tiếp, Trợ lý Tổng Giám đốc kiêm Trưởng đại diện FAO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương Alue Dohong đánh giá cao Việt Nam đăng cai tổ chức Diễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP.

“Chính mô hình OCOP của Việt Nam đã truyền cảm hứng để FAO khởi xướng Sáng kiến toàn cầu OCOP. Sáng kiến sau đó được phát triển thành mô hình 'Mỗi quốc gia Một sản phẩm ưu tiên', với sự tham gia ngày càng rộng rãi của nhiều nước. Vì vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Việt Nam đề xuất về xây dựng mạng lưới OCOP toàn cầu, hướng đến quảng bá và thương mại hóa các đặc sản bản địa từ nhiều vùng, quốc gia khác nhau”, ông Alue Dohong nói.

Ông Alue đề xuất thêm, mạng lưới OCOP toàn cầu cần có sự tham gia đồng bộ của các bên: chính phủ, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, nông dân, các nhà khoa học và viện nghiên cứu. Trưởng đại diện FAO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương khẳng định sẽ  sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng từ chính kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam, sau đó mở rộng mạng lưới để các quốc gia khác cùng tham gia.

Ngày 15-16/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp FAO tổ chức Diễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP. Diễn đàn được tổ chức trong thời điểm hai bên cùng diễn ra các hoạt động hướng đến kỷ niệm 80 năm thành lập tổ chức.

Xem thêm

Bình luận mới nhất