Việt Nam truyền nhiều cảm hứng cho châu Phi
Hợp tác Nam-Nam đang chuyển mình, không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ kinh nghiệm mà hướng đến cùng đầu tư, đồng triển khai những sáng kiến vì nông dân. Trên hành trình đó, Việt Nam được xem là một đối tác tiêu biểu của châu Phi.
Theo TS Babafemi Oyewole - Giám đốc điều hành Tổ chức Nông dân Liên Phi (PAFO), Việt Nam là quốc gia có nhiều đóng góp thiết thực cho hợp tác Nam - Nam với châu Phi trong lĩnh vực nông nghiệp.
Từ năm 2002, các chuyên gia Việt Nam đã hỗ trợ Mozambique cải thiện phương thức canh tác lúa, cải tạo đất và tưới tiêu, giúp gia tăng năng suất lúa từ 1,5 - 4,5 tấn/ha. Bên cạnh đó, mô hình nuôi cá rô phi và cá tra tại Uganda và Nigeria được TS Oyewole đánh giá cao nhờ vào tính phù hợp, tận dụng được nguồn lực địa phương và cải thiện chất lượng giống bản địa.

Đoàn công tác các quốc gia Nam bán cầu đến thăm mô hình nông nghiệp sinh thái tại Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Chi.
Không dừng lại ở kỹ thuật, Việt Nam còn chia sẻ kinh nghiệm về mô hình khuyến nông, đổi mới hợp tác xã, điển hình là với Rwanda. Mô hình hợp tác xã kiểu mới của Việt Nam đã giúp tăng sức mạnh thương lượng cho nông dân, cải thiện dịch vụ và tiếp cận tài chính. "Rwanda đã áp dụng một phần chương trình xây dựng nông thôn mới của Việt Nam để thúc đẩy doanh nghiệp nông thôn và quy hoạch hạ tầng xã hội," TS Oyewole nói.
Nhắc lại về chuyến công tác trước đây tại Việt Nam, TS Babafemi Oyewole đặc biệt ấn tượng về cách Việt Nam tiếp cận nông nghiệp sinh thái gắn với cộng đồng, chính sách và bản sắc địa phương. Việt Nam cho thấy rằng, nông nghiệp sinh thái hoàn toàn có thể vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, đặc biệt khi được xây dựng trên nền tảng do cộng đồng dẫn dắt và Chính phủ đồng hành.

TS Babafemi Oyewole (bìa phải) cho biết, những kinh nghiệm của Việt Nam ở các khu vực dễ bị tổn thương bởi khí hậu, như vùng ĐBSCL, mang đến những bài học quý giá cho châu Phi. Ảnh: Quỳnh Chi.
"Phần lớn các thực hành nông nghiệp sinh thái tại Việt Nam đều bắt nguồn từ tri thức bản địa, sau đó được làm giàu thông qua khuyến nông cơ sở và hợp tác xã", ông nói.
Việt Nam là một ví dụ thuyết phục về cách nông nghiệp sinh thái có thể được nhân rộng một cách có trách nhiệm, thông qua sự kết hợp hài hòa giữa tri thức truyền thống, khoa học và đổi mới chính sách. TS cho biết, những kinh nghiệm của Việt Nam không chỉ truyền cảm hứng mà còn đặc biệt phù hợp với châu Phi, nơi các nông hộ nhỏ đang tìm kiếm những giải pháp thông minh với khí hậu, bao trùm và chi phí bền vững để ứng phó với các thách thức của hệ thống lương thực.
OCOP là chất xúc tác của hợp tác Nam - Nam
Chia sẻ với Báo Nông nghiệp và Môi trường về những kỳ vọng dành cho Diễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP, TS Babafemi Oyewole - Giám đốc điều hành PAFO - bày tỏ tin tưởng, sự kiện lần này sẽ mở ra chương mới cho hợp tác Nam - Nam giữa Việt Nam và các quốc gia châu Phi.
TS Oyewole nhấn mạnh: “Tôi hy vọng rằng sự trao đổi này không chỉ tạo ra các mô hình đổi mới mà còn khơi nguồn cảm hứng cho các mối quan hệ đối tác lâu dài, nâng cao vị thế của nông dân sản xuất nhỏ và các chuỗi giá trị bền vững, vốn là trọng tâm của hệ thống lương thực toàn cầu”.
Theo ông, hợp tác Nam - Nam cần bước qua giai đoạn đơn thuần là chia sẻ kinh nghiệm, để tiến tới hợp tác thiết thực hơn để cùng đầu tư, cùng triển khai. Với nền tảng OCOP, các quốc gia không chỉ có thể hợp tác phát triển hạ tầng chế biến nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, mà còn có thể cùng nghiên cứu, áp dụng các công nghệ sản xuất thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Những người nuôi ong có thể tiếp thu các công nghệ mới, tạo ra các sản phẩm OCOP ưu tiên quốc gia. Ảnh: Quỳnh Chi.
Đồng thời, việc huy động các tổ chức khu vực và khu vực tư nhân sẽ tạo thêm động lực mở rộng thị trường cho những sản phẩm đặc sản như cà phê, gia vị, lương thực và trái cây nhiệt đới.
“Sự chuyển đổi từ trao đổi song phương sang mô hình doanh nghiệp tập thể có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hình thành các chuỗi giá trị khu vực bền vững. Khi đó, giá trị gia tăng được phân bổ công bằng và lợi ích lan tỏa tới người sản xuất”, người đứng đầu PAFO phân tích.
Bên cạnh đó, ông Oyewole cũng kỳ vọng rằng các cuộc đối thoại trong khuôn khổ OCOP sẽ thúc đẩy sự gắn kết chính sách giữa các quốc gia có nền nông nghiệp sinh thái và điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng.
Đây là cơ hội để cùng nhau xây dựng các chuẩn mực chung về chất lượng, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc; chia sẻ những mô hình tổ chức hiệu quả, như hệ thống hợp tác xã của Việt Nam hay sàn giao dịch hàng hóa của Ethiopia.
Điều không thể thiếu, theo ông, là việc mở rộng sự tham gia của người dân địa phương vào tiến trình hợp tác, đặc biệt là nông dân, phụ nữ và thanh niên. Mô hình OCOP cần tạo điều kiện để các nhóm nông dân có thể trao đổi kinh nghiệm trực tiếp với nhau, cùng tham gia xây dựng chiến lược thị trường cho sản phẩm của chính họ, đồng thời giới thiệu những sáng kiến thành công do cộng đồng chủ trì, từ chế biến nông sản đến xây dựng thương hiệu.
Ông cho rằng, hợp tác Nam - Nam chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi những người sản xuất ở cơ sở được lắng nghe và trao quyền. Chỉ khi nào hợp tác Nam - Nam chạm đến cấp địa phương và cải thiện được sinh kế, thì lúc đó nó mới thực sự tạo ra sự thay đổi bền vững.
Tổ chức Nông dân Liên châu Phi (PAFO) được thành lập vào năm 2010 tại Lilongwe (Malawi), dưới sự bảo trợ của Liên minh châu Phi. Hiện nay, PAFO là tổ chức đại diện cao nhất cho hơn 80 triệu nông dân, với 73 tổ chức thành viên quốc gia tại 49 quốc gia trên toàn lục địa. Theo TS Babafemi Oyewole, PAFO không chỉ là tiếng nói đại diện quyền lợi của nông dân châu Phi ở cấp lục địa, mà còn là động lực thúc đẩy đoàn kết khu vực, chia sẻ kinh nghiệm, và phát triển chính sách thuận lợi cho nông nghiệp quy mô nhỏ.