Nhân Diễn đàn cấp Bộ trưởng về mô hình OCOP giữa Việt Nam và hơn 14 quốc gia châu Phi được tổ chức trong hai ngày 15-16/7, Báo Nông nghiệp và Môi trường đã có buổi phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam về chương trình OCOP tại Việt Nam sau 7 năm triển khai và định hướng của chương trình những năm tới.
Thưa Thứ trưởng, chương trình OCOP đã gắn với định hướng phát triển nông thôn và chuyển đổi nông nghiệp của Việt Nam như thế nào, và điều gì làm cho OCOP có vai trò đặc biệt trong việc kết nối giữa sản xuất truyền thống và nhu cầu thị trường hiện tại?
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, gọi tắt là OCOP, là một chương trình phát triển kinh tế nông thôn được triển khai trong khuôn khổ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. OCOP hướng đến việc khơi dậy các tiềm năng, lợi thế đặc thù ở từng vùng nông thôn, từ tài nguyên đất đai, đặc sản nông sản địa phương, tri thức bản địa đến giá trị văn hóa truyền thống. Quan trọng hơn cả là tinh thần đúc kết cộng đồng, yếu tố tạo nên giá trị đa chiều cho sản phẩm.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì cuộc họp về công tác chuẩn bị Diễn đàn và chuyến thăm thực địa của đoàn công tác 14 Bộ trưởng châu Phi đến Việt Nam. Ảnh: Kiều Chi.
Sau gần 7 năm triển khai, chương trình OCOP đã góp phần mở rộng chức năng của ngành nông nghiệp. Nếu như trước kia, nông nghiệp chủ yếu được nhìn nhận ở góc độ sản xuất, thì nay, vai trò của nông nghiệp đã được mở rộng sang các lĩnh vực bảo vệ môi trường sinh thái, cải tạo và duy trì cảnh quan nông thôn, phát triển chỉ dẫn địa lý, và đặc biệt là tạo nền tảng cho du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển. Những giá trị này giúp sản phẩm OCOP không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mà còn mang lại trải nghiệm văn hóa, du lịch và bản sắc cho người tiêu dùng hiện đại.
Trong quá trình triển khai từ năm 2018 đến nay, Thứ trưởng nhận thấy những thay đổi lớn nào, đặc biệt trong việc trao quyền cho cộng đồng nông thôn?
Từ năm 2018 đến nay, cả nước đã có trên 16.000 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, với khoảng 9.000 chủ thể tham gia sản xuất, trong đó có hơn 3.000 hợp tác xã. Đây là kết quả rất đáng khích lệ, thể hiện sự lan tỏa mạnh mẽ của chương trình.
Điểm thay đổi đầu tiên và quan trọng nhất là sự chuyển đổi tư duy sản xuất của người dân. Trước đây, bà con chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm, chỉ tập trung vào khâu làm ra sản phẩm. Nhưng giờ đây, họ đã bắt đầu quan tâm đến thị trường, chú trọng đến chất lượng, mẫu mã, an toàn thực phẩm và quảng bá thương hiệu. Nhiều chủ thể OCOP đã biết ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức livestream, giới thiệu sản phẩm, tiếp cận khách hàng qua các nền tảng số. Có thể nói, họ đã có sự thay đổi căn bản trong tư duy sản xuất theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại hơn.
Thứ hai, chương trình OCOP đã góp phần quan trọng trong việc tổ chức lại sản xuất ở nông thôn. Từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, người dân đã hình thành các chuỗi liên kết mang tính cộng đồng, có sự phối hợp giữa nhóm hộ, doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất. Nhờ đó, đã bắt đầu hình thành nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất phát từ sản phẩm OCOP, dẫn dắt thị trường và khẳng định vị thế. Đây là một tín hiệu rất tích cực cho việc phát triển kinh tế nông thôn một cách bền vững.
Thứ ba, chương trình OCOP đã lan tỏa mạnh mẽ đến các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng yếu thế. Trong tổng số khoảng 9.000 chủ thể OCOP hiện nay, có tới 40% là phụ nữ và 17,11% là người dân tộc thiểu số. Rất nhiều phụ nữ và người dân tộc thiểu số đã trở thành người đứng đầu cơ sở sản xuất, trực tiếp làm chủ sản phẩm, xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị hàng hóa. Đây là điểm nổi bật của OCOP, không chỉ phát triển kinh tế, mà còn thúc đẩy sự tham gia và trao quyền thực chất cho các nhóm yếu thế trong xã hội.

Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ sâm nam núi Dành Liên Chung (ảnh trái) hướng dẫn xã viên thu hoạch hoa sâm nam núi Dành. Từ năm 2022, sản phẩm Trà nụ hoa Sâm Nam núi Dành đã được công nhận OCOP 4 sao của Bắc Giang. Ảnh: Phạm Minh.
Theo Thứ trưởng, trong thời gian tới cần có những đổi mới chính sách hay định hướng mở rộng chương trình như thế nào để tiếp tục thúc đẩy phát triển nông thôn, đồng thời bảo tồn được các giá trị văn hóa Việt Nam?
Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 919/QĐ-TTg, ngày 1 tháng 8 năm 2022, phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021–2025. Hiện nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang tham mưu xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026 - 2035. Trong đó, nội dung phát triển sản phẩm OCOP tiếp tục được xác định là một trụ cột quan trọng. Định hướng trong giai đoạn tới có ba nội dung chính:
Thứ nhất là tiếp tục phát huy những lợi thế sẵn có ở nông thôn, nhất là tài nguyên nông nghiệp, tri thức và văn hóa bản địa, đồng thời gắn sản phẩm OCOP với phát triển du lịch nông thôn. Đây là dư địa lớn, giàu tiềm năng, cần được khai thác đồng bộ. Chúng tôi cho rằng các sản phẩm OCOP nên đi kèm với các giá trị văn hóa như câu hò, điệu múa của đồng bào các vùng miền. Khi đó, sản phẩm không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn là vật phẩm văn hóa, có thể tạo ra giá trị gia tăng cao hơn và tính bền vững dài hạn.
Thứ hai, chúng tôi định hướng phát triển chương trình OCOP theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế phát thải thấp và thân thiện với môi trường. Đây là xu hướng không thể đảo ngược. Sản phẩm OCOP trong tương lai không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mà còn cần phù hợp với tiêu chuẩn môi trường, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Thứ ba là tăng cường công tác đào tạo nghề và khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chúng tôi xác định rõ cần chú trọng đào tạo cho những nhóm lao động lớn tuổi, người rời khu công nghiệp hoặc đô thị trở về quê. Họ là lực lượng rất tiềm năng trong việc hình thành các cơ sở sản xuất mới, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với các sản phẩm OCOP có tính thực tiễn và sức cạnh tranh.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!