Hiệu quả kép
Những năm gần đây tại Khoái Châu (cũ), tỉnh Hưng Yên, hình ảnh những vườn nghệ xen lẫn những luống lạc xanh mướt đã dần trở nên quen thuộc. Nhưng ít ai biết đến sự thay đổi của vụ năm nay không nằm ở trên mặt đất, mắt người có thể thấy mà ở dưới đất, khi thu hoạch, bóc vỏ lạc mới lộ ra. Màu của những hạt lạc không còn hồng tía như thông thường mà là đen sẫm. Đó là giống lạc đen thơm ngon giàu dinh dưỡng hơn lạc thường, được thị trường chấp nhận, thương lái tìm đến tận ruộng thu mua với giá cao gấp 1,5 – 2 lần.

Mô hình trồng lạc xen nghệ. Ảnh: DĐT.
Theo ông Nguyễn Xuân Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), mô hình trồng nghệ xen lạc đen hiện đang được triển khai trong đề tài phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên với thời gian thực hiện 3 năm, từ năm 2025. Tại Khoái Châu, cây nghệ được trồng trên đất màu với diện tích lên đến vài trăm ha, đầu ra sản phẩm khá ổn định do được thương lái thu mua hay các nhà máy dược phẩm đặt hàng.
Cây nghệ có chu kỳ sinh trưởng dài, yêu cầu thâm canh cao. Trong thời gian đầu khi nghệ chưa cần nhiều dinh dưỡng, người dân thường trồng xen lạc để tận dụng đất và tăng thu nhập. Trước đây, giống lạc L14 là lựa chọn phổ biến. Với năng suất đạt 25–30 tạ/ha, giá bán tươi khoảng 15.000 đồng/kg, lạc đã tạo ra khoản thu không nhỏ cho nông dân.
Điểm đặc biệt là lạc trồng xen nghệ gần như không cần bón phân riêng mà sử dụng luôn lượng phân bón nền của nghệ. Sau thu hoạch (chỉ hơn 3 tháng), thân lá lạc được tận dụng phủ gốc nghệ, cải tạo đất và bổ sung hữu cơ cho cây nghệ giai đoạn sau.
Giống lạc đen - chìa khóa gia tăng giá trị
Để nâng cao hiệu quả kinh tế, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông đã xây dựng 3 mô hình thí điểm, chuyển giao 5 giống lạc đen của Việt Nam. Thực tế cho thấy giống lạc đen ĐTL4 được đánh giá phù hợp nhất khi trồng xen với nghệ bởi có năng suất cao nhất, đạt 30–35 tạ/ha. Điều quan trọng hơn, giá bán lạc đen tươi tại ruộng hiện khoảng 25.000 đồng/kg, cao vượt trội so với giống lạc cũ người dân trồng.

Kiểm tra mô hình trồng xen lạc đen với nghệ. Ảnh: DĐT.
Lạc đen còn có ưu điểm về chất lượng, chứa nhiều chất chống oxy hóa, protein, khoáng, giàu arginine và các axit béo không bão hòa, vitamin E, vitamin B, lecithin, canxi, kali, đồng, kẽm, sắt…, nhất là selen. Selen là chất khoáng chỉ có trong cơ thể người với hàm lượng rất nhỏ nhưng vô cùng quan trọng bởi tác dụng giải độc kỳ diệu, chuyên "săn bẫy" các kim loại nặng độc hại rồi thải trừ chúng ra khỏi cơ thể.
Lạc đen còn rất giàu anthocyanins là chất ức chế gốc tự do, chống oxy hóa, tăng cường độ đàn hồi của da, giảm cholesterol toàn phần và cholesterol xấu trong máu, phòng ngừa các bệnh tim mạch, tăng khả năng miễn dịch. Với những người ăn kiêng, chất béo trong lạc đen giảm 1,4 lần so với lạc thường nên có lợi cho sức khỏe khi sử dụng thường xuyên.
Mô hình trồng lạc đen xen nghệ đang trong giai đoạn đầu triển khai nhưng bước đầu cho hiệu quả tích cực cả về năng suất lẫn lợi nhuận. Các nhà khoa học cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá kỹ hơn các yếu tố như ảnh hưởng của trồng xen lạc đến năng suất và chất lượng nghệ, cải thiện đất canh tác, hiệu quả phân bón, gia tăng độ ẩm…

Sau thu hoạch, thân lạc được phủ lên gốc nghệ. Ảnh: DĐT.
Với những lợi ích về kinh tế, môi trường và phù hợp với tập quán canh tác, mô hình trồng lạc đen xen nghệ được kỳ vọng sẽ mở ra hướng phát triển mới cho nông dân vùng chuyên canh nghệ tại đồng bằng sông Hồng.
Trồng xen lạc với nghệ cho tổng lợi nhuận 270 - 300 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với cấy lúa và mang tính bền vững nên được nhiều nông dân trong vùng áp dụng.
Cụ thể: Nghệ năng suất trung bình từ 27 – 30 tấn/ha, giá từ 12 – 15 nghìn đồng/kg, doanh thu từ 324 – 450 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn lãi từ 240 – 260 triệu đồng/ha/năm. Lạc đen năng suất trung bình 3 - 3,5 tấn/ha, giá bán củ tươi từ 20 – 25 nghìn đồng/kg, doanh thu từ 60 – 87 triệu đồng/ha, trừ chi phí lãi từ 40 - 50 triệu đồng/vụ.
Trước đây vùng trồng nghệ Khoái Châu chủ yếu tiêu thụ dưới dạng củ tươi, dùng làm gia vị cho chế biến thực phẩm. Những năm gần đây, người dân đã phát triển nhiều sản phẩm tạo giá trị gia tăng như nghệ lát sấy khô, bột nghệ, tinh bột nghệ, viên nghệ mật ong… Ngoài tiêu thụ nội địa, nghệ Khoái Châu còn được các nhà máy dược phẩm thu mua chế biến, xuất khẩu sang nhiều nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Campuchia...