Giải pháp sinh học bảo vệ cây trồng

Trồng xen hành, tỏi trong ruộng dâu tây để đuổi côn trùng

Thanh Tiến - Hải Đăng - Thứ Năm, 10/04/2025 , 08:27 (GMT+7)

YÊN BÁI Theo kinh nghiệm, hành và tỏi có chứa các hợp chất tự nhiên có khả năng xua đuổi nhiều loại côn trùng gây hại.

Thời gian qua, một số hộ dân ở huyện vùng cao Mù Cang Chải đã chuyển đổi diện tích trồng rau màu kém hiệu quả sang trồng dâu tây theo hướng hữu cơ, mang lại thu nhập cao.

Những ruộng dâu tây phát triển tốt do phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Tiến.

Bài liên quan

Trong chuyến công tác tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái dịp cuối tháng 3/2025, tôi không khỏi bất ngờ khi chứng kiến những ruộng dâu tây được trồng thay thế các loại rau màu, mang lại thu nhập khá cho bà con. Dâu tây được trồng chủ yếu ở khu vực ruộng thấp ở thị trấn Mù Cang Chải, nơi có thể chủ động nguồn nước tưới. Đặc biệt các ruộng dâu tây ở đây luôn thu hút nhiều du khách và người dân đến tham quan, trải nghiệm hái quả, số lượng quả chín không đủ bán cho khách tham quan.

Cuộc sống của người dân Mù Cang Chải chủ yếu dựa vào trồng lúa, ngô trên ruộng bậc thang. Do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi nên hiệu quả kinh tế từ các loại cây này thường không cao. Trăn trở trước bài toán nâng cao thu nhập, nhiều hộ dân đã tìm tòi, học hỏi các mô hình nông nghiệp mới. Cây dâu tây với tiềm năng phát triển tốt tại vùng đất có khí hậu mát mẻ đã được một số hộ dân lựa chọn để phát triển kinh tế.

Trồng dâu tây thay rau màu

Những ngày này, vườn dâu tây của gia đình anh Lý A Vàng ở tổ 3, thị trấn Mù Cang Chải khá nhộn nhịp bởi sự ghé thăm của nhiều người dân và du khách đến tham quan, thu hái quả.

Dâu tây được trồng thay thế rau màu, nhất là những nơi chủ động được nguồn nước tưới. Ảnh: Thanh Tiến.

Theo anh Vàng, vụ đông 2024 - 2025, thay vì trồng một số loại rau màu truyền thống như su hào, bắp cải, cải mèo…, gia đình anh thử nghiệm chuyển đổi 2.000m2 sang trồng hơn 1.000 gốc dâu tây. Sau gần 4 tháng trồng, chăm sóc, vườn dâu tây đã cho thu hoạch. Mỗi buổi chiều, rất đông khách tham quan đến tận ruộng để hái và mua quả. Vào dịp cuối tuần, du khách đến càng đông hơn, nhiều hôm dâu tây chín không đủ để bán cho khách.

Trồng dâu tây không khó, sau vụ gặt, gia đình anh Vàng tập trung nhân lực làm đất, lên luống, chuẩn bị phân hữu cơ, luống được phủ nilon để hạn chế cỏ dại, giữ ẩm và thuận tiện trong chăm sóc, thu hoạch. Dâu tây rất sai quả, giá bán trung bình tại vườn từ 100.000 - 120.000 đồng/kg. Mới hơn nửa tháng anh Vàng đã thu được khoảng 2 tạ quả, thu nhập hơn 20 triệu đồng.

Để cây dâu tây phát triển tốt, không bị sâu bệnh hại, anh Vàng trồng xen các cây gia vị như hành, tỏi giữa các luống. Theo anh, cách làm này không những giúp gia đình có thêm nguồn thu mà còn có tác dụng xua đuổi côn trùng, phòng được một số bệnh ký sinh nên ruộng dâu tây, nhờ đó không phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Dâu tây trồng ở Mù Cang Chải rất sai quả, việc chăm sóc cũng không vất vả. Ảnh: Thanh Tiến.

Cũng như gia đình anh Vàng, sau khi đi tham quan, học tập các mô hình trồng dâu tây cho hiệu quả kinh tế cao ở tỉnh Sơn La, anh Giàng A Sở ở bản Háng Gàng, xã Lao Chải đã quyết định chuyển hơn 3.000m2 ruộng lúa sang trồng dâu tây.

Anh Sở chia sẻ, tháng 10/2024, anh sang Sơn La mua hơn 3.000 cây dâu tây giống về trồng. Hợp với khí hậu lạnh nên chỉ cần đủ nước tưới và bón phân hợp lí là dâu tây phát triển tốt. Dâu tây ít sâu bệnh nên không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, quá trình chăm sóc nếu phát hiện có sâu thì bắt bằng tay và các biện pháp thủ công. Sau hơn 4 tháng chăm sóc, đầu tháng 3/2025, diện tích dâu tây của anh đã cho thu hoạch.

Dâu tây là sản phẩm quả tươi, vì vậy để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gia đình anh sử dụng nguồn nước tưới sạch dẫn từ khe núi, quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, việc chăm sóc, phòng bệnh, làm cỏ đều thực hiện thủ công.

Nhiều khách du lịch đến tham quan, thu hái và mua quả dâu tây ngay tại ruộng. Ảnh: Thanh Tiến.

“Trước đây gia đình tôi trồng ngô và rau cải, thu nhập rất bấp bênh. Từ khi chuyển sang trồng dâu tây theo hướng hữu cơ, năng suất và giá bán đều cao hơn hẳn. Khách du lịch đến đây rất thích vì dâu tây vừa ngon, vừa sạch. Nếu trồng lúa trên diện tích này chỉ thu được 20 bao thóc, bán chỉ được gần 10 triệu đồng, nhưng trồng dâu tây đến hết vụ dự kiến sẽ thu về từ 35 - 40 triệu đồng. Thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục chuyển đổi thêm ruộng, vườn để mở rộng diện tích trồng dâu tây nhằm nâng cao thu nhập”, anh Sở bộc bạch.

Canh tác hữu cơ, tạo sản phẩm chất lượng

Ông Lương Văn Thư, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Mù Cang Chải cho biết, theo đánh giá của các hộ dân trồng và thực khách mua dâu tây, chất lượng quả dâu tây trồng ở Mù Cang Chải rất ngọt mát, thơm tự nhiên.

Việc trồng xen hành, tỏi trong ruộng dây tây đã giúp xua đuổi côn trùng, hạn chế sinh vật gây hại. Ảnh: Thanh Tiến.

Trước mắt, ngành nông nghiệp sẽ hướng dẫn bà con tập trung vào chất lượng quả, lựa chọn phương pháp trồng dâu tây hữu cơ, tuân thủ quy trình canh tác thân thiện với môi trường. Thay vì sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, bà con tận dụng nguồn phân chuồng sẵn có từ gia súc, ủ hoai mục để bón cho cây. Trên các luống dâu tây được phủ nilon, vừa giúp giữ ẩm cho đất trong mùa khô, hạn chế cỏ dại, giảm thiểu công sức làm cỏ.

Một sáng kiến độc đáo khác được nhiều hộ dân áp dụng là trồng xen cây hành và tỏi giữa các hàng dâu tây. Theo kinh nghiệm, hành và tỏi có chứa các hợp chất tự nhiên có khả năng xua đuổi nhiều loại côn trùng gây hại, biện pháp này giúp phòng trừ sinh vật gây hại hiệu quả mà không cần đến sự can thiệp của thuốc bảo vệ thực vật.

Quả dâu tây trồng ở Mù Cang Chải có mẫu mã và chất lượng khá tốt. Ảnh: Thanh Tiến.

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, mô hình trồng dâu tây hữu cơ còn góp phần thay đổi nhận thức của người dân về nông nghiệp bền vững. Bà con dần ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ đất đai, nguồn nước và sức khỏe cộng đồng.

Với sự mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất và áp dụng các phương pháp canh tác tiên tiến, những vườn dâu tây hữu cơ đang dần nở rộ trên vùng đất Mù Cang Chải. Hi vọng rằng, những mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng, góp phần giảm nghèo cho bà con và tạo ra sản phẩm chất lượng, thu hút khách du lịch.

Thanh Tiến - Hải Đăng
Tin khác
Đổi mới hệ thống lương thực-thực phẩm: Kế hoạch quốc gia, nội lực địa phương
Đổi mới hệ thống lương thực-thực phẩm: Kế hoạch quốc gia, nội lực địa phương

Với mô hình chính quyền hai cấp sắp đi vào vận hành, kế hoạch chuyển đổi hệ thống LTTP quốc gia cần được cập nhật, phù hợp với yêu cầu phân cấp.

Sản xuất có trách nhiệm, đóng góp vào mục tiêu NDC 3.0
Sản xuất có trách nhiệm, đóng góp vào mục tiêu NDC 3.0

Giảm phát thải từ sản xuất nông nghiệp - thực phẩm là giải pháp tiềm năng để Việt Nam thực thi mục tiêu Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC 3.0).

Khi màu lúa thì thầm điều lành cho sức khỏe
Khi màu lúa thì thầm điều lành cho sức khỏe

Giữa cánh đồng tại Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông - CETDAE, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, những bông lúa đen trầm mặc như hồi ký của một hành trình 20 năm đi tìm bản sắc và sức khỏe cho hạt gạo Việt.

Nông dân khen giống lúa của Vinaseed 'chưa bao giờ thấy lúa đẹp thế này'
Nông dân khen giống lúa của Vinaseed 'chưa bao giờ thấy lúa đẹp thế này'

BẮC GIANG Diện tích trồng Dự Hương 8 và VNR88 của Vinaseed tại huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn lần lượt từ 30 – 40% so với giống đối chứng.

Đất khỏe, lúa tốt nhờ tri thức và trái tim người làm nông
Đất khỏe, lúa tốt nhờ tri thức và trái tim người làm nông

Muốn đất khỏe, lúa tốt, nông dân thời đại mới cần bắt đầu từ việc hiểu đất, chăm đất và bón phân một cách khoa học và bền vững.

Vĩnh Phúc triển khai 1.000ha lúa giảm phát thải
Vĩnh Phúc triển khai 1.000ha lúa giảm phát thải

Lần đầu áp dụng trên đồng ruộng Vĩnh Phúc, canh tác giảm phát thải cho thấy lúa khỏe, tiết kiệm nước và thân thiện với môi trường. Vĩnh Phúc kỳ vọng mở rộng canh tác lúa giảm phát thải lên 50% diện tích lúa toàn tỉnh.

Sầu riêng đón tin vui từ hội đàm cấp bộ trưởng: Cam kết từ doanh nghiệp
Sầu riêng đón tin vui từ hội đàm cấp bộ trưởng: Cam kết từ doanh nghiệp

ĐẮK LẮK Doanh nghiệp hồ hởi trước tín hiệu tích cực từ hội đàm Việt - Trung, tiếp tục củng cố vùng trồng, nâng cao chất lượng sầu riêng xuất khẩu.

Công nghệ TYMIRIUM: Tăng năng suất, giảm tác động tới môi trường
Công nghệ TYMIRIUM: Tăng năng suất, giảm tác động tới môi trường

Là minh chứng cho cam kết phát triển nông nghiệp bền vững của Syngenta, TYMIRIUM® giúp nâng cao hiệu quả canh tác, bảo vệ đa dạng sinh học và duy trì sức khỏe đất.

Giống lúa chất lượng cao Ngọc Nương 9 lan tỏa trên cánh đồng đại điền Đất Cảng
Giống lúa chất lượng cao Ngọc Nương 9 lan tỏa trên cánh đồng đại điền Đất Cảng

Đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại, giống lúa chất lượng cao Ngọc Nương 9 đang dần khẳng định ưu thế vượt trội trên những cánh đồng đại điền Hải Phòng.

Sầu riêng - thay đổi nhận thức để hết 'sầu Trung'
Sầu riêng - thay đổi nhận thức để hết 'sầu Trung'

Trong mong muốn thúc bách đóng góp giúp bà con trồng sầu riêng qua cơn ‘nhức đầu về đầu ra sang Trung Quốc’ của thức quả ngon khó cưỡng này

Quản lý, hạn chế và loại bỏ Cadimi trong đất và nông sản
Quản lý, hạn chế và loại bỏ Cadimi trong đất và nông sản

Cadimi có nguồn gốc từ đâu, giải pháp quản lý và một số phương pháp hạn chế, loại bỏ Cadimi trong đất và nông sản.

Hình ảnh đồng lúa trĩu bông nhờ tuân thủ thời vụ ở Nghệ An
Hình ảnh đồng lúa trĩu bông nhờ tuân thủ thời vụ ở Nghệ An

Bất chấp điều kiện thời tiết khó khăn, những cánh đồng tuân thủ lịch gieo cấy lúa vẫn trĩu bông, đang ngả vàng chuẩn bị thu hoạch.