Sâu cuốn lá nhỏ gây hại gần 600 ha
Vụ hè thu năm 2025 hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh gieo cấy muộn hơn so với cùng kỳ nhiều năm từ 7 – 10 ngày. Thời tiết đầu vụ thuận lợi cho lúa đẻ nhánh, sinh trưởng. Tuy nhiên, hơn một tuần nay nắng nóng và độ ẩm không khí thấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh như sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng xuất hiện, gây hại trên diện rộng.

Sâu cuốn lá nhỏ gây hại trên diện rộng. Ảnh: Thanh Nga.
Ghi nhận tại các xã Thạch Lạc, Đồng Tiến cho thấy hàng chục ha lúa bị sâu cuốn lá nhỏ gây hại trên nhiều diện tích với mật độ cao hơn nhiều lần so với các năm trước.
Ông Lê Văn Tùng ở xã Đồng Tiến thông tin, gia đình gieo 6 sào lúa, chủ yếu là giống Xuân Mai, Khang dân, hiện đều bị sâu cuốn lá nhỏ tấn công, nhiều ruộng đã bị sâu ăn trắng lá. Qua quan sát, đây là đợt sâu hại lúa nặng nhất trong vài năm trở lại đây trên địa bàn xã.
“Theo hướng dẫn của xã, tôi đã chủ động phun thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn rất lo vì thời tiết sáng nắng, chiều mưa dông, thuận lợi cho sâu non cắn phá mạnh bộ lá non”, ông Tùng nói.
Theo Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi TP Hà Tĩnh (cũ), tại địa phương, sâu cuốn lá lứa 1 chủ yếu đang ở tuổi 3 – 4 và có sự xen gối lứa. Một số ruộng ghi nhận mật độ cao từ 40 - 50 con/m², cục bộ 100 - 120 con/m². Thời tiết nóng ẩm xen kẽ mưa rào là điều kiện lý tưởng cho trứng sâu cuốn lá nhỏ nở rộ (vũ hóa), thuận lợi cho sâu non phát triển nhanh, chu kỳ sinh sản rút ngắn. Ngành chuyên môn đã có văn bản khuyến cáo các địa phương thông tin đến bà con nông dân chú trọng theo dõi, xử lý kịp thời để giảm áp lực trên đồng ruộng đối với lứa sâu tiếp theo.

Sâu cuốn lá gây hại nặng trên lúa hè thu. Ảnh: Thanh Nga.
Tại xã Đức Thịnh, sâu cuốn lá nhỏ cũng đang gây hại diện rộng. Theo dự báo, sâu non lứa 2 sẽ bắt đầu nở rộ từ khoảng ngày 6 - 7/7, gây hại mạnh ở giai đoạn lúa cuối đẻ nhánh - phân hóa đòng. Chính quyền xã Đức Thịnh đã đề nghị bà con chủ động thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện và xử lý phun trừ đúng thời điểm.
Thống kê từ Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Hà Tĩnh cho thấy, tổng diện tích lúa hè thu bị sâu cuốn lá nhỏ gây hại đã lên đến gần 600 ha, tập trung tại các huyện Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh (cũ)..., diện tích nhiễm nặng hơn 30 ha.
Sâu cuốn lá nhỏ có vòng đời kéo dài, nếu không xử lý đúng thời điểm sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng và năng suất lúa về sau. Thường thì những diện tích bị nhiễm nặng hơn tập trung ở các vùng trũng, ruộng cấy sớm, ruộng lúa thừa đạm. Việc nhận định đúng tình hình và xử lý hiệu quả sâu non từ nay trở đi trên các trà lúa của từng địa phương sẽ quyết định mức độ phát sinh, gây hại của các lứa sâu tiếp theo.
Rầy, ốc bươu vàng phá lúa vùng bãi ngang
Với những diện tích lúa ở các xã bãi ngang như Đồng Tiến, Thạch Khê, Thạch Lạc, Yên Hòa, Thiên Cầm và các xã vùng ngoài đê như Đức Quang, Đức Minh…, rầy nâu, rầy lưng trắng, ốc bươu vàng cũng xuất hiện sớm với mật độ cao khiến nông dân mất nhiều thời gian xử lý.

Rầy bám dày quanh thân và lá lúa. Ảnh: Thanh Nga.
Ông Nguyễn Văn Tình (xã Yên Hòa) cho hay, năm nay gia đình sản xuất hơn 5 sào lúa. Hầu hết gieo sớm nên rầy xuất hiện dày đặc. “Bây giờ lúa đang giai đoạn phát triển mạnh bộ lá và thân nhưng rầy tấn công, hút nhựa làm vàng lá, giảm sức đẻ nhánh. Vừa rồi tôi phun thuốc nhưng gặp mưa dông vào buổi chiều nên hiệu lực của thuốc giảm đi đáng kể”, ông Tình nói.
Hiện diện tích bị rầy tấn công toàn tỉnh khoảng 55 ha, mật độ trung bình 700 - 1.000 con/m2, nơi cao 2.000 - 3.000 con/m2, cục bộ lên đến 8.000 con/m2, rầy đang tuổi 1, 2, trưởng thành.
Tại phường Thành Sen, nhiều hộ dân phải ra đồng từ sáng sớm đến chiều muộn để diệt ốc bươu vàng. Loài ốc này phát sinh cao hơn nhiều lần các năm khác, nhất là ở các ruộng trũng, chân ruộng mới gieo cấy. Ốc ăn trụi mạ non khiến bà con phải cấy dặm nhiều lần, tốn thêm công sức và chi phí.
Chị Nguyễn Thị Hoài, tổ dân phố Trung Hưng, phường Thành Sen lắc đầu ngán ngẩm: “Chúng tôi mới phải gieo cấy lại 4 sào do đợt mưa lớn từ ngày 12 - 13/6. Lúa mới bén thì ốc bươu vàng phá hại nặng. Mấy hôm nay hai vợ chồng phải gác lại hết việc đi phụ hồ để ra đồng bắt ốc và phun thuốc phòng trừ rầy”.
Sâu bệnh xuất hiện sớm, đáng lo ngại
Theo ông Nguyễn Tuấn Lộc, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng khu IV (Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật), hiện tượng phát sinh sớm, mật độ cao các đối tượng như sâu cuốn lá nhỏ, rầy lưng trắng trong vụ hè thu năm nay tại Hà Tĩnh rất đáng lo ngại. So với trung bình nhiều năm trở lại đây, năm nay sâu bệnh xuất hiện sớm hơn và có tốc độ phát triển nhanh hơn rõ rệt.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ diễn biến bất thường của thời tiết, mưa đến sớm từ tháng 6, độ ẩm cao, nền nhiệt phổ biến trong khoảng 28 - 35 độ C. Đây là điều kiện lý tưởng cho sinh vật gây hại sinh trưởng, tích lũy mật độ nhanh. Không chỉ vậy, kiểu thời tiết này còn rút ngắn chu kỳ phát triển của các loại sâu bệnh hại khiến áp lực dịch hại trên đồng ruộng gia tăng ngay từ đầu vụ.

Vụ hè thu năm nay sâu bệnh xuất hiện sớm và tốc độ phát triển nhanh khiến nông dân mất nhiều thời gian, chi phí phòng trừ. Ảnh: Thanh Nga.
Dự kiến lứa sâu cuốn lá nhỏ thứ 2 sẽ nở rộ từ khoảng 5/7/2025 trở đi, rầy nâu, rầy lưng trắng tiếp tục tích lũy số lượng và tạo nguồn gây hại mạnh giai đoạn lúa làm đòng - trổ bông. Vì thế, các địa phương cần thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo, tham mưu kịp thời biện pháp kỹ thuật và tổ chức phòng trừ hiệu quả. Tiến hành thu mẫu rầy lưng trắng, rầy xanh đuôi đen (pha trưởng thành) gửi về Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng khu 4 để xét nghiệm nhằm xác định nguy cơ mang mầm virus gây bệnh trên lúa.
Ngoài ra cần đẩy mạnh tuyên truyền về triệu chứng bệnh lùn sọc đen phương nam, vàng lá di động, cách nhận biết - phòng trừ rầy lưng trắng, rầy xanh đuôi đen để người dân kịp thời phát hiện và xử lý.
“Đối với bà con nông dân, cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, chú ý hai đối tượng chính là rầy và sâu cuốn lá nhỏ, chủ động phun trừ lúc tuổi non, mật độ cao. Tuân thủ nguyên tắc '4 đúng' trong sử dụng thuốc BVTV để góp phần hạn chế thiệt hại”, ông Lộc nhấn mạnh.
Đối với ốc bươu vàng, giải pháp tối ưu nhất là tổ chức bắt và thu gom ổ trứng. Sử dụng các mồi nhử như dây, lá khoai lang, lá đu đủ kết hợp làm rãnh thoát nước để dẫn dụ ốc và tiến hành thu gom tiêu hủy. Những ruộng mật độ cao kết hợp xử lý bằng các loại thuốc hóa học có nhóm hoạt chất Metaldehyde, Niclosamide, một số loại thuốc thương phẩm phổ biến như StarPumper 800WP, Anhead 12GR, Boxer 15GR…