Nước về tới đâu, lúa xanh tốt tới đó
Ở xã Bình Giang, TP. Hải Phòng, vụ đông xuân không chỉ là mùa lúa quan trọng nhất trong năm mà còn là một cuộc chạy đua âm thầm với dòng chảy thủy lợi. Cuộc đua ấy bắt đầu từ những ngày đầu đổ ải, khi từng mét khối nước xả từ hồ thủy điện về vùng cuối nguồn Bắc Hưng Hải trở thành thứ tài nguyên quý hơn cả vàng. Ai đến chậm một nhịp, coi như trắng tay.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, người gắn bó cả đời với đồng ruộng Bình Giang, vẫn nhớ như in những năm nước về muộn. “Chỉ cần chậm một đợt xả là lúa không kịp đổ ải, mạ già trước khi cấy, lúa trổ lệch mùa, sâu bệnh bám sát. Người làm ruộng hiểu nước quý hơn vàng là vì thế”, ông chia sẻ, giọng chùng xuống.

Theo kinh nghiệm của những người gắn bó cả đời với đồng ruộng Bình Giang như ông Nguyễn Văn Nghĩa, nước chính là thứ tài nguyên quý hơn cả vàng. Ảnh: Bảo Thắng.
Từ chỗ thường xuyên bị động vì nước đến trễ, Bình Giang dần xoay chuyển tình thế. Những năm gần đây, chính quyền xã và ngành thủy lợi Hải Dương (nay là TP. Hải Phòng) đã cùng nhau “gỡ nghẽn” từ bên trong bằng việc nạo vét kênh mương, cải tạo hệ thống dẫn nước đến nâng cấp trạm bơm, sẵn sàng thiết bị máy móc từ trước khi nước về. Câu chuyện mùa vụ không còn là “trông trời, trông đất” mà bắt đầu từ việc tính toán từng van nước, từng giờ vận hành.
Nội đồng giờ không chỉ là hệ thống thủy lợi mà là “hệ tuần hoàn” của cả cánh đồng. Ông Nghĩa cho biết, ngay từ trước Tết âm lịch, bà con đã rục rịch dọn mương, vét rãnh, kiểm tra động cơ, lên phương án tích nước tạm trong hồ lắng để “giữ chân” nước lại cho đợt gieo cấy. “Có nước sớm là có tất cả”, người dân đúc kết.
Đáng chú ý, trong bối cảnh biến đổi khí hậu khiến lịch xả nước khó lường hơn, ngành thủy lợi thành phố đã đưa công nghệ vào cuộc. Các ứng dụng đo mực nước, bản tin lịch xả và thông báo trực tuyến đã giúp nông dân không còn phải chờ đợi thụ động.
“Cứ có lịch là tranh thủ, có nước là bơm. Vụ đông xuân mấy năm nay được mùa liên tiếp, bà con ai cũng phấn khởi”, ông Nghĩa nói, ánh mắt lấp lánh sau vành nón.
Chủ động một bước, giữ chắc cả mùa
Không giống nhiều nơi khác, Bình Giang là vùng “trông nước” đúng nghĩa khi toàn bộ diện tích canh tác phụ thuộc vào dòng chảy từ hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải. Chân ruộng cao, địa hình không thuận, nếu không đi trước một bước, không có chuyện được mùa.
Theo ông Nguyễn Khắc Nguyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hải Phòng, để có những cánh đồng vàng ươm như hiện nay, ngành thủy lợi thành phố đã phải chủ động từ khâu lập kế hoạch đến chỉ đạo điều hành, theo sát từng đợt xả của các hồ thủy điện phía thượng nguồn.
Ngay từ đầu vụ, Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Môi trường ban hành văn bản chỉ đạo từng địa phương xây dựng kế hoạch lấy nước chi tiết, phù hợp với diện tích gieo cấy và thời điểm xả nước. Những chỉ đạo ấy không chỉ nằm trên giấy.

Bình Giang là vùng “trông nước” đúng nghĩa khi toàn bộ diện tích canh tác phụ thuộc vào dòng chảy từ hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải. Ảnh: Bảo Thắng.
Tỉnh Hải Dương cũ (nay là TP. Hải Phòng) cập nhật liên tục diễn biến thực tế, tổng hợp kế hoạch toàn tỉnh để điều chỉnh linh hoạt, không chỉ chống hạn, mà còn tính trước cả tình huống xâm nhập mặn ở hạ lưu, điều vốn tưởng chỉ có ở các tỉnh đồng bằng phía Nam, giờ cũng thành nguy cơ rõ ràng ngay ở miền duyên hải phía Bắc.
“Khi tính được lịch xả nước của các hồ như Hòa Bình, Thác Bà hay Tuyên Quang sát với nhu cầu thực tế, chúng tôi mới có thể thông báo chính xác cho từng xã, từng trạm bơm biết thời điểm mở máy, dẫn dòng, tránh việc nước về nhưng chưa kịp đổ xuống ruộng đã trôi mất”, ông Nguyên chia sẻ.
Song hành với đó là hệ thống tổ chức khai thác công trình thủy lợi ở cấp xã, cấp xí nghiệp, những đơn vị được giao trách nhiệm cụ thể trong cung ứng dịch vụ công ích thủy lợi. Trước mỗi mùa vụ, công tác bảo dưỡng thiết bị, khơi thông kênh mương, kiểm tra trạm bơm được triển khai đồng loạt, đảm bảo không để “tắc chỗ nào là chết chỗ đó”. Nhiều cán bộ kỹ thuật gác Tết, bám trạm ngày đêm, không chỉ để trực bơm mà còn để theo dõi độ mặn, chuẩn bị kích hoạt ngay khi dòng nước an toàn đổ về.
“Với địa hình như ở đây, chỉ cần một trạm bơm chậm vận hành vài tiếng là nhiều mẫu ruộng khô cong. Vụ đông xuân là vụ chính nên chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài chủ động đến từng giờ”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Tinh thần “chớp thời cơ” được các xí nghiệp thủy lợi địa phương triển khai triệt để. Nếu nước trong hệ thống Bắc Hưng Hải xuống thấp khiến việc đưa nước lên vùng đất cao, xa đầu mối gặp khó, xí nghiệp buộc phải tính phương án phụ như lắp đặt 3 trạm bơm dã chiến với công suất từ 540 đến 5.000 m³/giờ tại những vị trí then chốt. Bơm chéo, bơm cuốn, bơm gối đầu… đủ các kiểu bơm miễn sao nước kịp về trước khi đất nứt chân chim.
Để sẵn sàng cho vụ sản xuất sắp tới, Chi cục Thủy lợi Hải Phòng đã tham mưu phương án phòng chống hạn, úng và bảo vệ các điểm xung yếu cho toàn thành phố.
Danh sách hồ chứa xuống cấp, công trình cần tu sửa đã được cập nhật và gửi các đơn vị liên quan xử lý trước mùa mưa bão. Các địa phương cũng được yêu cầu kiểm tra toàn bộ máy móc, công trình thủy lợi, đảm bảo trạng thái vận hành 100%, sẵn sàng ứng phó từ hạn tới lụt.