Chiều 16/7, Ban quản lý các dự án lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Môi trường Gia Lai và những doanh nghiệp trồng rừng tham gia dự án “Nhân rộng quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng tại Việt Nam” (dự án SFM) do Chính phủ CHLB Đức tài trợ thông qua Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ); Bộ Nông nghiệp và Môi trường giao Ban quản lý các dự án lâm nghiệp Trung ương thực hiện tại các tỉnh Quảng Trị, Bình Định và Phú Yên cũ. Dự án kéo dài từ 1/1/2022-31/12/2025.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Gia Lai, phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: V.Đ.T.
Theo ông Nguyễn Danh Đàn, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án SFM Trung ương, Việt Nam đang định hướng chuyển đổi sang quản lý rừng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao tính đa dạng loài, chu kỳ trồng rừng dài hơn và sản xuất gỗ xẻ. Từ đó, Việt Nam thiết lập các điều kiện về mặt pháp luật và thể chế cần thiết để chuyển dịch sang quản lý rừng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường năng lực cho các chủ thể liên quan trong ngành lâm nghiệp để chuyển đổi sang quản lý rừng bền vững.
“Quản lý rừng bền vững với chu kỳ trồng rừng dài hơn, để rừng trở thành “bể chứa” các-bon tự nhiên, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, ông Đàn chia sẻ.

Bà Carina van Weelden, Quản lý thực hiện dự án, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: V.Đ.T.
Theo đó, Ban quản lý các dự án lâm nghiệp Trung ương và GIZ phối hợp tư vấn các bên liên quan cấp Trung ương và cấp tỉnh hoàn thiện khung pháp luật nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang quản lý rừng bền vững. Các chủ rừng tham gia dự án được hỗ trợ áp dụng quản lý rừng bền vững tại diện tích rừng cụ thể theo kế hoạch hoạt động hàng năm của đơn vị. Dự án tăng cường năng lực cho các chủ rừng trong quản lý rừng trồng chu kỳ dài.
“Tại các điểm trình diễn, việc chuyển đổi sang trồng rừng chu kỳ dài sẽ được thí điểm và xây dựng thành mô hình mẫu để chuẩn bị cho quá trình nhân rộng quản lý rừng bền vững. Các điểm trình diễn sẽ được sử dụng như một lớp học, nơi học viên thực hành áp dụng các kỹ thuật lâm sinh”, ông Nguyễn Danh Đàn cho hay.

Ông Ngô Văn Tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, trình bày lợi ích của rừng gỗ lớn. Ảnh: V.Đ.T.
Cũng theo ông Đàn, dự án SFM sẽ hỗ trợ các chủ rừng trong việc phát triển các mô hình kinh doanh mới và xác định các phương án tài chính cần thiết cho quá trình chuyển đổi. Đồng thời, dự án sẽ nghiên cứu các phương án hợp tác với những hộ trồng rừng, cũng như phát triển các thỏa thuận chung trên cơ sở các bên cùng có lợi để khuyến khích quá trình chuyển đổi sang quản lý rừng bền vững.
“Mỗi chủ rừng đã thiết lập các lô rừng làm điểm trình diễn quản lý rừng bền vững với diện tích 48 ha; ngoài ra, các chủ rừng còn được tập huấn về kỹ thuật sản xuất gỗ xẻ và mở rộng áp dụng thực hành từ các mô hình trình diễn lên 1.685 ha rừng trồng. Các mô hình rừng gỗ lớn có giá trị kinh tế cao sẽ cho chủ rừng lợi nhuận cao hơn, góp phần phát triển rừng bền vững hơn. Chu kỳ trồng rừng dài hơn và rừng có tính đa dạng hơn sẽ làm tăng lợi ích cho đa dạng sinh học, khí hậu và con người”, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án SFM Trung ương Nguyễn Danh Đàn chia sẻ.

Ông Hồ Văn Hể, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, trình bày tại buổi làm việc. Ảnh: V.Đ.T.
Cũng theo ông Đàn, ngoài ra, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được thực hiện xuyên suốt các hoạt động của dự án. Các chủ rừng và các chủ thể khác trong chuỗi cung ứng đều nắm chắc thông tin về tầm quan trọng của bình đẳng giới và các biện pháp có thể áp dụng để mang lại lợi ích cho cả nam giới và nữ giới từ công việc quản lý rừng bền vững.