
Các đại biểu quan tâm tới các sản phẩm có chứng nhận PEFC của Việt Nam. Ảnh: Sơn Trang.
Đến nay, Campuchia vẫn chưa có hệ thống quốc gia về quản lý rừng bền vững, nhưng Công ty Cổ phần Cao su Chư Sê Kampong Thom (tỉnh Kampong Thom, Campuchia) đã trở thành một trong những công ty thành viên đầu tiên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hoàn thành việc đáp ứng Quy định chống phá rừng của EU (EUDR).
Sở dĩ Cao su Chư Sê Kampong Thom đã sớm về đích trong việc đáp ứng quy định EUDR là do công ty đã mạnh dạn áp dụng tiêu chuẩn PEFC vào bảo vệ, quản lý rừng bền vững. Nhờ vậy, Cao su Chư Sê Kampong Thom đã trở thành đơn vị đầu tiên tại Campuchia được chứng nhận PEFC CoC (chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm) vào tháng 4/2023.
Chia sẻ tại “Diễn đàn Lâm nghiệp PEFC 2025: Định hình tương lai của quản lý rừng bền vững”, ông Bùi Quang Trung Thuận, đại diện Cao su Chư sê Kampong Thom, cho biết, bộ tiêu chuẩn chứng chỉ rừng bền vững PEFC chưa đáp ứng hoàn toàn tất cả các yêu cầu của EUDR, nhất là các yêu cầu cụ thể về thẩm định trách nhiệm và thông tin địa lý. Tuy nhiên, PEFC là công cụ rất giá trị trong việc ngăn chặn phá rừng và suy thoái rừng. Áp dụng PEFC, đặc biệt là PEFC EUDR DDS giúp công ty xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và quản lý chuỗi cung ứng có trách nhiệm, tạo nền tảng để đáp ứng các yêu cầu của EUDR.

Một sản phẩm cao su có chứng nhận PEFC của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Ảnh: Sơn Trang.
Tại “Diễn đàn Lâm nghiệp PEFC 2025: Định hình tương lai của quản lý rừng bền vững”, đại diện nhiều cơ quan, tổ chức đã đánh giá cao vai trò của PEFC trong việc thúc đẩy việc lấy chứng nhận quản lý rừng bền vững ở Việt Nam.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, chia sẻ, ngành gỗ Việt Nam hiện đang đứng thứ 5 trên thế giới. Nếu tính riêng về đồ gia dụng, đồ nội thất bằng gỗ, thì Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc. Chính vì vậy, ngành gỗ Việt Nam rất quan tâm tới các chứng nhận quản lý rừng bền vững.
Ông Hoài khẳng định, việc thực hiện quản lý rừng bền vững theo Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia - VFCS (được Tổ chức chứng nhận chứng chỉ rừng quốc tế PEFC công nhận vào tháng 10/2020) trong những năm qua, đang giúp cho cộng đồng ngành gỗ Việt Nam ngày càng lớn mạnh hơn. Các doanh nghiệp, nông dân trồng rừng đang nỗ lực không ngừng nghỉ để có thêm nhiều diện tích có chứng nhận quản lý rừng bền vững.
Phát biểu tại Diễn đàn Lâm nghiệp PEFC 2025, ông Nguyễn Văn Diện, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết, Diễn đàn lần này được thiết kế riêng cho các doanh nghiệp Việt Nam và các nước lân cận, cũng như thành viên của PEFC trên toàn cầu, nhằm giới thiệu cách thức chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm và quản lý rừng bền vững, không chỉ đáp ứng yêu cầu về tính hợp pháp mà còn đóng vai trò là động lực mạnh mẽ cho việc tạo ra giá trị lâu dài, khả năng phục hồi và đổi mới trong các ngành công nghiệp dựa vào rừng.
Theo GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Việt Nam mới bắt đầu tiếp cận với PEFC từ năm 2014 và đến năm 2020 mới trở thành thành viên thứ 50 của tổ chức này. Từ đó đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng khích lệ về quản lý rừng bền vững, với 659 nghìn ha rừng được chứng nhận bền vững, trong đó rừng có chứng nhận PEFC là hơn 215 nghìn ha.
Diễn đàn lâm nghiệp PEFC là sự kiện được PEFC tổ chức hằng năm. Việt Nam là nước đồng tổ chức Diễn đàn lâm nghiệp PEFC 2025 với chủ đề “Định hình Tương lai của Quản lý rừng bền vững”, diễn ra từ 5-10/5/2025 tại TP.HCM. Các chủ đề trao đổi tại Diễn đàn là các vấn đề liên quan đến quản lý rừng bền vững từ các yêu cầu về giảm nhẹ biến đổi khí hậu thông qua Thỏa thuận Paris, bảo vệ đa dạng sinh học thông qua Khung Đa dạng Sinh học toàn cầu, quy định của EU về sản xuất không gây mất rừng...