Sóng to, gió lớn, tàu nghiêng mạnh về mạn trái, từng đợt sóng vỗ dữ dội làm nước tràn qua boong tàu. Nhưng với tổ kiểm tra của Đoàn tuần tra số 6 - Chi cục Kiểm ngư Vùng V, không điều gì được phép trì hoãn.
Hành trình vượt sóng truy bắt tàu cá vi phạm
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng đoàn tuần tra số 6, tàu cá NT-90783-TS đã tự ý tháo thiết bị giám sát hành trình (VMS) từ ngày 7/7/2025, "biến mất" khỏi hệ thống theo dõi gần Đảo Phú Quốc.

Ông Nguyễn Phú Quốc (thứ 2 từ phải sang) - Phó Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Vùng 5 - đã trực tiếp chỉ đạo lực lượng Đoàn tuần tra số 6 vào lúc 5 giờ sáng ngày 11/7. Ảnh: Trọng Linh.
Nhờ phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng kiểm ngư Vùng 5, hệ thống quản lý giám sát tàu cá, cùng chỉ đạo quyết đoán từ ông Nguyễn Phú Quốc, các tổ nghiệp vụ đã lần theo hướng di chuyển, thời điểm bất thường và dấu hiệu khả nghi để khoanh vùng, xác định chính xác khu vực tàu hoạt động.
Đúng 9 giờ 15 phút sáng 11/7, tại vị trí tọa độ φ = 10°02’N, λ = 103°17’E, tàu kiểm ngư KN-568 đã phát hiện và tiếp cận thành công tàu cá NT-90783-TS ngay tại hiện trường, khi đang đánh bắt tại vùng biển Tây Nam cách đảo Thổ Chu hơn 20 hải lý. Đây là kết quả từ quá trình theo dõi âm thầm, liên tục và dày công phân tích, đối chiếu dấu vết “tàng hình” trên biển.

Dù điều kiện thời tiết có khắc nghiệt, lực lượng Kiểm ngư Vùng 5 vẫn luôn giữ sự hiện diện, bởi chính điều này sẽ giúp cho ngư dân an toàn, và không vượt qua lằn ranh pháp luật. Ảnh: Trọng Linh.
Thời điểm tổ kiểm tra tiếp cận tàu cá vi phạm, biển động cấp 5-6, gió lớn, sóng quật nghiêng tàu KN-568. Dưới sự chỉ huy từ tàu mẹ, xuồng cano mang theo 6 cán bộ kiểm ngư của Đoàn tuần tra số 6 được hạ thủy trong điều kiện sóng to gió lớn. Sau khoảng 20 phút rẽ sóng, tổ công tác đã áp sát tàu NT-90783-TS, phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật khai thác thủy sản.
Dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Phú Quốc, tổ kiểm tra đã thực hiện các bước kiểm tra kỹ thuật, đối chiếu dữ liệu, truy vấn hồ sơ ngay trên biển. Trên tàu có 14 thuyền viên, nhưng chủ tàu không xuất trình được danh sách thuyền viên, không có chứng chỉ thợ máy, không ghi nhật ký khai thác và đặc biệt là cố ý vô hiệu hóa thiết bị VMS - một trong những vi phạm nghiêm trọng nhất theo Nghị định 38/2024/NĐ-CP - có dấu hiệu rõ ràng của hành vi cố tình che giấu hoạt động khai thác.
Lật mặt “chiêu trò” của chủ tàu
Khi được yêu cầu giải trình, ông Trịnh Văn Việt, Chủ tàu đồng thời là thuyền trưởng của tàu cá NT-90783-TS đã thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm. Tại thời điểm kiểm tra, tàu đang hoạt động nghề câu (nghề chính) và pha xúc (nghề phụ) ở vùng khơi, nhưng không mang theo nhật ký khai thác, các thợ máy trên tàu không có văn bằng chứng chỉ theo quy định. Quan trọng hơn, việc cố tình tháo rời thiết bị VMS là hành vi nghiêm trọng, có tính chất đối phó có hệ thống.

Đoàn tuần tra số 6 tiếp cận tàu cá mang kiểm soát NT-90783-TS. Ảnh: Trọng Linh.
Thiết bị VMS được ví như “con mắt điện tử” của Nhà nước để theo dõi tàu cá hoạt động trên biển. Bất kỳ hành vi vô hiệu hóa thiết bị này đều bị coi là hành vi cố ý che giấu hoạt động, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm IUU, xâm phạm vùng biển nước ngoài, hoặc khai thác trái phép.
Đây cũng là một trong những hành vi trọng tâm mà Ủy ban châu Âu (EC) yêu cầu Việt Nam phải xử lý nghiêm nếu muốn gỡ bỏ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.
Trước sự tuyên truyền của Đoàn tuần tra số 6, ông Việt cam kết, luôn bật VMS 24/24, không xâm phạm vùng biển nước ngoài, không tiếp tay tiêu thụ thủy sản khai thác bất hợp pháp và chấp hành nghiêm quy định xử phạt hành chính...
“Thực hiện nghiêm chống khai thác IUU không chỉ để gỡ ‘thẻ vàng’ EU mà còn là trách nhiệm với ngành, với ngư dân. Không có vùng xám, không có ngoại lệ. Chúng tôi luôn xác định, dù điều kiện thời tiết có khắc nghiệt, lực lượng cũng phải giữ được sự hiện diện, bởi chính điều này sẽ giúp cho ngư dân an toàn, và không vượt qua lằn ranh pháp luật”, ông Nguyễn Phú Quốc nói.

Ông Trịnh Văn Việt, Chủ tàu đồng thời là thuyền trưởng của tàu cá NT-90783-TS, đã thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm. Ảnh: Trọng Linh.
Lực lượng Kiểm ngư Vùng 5 đang ngày đêm hiện diện trên biển không chỉ để xử phạt, mà để bảo vệ nghề cá bền vững, khẳng định chủ quyền và giữ vững cam kết quốc tế. Sự minh bạch trong kiểm tra, xử lý vi phạm và lập cam kết trực tiếp tại hiện trường là cách lực lượng Kiểm ngư biến cam kết quốc gia thành hành động cụ thể, sát với thực tế, từng chuyến biển, từng con tàu.
Có mặt trên tàu KN-568 trong đợt tuần tra, tôi mới cảm nhận trọn vẹn thế nào là sự quyết tâm, bản lĩnh và hy sinh thầm lặng của lực lượng Kiểm ngư - những người “giữ luật giữa trùng khơi”, đang từng ngày kiên định chặn đứng hành vi khai thác IUU - vì một ngành thủy sản phát triển bền vững và hội nhập thực chất.