
Dịch tả lợn Châu Phi đe dọa người chăn nuôi lợn tại tỉnh Phú Thọ. Ảnh: BK.
Ngày 16/7, thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường Phú Thọ cho biết, đến thời điểm hiện tại dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 16/7, dịch đã xảy ra tại 21 xã trong toàn tỉnh. Hiện đã có 168 hộ nuôi lợn bị dính dịch khiến 1.081 con lợn bị ốm, chết và tiêu hủy, tổng trọng lượng lợn bị tiêu hủy hơn 59 tấn.
Sở Nông nghiệp và Môi trường Phú Thọ đã ban hành các văn bản về tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Đăng ký nhu cầu hóa chất khử trùng phòng chống bệnh; thành lập 8 tổ phụ trách địa bàn trong công tác phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Tiếp nhận thông tin dịch bệnh tại các xã, phường, chỉ đạo lực lượng thú y từ tỉnh đến cơ sở trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, phối hợp, hướng dẫn các địa phương xử lý ổ dịch, đồng thời chỉ đạo lấy mẫu gửi xét nghiệm xác định bệnh.
Qua đó, các xã đăng ký nhu cầu hóa chất khử trùng để chống dịch, hiện đã cấp 168 lít hóa chất khử trùng cho các xã chống dịch. Phối hợp lực lượng chức năng xử lý 5 trường hợp vi phạm quy định về vận chuyển, giết mổ lợn trái quy định, xử lý tiêu hủy 231 con lợn, tổng trọng lượng khoảng gần 20 tấn.

Phú Thọ tăng cường giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phát triển chăn nuôi bvền vững. Ảnh: BK.
Để chủ động phòng, chống, kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi và đảm bảo an toàn cho sản xuất và nguồn cung thịt lợn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Trần Duy Đông yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường Phú Thọ tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các xã, phường triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống theo quy định.
Trọng tâm là, theo dõi giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao, đảm bảo phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người dân bán chạy, dấu dịch, vứt xác lợn chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ giao Công an tỉnh, Sở Công Thương chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, giết mổ động vật, các sản phẩm từ động vật, đặc biệt tại cửa ngõ đường giao thông với các tỉnh có dịch, các chợ, cơ sở giết mổ… Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh, nhất là các trường hợp vận chuyển, kinh doanh, giết mổ lợn, các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch, lợn ốm, chết.
Yêu cầu UBND các xã, phường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đến từng hộ chăn nuôi lợn, đảm bảo phát hiện sớm và triển khai đồng bộ các biện pháp xử lý dứt điểm các ổ dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi theo quy định, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh vận chuyển lợn và sản phẩm lợn trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, đặc biệt là các trường hợp giấu dịch, mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, vứt xác lợn chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để tổ chức xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh trên địa bàn.
"Chủ tịch UBND các xã, phường chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu không có biện pháp chỉ đạo kịp thời để dịch bệnh phát sinh, lây lan rộng trên địa bàn quản lý", văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nêu rõ.
Thực hiện "5 không" phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Phú Thọ, dự báo trong thời gian tới, bệnh dịch tả lợn Châu Phi có chiều hướng tiếp tục phát sinh, lây lan trên địa bàn, nhất là tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Để tổ chức hiệu quả công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, Sở Nông nghiệp và Môi trường Phú Thọ yêu cầu tiếp tục phát triển sản xuất, chăn nuôi các loại gia súc khác (trâu, bò, dê, gia cầm); khuyến cáo người dân chỉ tái đàn lợn khi đảm bảo an toàn dịch bệnh và đáp ứng được các biện pháp cách ly, an toàn sinh học; thực hiện kê khai chăn nuôi theo quy định.
Thực hiện 5 không: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt xác lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt để chăn nuôi lợn.