Từ năm 2023 đến nay, TP Cần Thơ không ghi nhận trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Đây là tín hiệu tích cực trong nỗ lực chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của ngư dân và ngành chức năng.
Tuy nhiên, vẫn còn một số nhiệm vụ chống khai thác IUU của thành phố chưa đạt yêu cầu. Đơn cử, ngành chức năng đã ghi nhận tàu cá mất tín hiệu kết nối ngoài khơi; công tác gia hạn đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản còn thấp, gây ảnh hưởng đến công tác giám sát và quản lý tổng thể.

Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ đã và đang triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ tàu cá, chống khai thác IUU. Ảnh: Kim Anh.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ, địa phương vẫn còn 105 tàu cá chưa thực hiện gia hạn giấy phép đăng kiểm. Trong đó có nhiều tàu nằm bờ lâu ngày do hoạt động khai thác không hiệu quả hoặc do chủ tàu đi làm ăn xa, không thường xuyên có mặt tại địa phương.
Bên cạnh đó, trong năm 2025, ngành chức năng ghi nhận 126 trường hợp tàu cá mất kết nối khi hoạt động ngoài khơi. Sau khi rà soát, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ xác định, một số tàu đã về bờ, ngưng hoạt động; các trường hợp còn lại được liên hệ trực tiếp với chủ tàu để yêu cầu khắc phục lỗi kết nối hoặc thực hiện báo cáo vị trí định kỳ theo quy định.
Để giải quyết những tồn tại trên, bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ cho biết, ngành chức năng đã triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn. Cụ thể, Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư thành phố được giao phối hợp cùng lực lượng Biên phòng, Tổ kiểm tra IUU tổ chức ghi nhận hình ảnh vị trí neo đậu của các tàu cá không hoạt động.
Đơn vị cũng thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản năm 2017, trong đó có các quy định liên quan đến chống khai thác IUU. Qua đó giúp cộng đồng ngư dân thật sự am hiểu pháp luật, các quy định về ranh giới biển đảo.
Tại Cảng cá Trần Đề, Tổ kiểm tra IUU thực hiện kiểm soát các tàu ra, vào cảng 24/24 giờ, tất cả các ngày trong tuần. Đến nay, đơn vị đã kiểm hơn 2.600 lượt tàu cá cập, rời cảng.

Lũy kế từ đầu năm 2025 đến nay, Cảng cá Trần Đề (xã Trần Đề, TP Cần Thơ) đã tiếp nhận 1.147 lượt tàu lên hàng thủy sản, sản lượng thủy sản đạt gần 15.500 tấn. Ảnh: Kim Anh.
Công tác cập nhật dữ liệu cũng được Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ đặc biệt chú trọng. Sở đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn cập nhật đầy đủ thông tin về đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác và xử lý vi phạm lên các hệ thống quản lý chuyên dụng như VnFishbase, hệ thống xử lý vi phạm hành chính và hệ thống giám sát tàu cá (VMS) thuộc Cục Thủy sản và Kiểm ngư.
Hiện toàn TP Cần Thơ có 795 tàu cá đăng ký, với tổng công suất gần 210.000 CV, trong đó có 346 tàu có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt máy giám sát hành trình. Bên cạnh đó 100% tàu đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản. Về mặt đăng kiểm, trong tổng số 464 tàu có chiều dài từ 12m trở lên, ngành chức năng đã gia hạn đăng kiểm cho 349 tàu, chiếm 75,22%.
Trong bối cảnh sau khi sáp nhập các tỉnh, thành phố, công tác quản lý khai thác biển càng đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ hơn. Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ đã kiến nghị lãnh đạo UBND thành phố sớm kiện toàn lại Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU để phù hợp với bộ máy mới, đảm bảo triển khai hiệu quả các biện pháp chống khai thác IUU.

Hiện các Tổ kiểm tra IUU thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát các tàu cá ra, vào cảng 24/24 giờ, tất cả các ngày trong tuần. Ảnh: Kim Anh.
Song song với quản lý tàu khai thác, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng đang được điều chỉnh theo hướng phù hợp với đặc thù vùng sau sáp nhập. Theo định hướng mới, khu vực tỉnh Sóc Trăng cũ sẽ tập trung ổn định nuôi tôm nước lợ và cá rô phi, hướng đến mục tiêu duy trì kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên 1 tỷ USD mỗi năm.
Khu vực Hậu Giang và TP Cần Thơ cũ sẽ đẩy mạnh nuôi cá tra và các loài cá đồng, phù hợp với điều kiện tự nhiên và thế mạnh địa phương.