Từng bị Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở vì chậm khắc phục IUU, Bà Rịa - Vũng Tàu nay đã chuyển mình mạnh mẽ với sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền, ngư dân, doanh nghiệp. Địa phương này đang nỗ lực phát triển nghề khai thác thủy sản bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Nỗ lực ‘cởi trói’ cho ngành thủy sản trước thẻ vàng IUU
Từng bị Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở vì chậm khắc phục IUU, Bà Rịa - Vũng Tàu nay đã chuyển mình mạnh mẽ với sự vào cuộc quyết liệt từ ngư dân, doanh nghiệp đến lực lượng chức năng, hướng tới mục tiêu gỡ “thẻ vàng” và phát triển nghề cá bền vững.
MC dẫn đầu:
Thưa quý vị thính giả,
Bà Rịa - Vũng Tàu từng là một trong những địa phương bị Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở về chậm khắc phục, thiếu quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chống khai thác IUU. Tuy nhiên, đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có bước chuyển mình mạnh mẽ với 100% tàu cá “3 không” được quản lý chặt chẽ, giám sát hành trình 24/7, không còn tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài. Những nỗ lực ấy không chỉ hướng tới mục tiêu gỡ “thẻ vàng” mà còn xây dựng nghề cá minh bạch, bền vững hơn.
Để hiểu rõ hơn về hành trình đầy gian nan ấy, xin mời quý vị thính giả cùng đến với phóng sự dưới đây do Báo Nông nghiệp và Môi trường thực hiện.
Phóng sự:
Những năm gần đây, ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu đối mặt nhiều khó khăn khi chi phí nhiên liệu tăng cao, giá thủy sản không ổn định, trong khi “thẻ vàng” IUU khiến hàng hóa khó xuất khẩu, đặc biệt sang thị trường EU.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã tăng cường tuyên truyền pháp luật, tổ chức hàng chục buổi tập huấn, đối thoại, cấp phát tờ rơi, sổ tay IUU và hỗ trợ vật chất cho ngư dân. Các đồn biên phòng trực chiến 24/24 tại cảng cá, kiểm tra hồ sơ, máy giám sát hành trình và tổ chức ký cam kết không vi phạm.
Hiểu rõ rủi ro và hệ quả, nhiều ngư dân đã thay đổi hành vi, chấp hành nghiêm quy định IUU, cùng chính quyền nỗ lực xây dựng nghề cá minh bạch, bền vững và hướng tới mục tiêu gỡ "thẻ vàng".
Ông Nguyễn Đình Ngọc, Chủ tàu cá tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Bà con ngư dân chúng tôi hiểu rất nhiều về ảnh hưởng của thẻ vàng IUU đến trực tiếp bà con ngư dân. Giá cả của cá, thủy hải sản đánh bắt được nó không tăng mà còn lại giảm, mà trong khi đó, nguyên liệu lại tăng lên. Điều đó khiến bà con đi làm hay bị thua lỗ cũng vì lí do đó.
Các lực lượng chấp pháp không chỉ là lá chắn vững chắc bảo vệ chủ quyền, mà còn giữ vai trò nòng cốt trong việc duy trì trật tự, an toàn và hỗ trợ bà con ngư dân chấp hành đúng quy định khi vươn khơi. Với tần suất tuần tra liên tục, các lực lượng này phát hiện và ngăn chặn kịp thời nhiều trường hợp tàu cá có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài, tháo thiết bị giám sát hành trình hay khai thác sai ngư cụ.
Tại các cảng cá, lực lượng biên phòng duy trì kiểm tra 24/24, trực tiếp thẩm định hồ sơ, kiểm soát thiết bị giám sát hành trình và ký cam kết không vi phạm IUU trước khi tàu xuất bến. Sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng chức năng và ngư dân là nền tảng để phát triển nghề cá bền vững, hiệu quả, gắn với bảo vệ chủ quyền và an ninh biển đảo quốc gia.
Thượng úy Đinh Hoàng Hải, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Bến Đầm, huyện Côn Đảo: Các phương tiện chấp hành tốt quy định của địa phương, Nhà nước. Ngoài ra, các phương tiện chấp hành nghiêm các thủ tục ra vào bến theo đúng quy định của pháp luật. Còn về mặt giấy tờ, chúng tôi tiến hành kiểm tra trực tiếp tại phương tiện, kiểm tra giấy tờ về người và phương tiện.
Anh Đoàn Minh Đức, Thuyền trưởng tàu đánh bắt cá cơm tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Riêng tàu cá của tôi luôn chấp hành những quy định của Nhà nước chỉ đạo là đánh bắt xa bờ nhưng không được đi vào phạm vi vùng biển nước ngoài.
Tiếp thu nghiêm túc các khuyến nghị từ Ủy ban châu Âu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác chống khai thác IUU. Tỉnh xác định rõ việc gỡ “thẻ vàng” không chỉ là yêu cầu đối ngoại, mà còn là điều kiện để phát triển nghề cá một cách bền vững, minh bạch và có trách nhiệm.
Các tồn tại trước đây như tàu “3 không”, mất tín hiệu VMS, thiếu hồ sơ truy xuất nguồn gốc… đã được xử lý quyết liệt. 100% tàu cá đủ điều kiện đã được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia; giám sát hành trình thực hiện nghiêm 24/7; tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài giảm mạnh, đến nay không còn tái diễn. Những chuyển biến rõ rệt này thể hiện quyết tâm của địa phương trong việc khắc phục triệt để các tồn tại, tiến tới sớm gỡ “thẻ vàng” và hội nhập sâu hơn với thị trường quốc tế.
Bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bà Rịa - Vũng Tàu: Cái thứ nhất là chúng tôi thực thi pháp luật một cách nghiêm túc. Tàu cá vi phạm là chúng tôi xử phạt. Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những tỉnh xử phạt tàu cá vi phạm nhiều nhất cả nước. Chính vì thế, sự chấp hành pháp luật của bà con ngư dân đã tốt lên hơn rất nhiều. Thứ 2 là chúng tôi chỉ đạo cho các tổ giám sát trực trạm bờ, khi tàu cá mất kết nối là trực tiếp gọi điện cho chủ tàu, thậm chí giữa đêm. Chính vì thế chủ tàu gọi điện cho thuyền trưởng đang khai thác ngoài biển để thông báo vị trí về trạm bờ theo quy định pháp luật.
Không chỉ chính quyền và ngư dân, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã chủ động vào cuộc, thể hiện rõ ý thức trách nhiệm trong việc chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU do EC cảnh báo. Việc mất thị trường châu Âu - vốn là thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng - đã tác động trực tiếp đến doanh thu, đơn hàng và uy tín thương hiệu của nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản.
Trước thực tế đó, nhiều doanh nghiệp đã siết chặt khâu thu mua, chỉ ký hợp đồng với những tàu có nguồn gốc khai thác hợp pháp, yêu cầu đầy đủ giấy tờ chứng minh hành trình khai thác và giám sát hành trình. Một số nhà máy còn đầu tư nâng cấp hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, đảm bảo tính minh bạch của từng lô hàng.
Ông Đào Ngọc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tứ Hải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Nếu như không đủ giấy tờ thì tôi không mua. Hiện nay tôi chưa bị tác động vì tôi xuất đi thị trường Châu Á nên người ta chưa quan tâm vấn đề đó. Nhưng người ta khuyến cáo tôi là tới đây người ta sẽ thực hiện vấn đề đó. Càng về sau này thì người ta khuyến cáo rất nhiều về vấn đề thẻ vàng IUU.
Việc gỡ “thẻ vàng” IUU không chỉ là yêu cầu bắt buộc để tuân thủ các cam kết quốc tế, mà còn là cơ hội lớn để ngành thủy sản Việt Nam bứt phá mạnh mẽ. Khi “thẻ vàng” được gỡ bỏ, cánh cửa vào thị trường châu Âu - nơi có giá trị cao và tiêu chuẩn khắt khe - sẽ được mở rộng trở lại, giúp doanh nghiệp khôi phục đơn hàng, nâng giá trị xuất khẩu, cải thiện hình ảnh thủy sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Gỡ “thẻ vàng” không chỉ là tháo gỡ rào cản, mà còn là bước chuyển để ngành thủy sản tiến tới phát triển dài hạn, có trách nhiệm và hội nhập sâu với thế giới.
Ông Nguyễn Thành Lộc, Chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Nếu được gỡ thẻ vàng IUU thì cơ hội cho ngành thủy sản Việt Nam và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển tốt. Các tổ chức quốc tế họ chứng nhận thì các nhà máy thủy sản và thức ăn thủy sản dễ vào thị trường châu Âu hơn. Tại vì khai thác vi phạm IUU thì không được chứng minh nguồn gốc nguyên liệu.
MC dẫn kết:
Thưa quý vị,
Từ một địa phương từng bị nhắc nhở về chậm khắc phục các tồn tại trong chống khai thác IUU, Bà Rịa - Vũng Tàu hôm nay đã cho thấy quyết tâm cao độ, sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền, lực lượng chức năng, doanh nghiệp đến từng ngư dân. Những nỗ lực ấy không chỉ nhằm gỡ “thẻ vàng” mà còn đặt nền móng cho một nghề cá minh bạch, có trách nhiệm và bền vững.
Gỡ được “thẻ vàng” không đơn thuần là mở lại cánh cửa xuất khẩu sang châu Âu mà là khẳng định vị thế, là cơ hội để thủy sản Việt Nam vươn xa hơn trên bản đồ thế giới.
Xin cảm ơn quý vị đã theo dõi. Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong các chương trình sau.