Theo thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa, với diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 647.000 ha, Thanh Hóa là một trong 6 tỉnh được lựa chọn để thực hiện Thỏa thuận ERPA được ký ngày 22/10/2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD).
Theo thỏa thuận, tổng giá trị chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO₂ tại vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 là 51,5 triệu USD, trong đó phần của Thanh Hóa dự kiến khoảng 8,389 triệu USD, tương đương 219,3 tỷ đồng.
Tính đến ngày 20/6/2025, tổng nguồn thu từ ERPA trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt 199,3 tỷ đồng.

Chi trả tiền ERPA tạo động lực để nhiều hộ dân chăm sóc, bảo vệ rừng tốt hơn. Ảnh: Thanh Tâm.
Từ năm 2023 đến nay, Ban Quản lý Quỹ bảo vệ, phát triển rừng và phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành chi trả đúng quy định cho các chủ rừng, bao gồm tổ chức, UBND cấp xã, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư.
Tổng số tiền đã được chi trả đến thời điểm hiện tại là 107,68 tỷ đồng, bằng 54,1% kế hoạch. Trong đó: 49,2 tỷ đồng đã được chi cho 31 tổ chức; 1,82 tỷ đồng cho 36 UBND cấp xã và 52,51 tỷ đồng cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Dự kiến đến hết năm 2025, toàn tỉnh sẽ giải ngân được 180,02 tỷ đồng, tương đương 90,45% kế hoạch.
Trong năm 2025, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Kế hoạch tài chính từ nguồn thu ERPA với tổng kinh phí gần 118 tỷ đồng. Trong đó, gần 45 tỷ đồng là phần kinh phí chưa sử dụng từ năm 2024 chuyển sang; số kinh phí dự kiến thu trong năm 2025 là gần 73 tỷ đồng.
Tổng diện tích rừng tự nhiên đủ điều kiện chi trả trong năm là 365.758. Mức chi trả thống nhất là 166.711 đồng/ha.
Tổng số chủ rừng hưởng lợi từ nguồn chi trả ERPA năm 2025 tại Thanh Hóa là 25.398 chủ rừng, trong đó có 25.301 hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư; 59 UBND cấp xã và 38 tổ chức.

Nguồn chi trả ERPA tạo động lực để ngành chức năng bám rừng, giữ rừng tốt hơn nữa. Ảnh: Thanh Tâm.
Tại Thanh Hóa, ERPA mang lại hiệu quả thiết thực trong giảm phát thải khí nhà kính, hỗ trợ bảo vệ rừng; để các chủ rừng nâng cao trách nhiệm, giảm thiểu tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp. Đối với các cộng đồng dân cư, nguồn thu từ ERPA giúp xây dựng các công trình thiết yếu, cải thiện chất lượng sống.