Chuyển mình từ tư duy đến hành động
Từng không phải là cái tên quen thuộc trong bản đồ nuôi tôm của Việt Nam, nhưng chỉ sau chưa đầy một thập kỷ, Quảng Ninh đã có bứt phá ngoạn mục, vươn lên trở thành một trong những địa phương dẫn đầu khu vực phía Bắc về phát triển ngành tôm ứng dụng công nghệ cao.
Sự chuyển mình ấy bắt nguồn từ tầm nhìn dài hạn của chính quyền địa phương: thay vì nuôi trồng theo mô hình truyền thống, manh mún, phân tán, Quảng Ninh xác định rõ định hướng phát triển là công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quảng Ninh sở hữu 32.000ha nuôi trồng thủy sản, diện tích nuôi tôm chiếm 25%. Ảnh: Nguyễn Thành.
Trên cơ sở đó, tỉnh tập trung vào hai đối tượng nuôi chủ lực là tôm thẻ chân trắng và tôm sú - phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của vùng ven biển. Không dừng lại ở định hướng, Quảng Ninh đã chủ động tái cấu trúc ngành nuôi tôm, đầu tư hạ tầng, khuyến khích doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị, đồng thời ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ (KHCN) trong toàn bộ quy trình nuôi trồng.
Công nghệ là chìa khóa vàng
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc đưa công nghệ vào sản xuất không chỉ là lựa chọn mà trở thành yếu tố sống còn. Quảng Ninh không đứng ngoài cuộc đua đó.
Tại nhiều địa phương ven biển từ Móng Cái đến Quảng Yên (cũ), các mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ngày càng phổ biến, dần thay thế hình thức quảng canh truyền thống. Tôm được nuôi theo quy trình VietGAP, tuần hoàn khép kín, có kiểm soát chặt chẽ các chỉ số môi trường như nhiệt độ, độ pH, hàm lượng oxy hòa tan, amoniac... tất cả đều được theo dõi qua hệ thống cảm biến kết nối Internet (IoT).
Đồng thời, các công nghệ như biofloc (sử dụng vi sinh để xử lý chất thải trong ao), phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) để dự báo môi trường, hệ thống tự động cho ăn theo cảm biến… đang được áp dụng rộng rãi, giúp giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất và kiểm soát chất lượng.
Kết quả là năng suất tôm bình quân của Quảng Ninh hiện đạt hơn 10 tấn/ha/vụ, nhiều mô hình thậm chí lên tới 25-30 tấn/ha/vụ.
Một yếu tố không thể không nhắc đến trong bước tiến của ngành tôm Quảng Ninh chính là khả năng làm chủ con giống - “gốc rễ” của chuỗi sản xuất.
Năm 2017, Tập đoàn Việt Úc, “ông lớn” trong ngành tôm Việt Nam, chính thức đặt chân đến huyện Đầm Hà (cũ), nay là xã Đầm Hà. Chỉ hai năm sau, lứa tôm giống đầu tiên mang thương hiệu Việt Úc Quảng Ninh ra đời, mở ra kỷ nguyên mới cho ngành tôm miền Bắc.

Công ty Việt Úc Quảng Ninh là đơn vị cung cấp gần 2 tỷ tôm giống mỗi năm. Ảnh: Nguyễn Thành.
Hiện nay, Công ty TNHH Việt Úc Quảng Ninh đã sản xuất trên 8 tỷ con giống, mỗi năm cung ứng ổn định 1,5-2 tỷ con cho các hộ nuôi trong tỉnh và các địa phương lân cận. Không chỉ cung cấp số lượng lớn, doanh nghiệp này còn tiên phong trong việc nghiên cứu, lai tạo giống tôm chịu lạnh, giải quyết bài toán “nghỉ đông” vốn là rào cản lớn của nghề nuôi tôm miền Bắc.
“Việc tạo ra giống tôm có khả năng sinh trưởng tốt trong điều kiện giá rét miền Bắc không chỉ giúp kéo dài chu kỳ sản xuất, mà còn mang lại lợi thế cạnh tranh rõ rệt về thời vụ, giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi”, ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt Úc, nhận định.
Chuyển đổi số thúc đẩy minh bạch và truy xuất
Không chỉ dừng lại ở sản xuất, Quảng Ninh còn đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ vào quản lý ngành nuôi trồng thủy sản. Tính đến tháng 6/2025, toàn tỉnh đã cấp 532 giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản, triển khai gắn mã định danh điện tử cho từng cơ sở, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử cho toàn ngành nuôi tôm.
Hệ thống này không chỉ giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, giám sát dịch bệnh, mà còn hỗ trợ thống kê, quản lý rủi ro và đặc biệt là nâng cao độ tin cậy của sản phẩm trên thị trường. Đây chính là nền tảng để Quảng Ninh từng bước xây dựng thương hiệu "tôm sạch Quảng Ninh", đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU hay Hoa Kỳ.
Trong hành trình hiện đại hóa ngành tôm, Quảng Ninh không đi một mình. Tỉnh xác định rõ vai trò của doanh nghiệp và người dân là trung tâm, còn chính quyền đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt và hỗ trợ.
Nhiều mô hình hợp tác kiểu mới đang được triển khai hiệu quả, Cụ thể, doanh nghiệp cung cấp giống, công nghệ và bao tiêu sản phẩm; nông dân tập trung nuôi theo quy trình chuẩn, được đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên. Cách làm này không chỉ giúp kiểm soát chất lượng đầu vào, đầu ra một cách đồng bộ, mà còn gia tăng giá trị sản phẩm, ổn định thu nhập cho người dân.

Toàn tỉnh đã cấp 532 giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản, triển khai gắn mã định danh điện tử cho từng cơ sở. Ảnh: Nguyễn Thành.
Quảng Ninh cũng đã bắt đầu thử nghiệm mô hình nuôi tôm hữu cơ, xây dựng chuỗi giá trị khép kín và hướng tới chứng nhận quốc tế. Đây là một hướng đi đầy tiềm năng trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng, sự bền vững và yếu tố “xanh” trong thực phẩm.
Khẳng định vai trò đầu tàu khu vực
Theo Đề án phát triển chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030, ngành nuôi tôm sẽ phát triển theo hướng công nghệ cao, hiện đại, với mục tiêu trên 50% sản lượng nuôi theo mô hình tuần hoàn hoặc bán tuần hoàn. Tất cả cơ sở sẽ được gắn mã định danh, truy xuất nguồn gốc, và đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Biển, Hải đảo và Thủy sản, Kiểm ngư Quảng Ninh, cho biết, Quảng Ninh thu 30.000 tấn tôm mỗi năm, chiếm khoảng 30% tổng sản lượng thủy sản của toàn tỉnh, không chỉ phản ánh quy mô ngành mà còn khẳng định giá trị kinh tế mà nghề nuôi tôm mang lại. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy sự đúng đắn trong chiến lược phát triển dựa vào công nghệ và sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.
Với lợi thế địa lý gần các trung tâm tiêu thụ lớn và cửa ngõ xuất khẩu sang Trung Quốc, cùng với chiến lược phát triển bền vững, ngành tôm công nghệ cao tại Quảng Ninh đang dần chiếm lĩnh vị thế vững chắc tại miền Bắc, từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Có thể nói, Quảng Ninh hôm nay là hình mẫu cho cách làm bài bản, khoa học và hợp thời. Với quyết tâm và nền tảng đã có, vùng đất này hoàn toàn có thể mơ đến mục tiêu xa hơn, trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu tôm chất lượng cao.
Theo số liệu từ Chi cục Biển, Hải đảo và Thủy sản, Kiểm ngư, tính đến tháng 6/2025, toàn tỉnh có 32.000ha nuôi trồng thủy sản, diện tích nuôi tôm của tỉnh chiếm gần 25% với khoảng 2.250 cơ sở nuôi tôm, phân bố chủ yếu tại các địa phương ven biển. Năm 2025, ngành nông nghiệp Quảng Ninh phấn đấu tổng sản lượng thủy sản cả năm đạt 175.000 tấn, riêng tôm nuôi đặt mục tiêu chiếm trên 25% tổng sản lượng.