Toàn tỉnh chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu neo đậu
Quảng Ninh với hơn 6.000 tàu cá đang hoạt động, chỉ có vỏn vẹn 5/11 khu neo đậu được công bố đủ điều kiện tránh trú bão. Điều này không chỉ là nỗi lo riêng của người dân vùng biển, mà đang đặt ra yêu cầu cấp thiết với các cấp chính quyền, đặc biệt trong bối cảnh mùa mưa bão đã kề cận.

Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại Đặc khu Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.
Nhìn về đảo Cô Tô, nơi được kỳ vọng trở thành điểm sáng trong hệ thống hậu cần nghề cá khu vực Đông Bắc, thực trạng hiện tại đang cho thấy một nghịch lý không dễ tháo gỡ. Cảng cá Cô Tô, khởi công từ năm 2009 và hoàn thành năm 2018, với tổng vốn đầu tư hơn 527 tỷ đồng, sau khi đưa vào khai thác nơi bộc lộ nhiều bất cập trong hệ thống cơ sở hạ tầng, như chưa tận dụng được hết công suất, thiếu đồng bộ và chưa đáp ứng được yêu cầu tránh trú bão cho tàu cá công suất lớn.
Tình trạng này buộc tỉnh và các cơ quan chức năng phải tính đến phương án mới. Ngày 27/12/2023, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phê duyệt Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Cô Tô với tổng mức đầu tư gần 660 tỷ đồng.
Dự án sẽ được triển khai với quy mô cấp vùng, đáp ứng nhu cầu neo đậu cho 1.200 tàu cá, trong đó có cả tàu công suất đến 800 CV. Hạng mục đầu tư bao gồm âu tàu, đê chắn sóng, đường kết nối, điểm lên xuống tàu và hệ thống luồng lạch. Khi hoàn thành, nơi đây được kỳ vọng sẽ giải tỏa phần nào áp lực thiếu chỗ neo đậu cho tàu thuyền tại khu vực Cô Tô và lân cận.
Không riêng Cô Tô, hệ thống khu neo đậu tránh trú bão toàn tỉnh Quảng Ninh cũng đang trong tình trạng “quá tải”. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, hiện mới chỉ có 5 khu neo đậu được công bố đủ điều kiện hoạt động: Quang Hanh, Cái Rồng (Vân Đồn), Vụng Sú Thoi Dây (Đầm Hà), Quảng Hà và Tiên Yên. Tổng công suất chỉ khoảng 1.713 tàu, đáp ứng chưa đầy 30% nhu cầu toàn tỉnh. Vào mùa bão, hàng loạt tàu công suất lớn không tìm được nơi neo đậu, buộc phải trú tạm ở các bãi nhỏ, cửa sông nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, ông Phan Thanh Nghị, thẳng thắn nhìn nhận: “Nguyên nhân chính vẫn là bài toán vốn. Các khu neo đậu đều cần nguồn ngân sách lớn, từ 100 đến 200 tỷ đồng/khu. Trong khi đó, khả năng cân đối vốn hằng năm của tỉnh và Trung ương còn hạn chế, khiến tiến độ triển khai bị kéo dài, thậm chí đình trệ”.
Cần một chiến lược dài hơi
Không thể phủ nhận, những nỗ lực của Quảng Ninh trong việc củng cố hạ tầng nghề cá đã và đang được đẩy mạnh. Tuy nhiên, để có một mạng lưới khu neo đậu tránh trú bão thực sự đồng bộ, đủ sức chống chọi với biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, tỉnh cần một chiến lược đầu tư bài bản hơn, từ quy hoạch, phân kỳ đầu tư, đến huy động đa dạng nguồn lực xã hội hóa.

Quảng Ninh có 5 khu neo đậu được công bố đủ điều kiện hoạt động, công suất khoảng 1.700 tàu, chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu toàn tỉnh. Ảnh: Nguyễn Thành.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Minh Sơn khẳng định, các khu neo đậu không chỉ phục vụ tránh trú bão, mà còn là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị thủy sản. Sở đang phối hợp cùng các ngành liên quan để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, đồng thời rà soát kỹ nhu cầu thực tế của ngư dân để quy hoạch chi tiết, tránh tình trạng đầu tư dàn trải mà không phát huy hiệu quả.
Song song với đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường đang huy động nguồn lực xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư, quản lý và khai thác theo cơ chế PPP (đối tác công - tư) kết hợp khu neo đậu với các dịch vụ hậu cần nghề cá.
Sở cũng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ với địa phương và cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ thẩm định, lập chủ trương đầu tư, hướng dẫn hồ sơ công bố các vị trí đủ điều kiện hoạt động cho các khu đã hoàn thiện hạ tầng.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cần ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả theo dõi, hướng dẫn neo đậu, cảnh báo thiên tai, hỗ trợ ngư dân tìm vị trí an toàn và di chuyển kịp thời khi có tình huống khẩn cấp.
Đồng thời rà soát và thông báo các điểm neo đậu tự nhiên có điều kiện phù hợp để ngư dân chủ động tránh trú khi thời tiết chuyển biến nhanh, đặc biệt là những tình huống không kịp trở về khu neo đậu chính thức.
Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 03/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh có 11 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, gồm 2 khu neo đậu kết hợp cảng cá cấp vùng và 9 khu neo đậu tránh trú bão cấp tỉnh, gồm:
Khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng kết hợp cảng cá loại I tại Đặc khu Vân Đồn; Khu neo đậu tránh trú bão cho cấp vùng tại Đặc khu Cô Tô kết hợp cảng cá loại II; Khu neo đậu tránh trú bão Hòn Gai kết hợp cảng cá loại II; Khu neo đậu tránh trú bão Tiến Tới kết hợp cảng cá loại III;
Khu neo đậu tránh trú bão Cửa sông Cái Mắt; Khu neo đậu tránh trú bão Vụng Sú Thoi Dây; Khu neo đậu tránh trú bão Cẩm Thủy; Khu neo đậu tránh trú bão Vĩnh Trung;
Khu neo đậu tránh trú bão Vụng Ổ Lợn; Khu neo đậu tránh trú bão Bến Xưởng; Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền hoạt động nghề cá giai đoạn I ở xã Quảng Hà.