Là cảng cá loại II của tỉnh Quảng Ngãi, cảng Mỹ Á đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thủy sản - một mắt xích thiết yếu trong chuỗi quản lý khai thác bền vững, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Thế nhưng, suốt thời gian dài trước đây, cảng gần như “tê liệt” do luồng lạch bị bồi lấp, tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên không thể ra vào an toàn.

Cảng cá Mỹ Á đang hồi sinh từng ngày. Ảnh: Võ Hà.
Từng một thời, ngay giữa chính vụ đánh bắt, cảnh tượng đìu hiu phủ bóng lên bến cá. Thủy triều nhiều lúc thấp, đi vào dễ mắc cạn, gặp sóng gió thì nguy hiểm. Tàu phải canh nước lớn mới dám vào, nên mọi việc đều bị trễ.
“Hoạt động của chủ tàu và người mua cá không thuận lợi. Tàu phải chuyển hàng đến các cảng ở Đà Nẵng, Khánh Hòa. Mỗi chuyến như vậy tốn thêm nhiều chi phí: xe cộ, xăng dầu, nhân công, rồi tiền ăn ở…”, ngư dân Nguyễn Thành Lin chia sẻ.
Không chỉ ngư dân gặp khó, cả chuỗi dịch vụ hậu cần nghề cá tại địa phương cũng bị ảnh hưởng. Hàng trăm lao động làm nghề bốc cá, vá lưới, phân loại hải sản phải tạm nghỉ việc, thu nhập bấp bênh.
Theo ông Nguyễn Đình Trung - Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Quảng Ngãi, từ giữa tháng 5/2025, tỉnh Quảng Ngãi đã bố trí 3 tỷ đồng từ ngân sách để triển khai dự án nạo vét luồng lạch cửa biển Mỹ Á. Dự án có chiều dài 300m, đáy luồng rộng 60m, độ sâu nạo vét đạt 4m. Sau hơn một tháng thi công, hơn 34.000m³ cát đã được nạo vét, giúp khơi thông toàn bộ luồng tuyến chính, tạo điều kiện cho tàu thuyền ra vào thuận lợi.
Sự thay đổi đến nhanh chóng. Những ngày gần đây, cảng cá Mỹ Á đã trở lại nhịp điệu vốn có: máy tàu rền vang từ sáng sớm, xe đông lạnh tấp nập lấy hàng, tiếng cười nói của ngư dân hòa vào mùi mặn mòi của biển.
Vừa cập bến sau gần 20 ngày vươn khơi tại Trường Sa, ông Trần Văn Hiếu (phường Trà Câu) hớn hở: “Trước đây tàu lớn không cập được, phải đưa về cảng khác rồi chạy xe máy về nhà. Mỗi lần như vậy cực và tốn kém lắm. Giờ thì luồng sâu, cập cảng nhà được, tiện trăm bề”.
Không còn cảnh chờ con nước, không cần tàu lai dắt, nhiều tàu cá giờ chỉ mất vài phút là có thể rời bến. Trên bến, những người phụ nữ làng chài lại rộn ràng bốc cá, phân loại, vá lưới… có thêm thu nhập để lo cho gia đình.
Khơi thông cửa biển không chỉ giúp nghề cá phục hồi mà còn góp phần quan trọng trong công tác quản lý khai thác, chống IUU. Khi tàu thuyền cập đúng cảng tại địa phương, công tác giám sát sản lượng, nhật ký khai thác, truy xuất nguồn gốc thủy sản sẽ hiệu quả hơn nhiều. Đây là điều kiện quan trọng để Quảng Ngãi thực hiện nghiêm các cam kết quốc tế, gỡ thẻ vàng IUU và xây dựng nghề cá bền vững”.
Từ một cảng cá bị bồi lấp, ngưng trệ sản xuất, nay Mỹ Á đang hồi sinh mạnh mẽ. Những con tàu lại ra khơi đầy ắp cá tôm, mang theo hy vọng của bao gia đình ven biển, và cả cam kết của địa phương trong việc phát triển nghề cá có trách nhiệm, gắn khai thác với bảo vệ tài nguyên biển.