Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, tính từ ngày 21/6 đến nay, đơn vị đã phối hợp với chính quyền các địa phương trong tỉnh vớt và tiêu hủy 117 xác lợn chết tại các tuyến kênh mương đi qua các xã Định Hưng, Đông Quang, Thiệu Trung, Sao Vàng...
Ông Đặng Trường Giang, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, cho biết: Sau khi nhận được chỉ đạo, cán bộ Chi cục đã trực tiếp xuống hiện trường để lấy mẫu bệnh phẩm, phục vụ công tác xác định nguyên nhân lợn chết.
“Tuy nhiên, các mẫu bệnh phẩm đều đã bị phân hủy nặng, nên không thể xác định được mầm bệnh. Dù vậy, nguy cơ phát sinh dịch bệnh vẫn hiện hữu nếu người dân tiếp tục tái diễn hành vi vứt xác động vật xuống kênh mương. Hiện nay, Chi cục đang phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức vớt và tiêu hủy xác lợn chết đúng nơi quy định để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh”, ông Giang cho hay.

Xác lợn chết được ném xuống kênh mương, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Quốc Toản.
Ông Khương Bá Luận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Chu, cho biết: Có tình trạng, người cố tình chọn những đoạn kênh hẻo lánh, ít người qua lại để vứt xác lợn, đồng thời không khai báo với chính quyền địa phương.
Mặc dù chưa xác định được nguyên nhân gây chết cụ thể, nhưng tình trạng này gây nhiều lo ngại về vệ sinh môi trường và an toàn dịch tễ. người dân vứt xác lợn chết xuống kênh mương là hành vi thiếu ý thức, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
“Chúng tôi đã cử lực lượng túc trực tại các chi nhánh, trên các tuyến kênh dẫn nước chính để kịp thời vớt xác động vật chết, chủ yếu là lợn. Hành vi vứt xác động vật xuống kênh mương không chỉ khiến môi trường bị ô nhiễm mà còn ảnh hưởng đến chất nước phục vụ cho các nhà máy nước. Vì vậy, không thể xem nhẹ mức độ ảnh hưởng của hành vi trên. Chúng tôi đã gửi văn bản đề nghị các địa phương phối hợp xử lý dứt điểm, nhưng theo theo dõi thực tế, tình trạng này vẫn tiếp diễn” ông Luận cho biết.
Ông Luận đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Công an tỉnh, cần vào cuộc điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các hành vi cố tình gây ô nhiễm môi trường.
Cũng liên quan tới nội dung trên, mới đây, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa Cao Văn Cường cùng đoàn công tác của Sở đã thị sát tại nhiều tuyến kênh trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo phương án xử lý.
Qua thực tế, ông Cường yêu cầu các đơn vị chuyên môn thuộc ngành nông nghiệp tăng cường phối hợp với chính quyền các địa phương để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ đây là hệ thống kênh lưỡng dụng, vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa cung cấp nước thô cho nhà máy xử lý nước sạch phục vụ sinh hoạt. Từ đó, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh động vật.
Cơ quan quản lý, chính quyền địa phương vận động người chăn nuôi khi phát hiện vật nuôi có dấu hiệu ốm, chết cần kịp thời báo cáo chính quyền địa phương để được hướng dẫn tiêu hủy, xử lý đúng quy định; tuyệt đối không vứt xác động vật ra môi trường như sông, hồ chứa, kênh mương, ruộng... gây lây lan dịch bệnh, ô nhiễm nguồn nước.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa thị sát các tuyến kênh, chỉ đạo việc xử lý môi trường bị ô nhiễm bởi xác động vật chết. Ảnh: Quốc Toản.
Giám đốc Sở yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y tập trung rà soát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt chú ý đến dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vứt xác động vật ra môi trường, đặc biệt là tại các tuyến sông, hồ chứa, kênh mương.
Các lực lượng chức năng cấp xã, phường như công an và ban ngành liên quan cần đẩy mạnh công tác quản lý địa bàn, đấu tranh, phát hiện và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.
Các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi cũng cần chủ động phối hợp với UBND xã, phường để thường xuyên bám sát địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp xác động vật chết, rác thải gây ảnh hưởng đến nguồn nước trên các tuyến kênh, sông, hồ chứa theo đúng quy định.
Về lâu dài, các đơn vị chuyên môn cần nghiên cứu, đề xuất đầu tư hệ thống kênh dẫn nước khép kín nhằm đảm bảo nguồn nước cấp cho các nhà máy xử lý nước sạch, phục vụ sinh hoạt của người dân đạt chất lượng và an toàn.