Gánh nặng trên vai những cán bộ thú y
Khác với những con số ấn tượng về phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi tại TP. Hải Phòng (mới) trong suốt một thập kỷ qua là những gian truân, áp lực mà đội ngũ cán bộ thú y ở cơ sở - những “người lính” trên mặt trận không tiếng súng - đang phải đối mặt hàng ngày.
Họ chính là những người trực tiếp biến chủ trương thành hành động, nhưng cũng là người gánh chịu nhiều thách thức nhất từ thực tiễn, từ cơ chế chính sách đến điều kiện làm việc.

Lực lượng thú y viên cấp xã có chế độ đãi ngộ thấp nhất trong hệ thống nhưng công việc thường rất vất vả. Ảnh: Đinh Mười.
Khó khăn lớn nhất, được nêu rõ trong báo cáo của các địa phương hàng năm là tình trạng thiếu hụt nhân lực và chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, nhất là cán bộ thú y viên cấp xã. Mức phụ cấp cho nhân viên thú y cấp xã chỉ dao động từ 1,0 - 1,1 hệ số lương cơ sở, một con số quá khiêm tốn so với tính chất công việc vất vả, thường xuyên phải tiếp xúc với mầm bệnh và đối mặt với rủi ro cao.
Ông Trần Sinh Thanh, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y Kiến Thụy (cũ) chia sẻ: “Anh em chúng tôi làm không kể ngày đêm, lễ Tết vì dịch bệnh thì không chờ ai cả. Nhưng nhìn lại chế độ đãi ngộ thì thực sự chạnh lòng, nhiều cán bộ có chuyên môn giỏi, nhiệt huyết ở cơ sở, sau vài năm cống hiến đã phải bỏ nghề vì không thể trang trải cuộc sống. Nếu không có sự thay đổi đột phá về cơ chế cho nhân lực thú y, rất khó giữ chân người tài và đảm bảo chất lượng công việc lâu dài”.
Ở cấp cơ sở, lực lượng chuyên trách mỏng đến mức báo động, đơn cử như Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng (cũ) chỉ có 5 công chức làm nhiệm vụ kiểm dịch, nhưng phải gánh khối lượng công việc khổng lồ với hơn 10.000 bộ hồ sơ kiểm dịch mỗi năm, chưa kể kiểm soát giết mổ. Tình trạng này buộc họ phải “xé rào” ủy quyền cho viên chức, một giải pháp tình thế nhưng có lúc, có nơi chưa phù hợp.
Trong khi đó, ở cấp cơ sở, về cơ bản, hệ thống thú y cơ sở tại TP. Hải Phòng vẫn hoạt động có hiệu quả nhưng đang đối mặt với một thực trạng đáng buồn về chế độ đãi ngộ, tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt thế hệ kế cận, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.
Đơn cử như trường hợp bà Lưu Thị Duyên, phường An Phong, TP. Hải Phòng (phường Tân Tiến cũ), một thú y viên đã hơn 60 tuổi với 40 năm gắn bó với nghề, là một minh chứng điển hình. Bà Duyên cho biết, đã gắn bó vag cống hiến gần cả cuộc đời cho lĩnh vực thú y, nhưng mức phụ cấp chỉ tăng từ 350.000 đồng lên chưa được 2 triệu đồng/tháng sau gần bốn thập kỷ.
Với bà Duyên và nhiều đồng nghiệp, việc bám trụ với nghề không chỉ dựa vào đồng phụ cấp ít ỏi, mà chủ yếu nhờ tình yêu nghề, sự tin tưởng của người dân và làm thêm các dịch vụ khác để trang trải cuộc sống.
Theo ông Nguyễn Văn Kính - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện An Dương (cũ), vai trò của lực lượng thú y xã là vô cùng quan trọng, nhưng chế độ đãi ngộ quá thấp so với đóng góp của họ, khiến nhiều người xin nghỉ.
Nhiều năm trở lại đây, một trong những vấn đề khiến ông Kính lo lắng là nguy cơ đứt gãy thế hệ kế cận. Hiện tại, lực lượng thú y tại các xã đều đã lớn tuổi, trong khi lớp trẻ gần như không có. “Chúng tôi lo lắng thế hệ bây giờ về nghỉ sẽ không biết tìm thế hệ kế cận ở đâu".
Cũng theo ông Kính, nguyên nhân sâu xa là do chế độ đãi ngộ chưa tốt, thiếu sự ghi nhận đúng đắn của xã hội, và không có chế độ lương hưu, khiến ngành thú y cơ sở khó thu hút được nhân lực trẻ.
Trước thực trạng này, UBND TP. Hải Phòng (cũ) đã có kế hoạch cụ thể tăng cường năng lực hệ thống thú y giai đoạn 2021-2030, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và kiện toàn, củng cố hệ thống.

Ông Trần Sinh Thanh - Trạm trưởng Trạm chăn nuôi, thú y huyện Kiến Thụy (cũ,8, người mặc áo xanh, trong một lần trực chốt kiểm dịch với địa phương. Ảnh: Đinh Mười.
Không chỉ khó khăn về mặt chế độ, áp lực công việc với những cán bộ thú y ở cơ sở còn đến từ thiếu thốn cơ sở vật chất và trang thiết bị. Trong khi một số nơi được đầu tư hiện đại, nhiều trạm cơ sở và phòng thí nghiệm vẫn đang sử dụng những thiết bị đã hết hạn sử dụng từ trước năm 2005.
Báo cáo của ngành chăn nuôi và thú y Hải Dương (cũ) thẳng thắn chỉ ra phòng thí nghiệm của Chi cục chỉ được trang bị các thiết bị cơ bản, đã cũ, không đủ năng lực để thực hiện các xét nghiệm phức tạp, phải gửi mẫu lên tuyến trên, gây chậm trễ trong công tác chẩn đoán, phản ứng với dịch bệnh. Trong khi đó, báo cáo của Hải Phòng dù có sự đầu tư tốt hơn nhưng so với yêu cầu thực tế thì vẫn còn khiêm tốn.
Những “điểm nghẽn” cần được khơi thông
Nếu những khó khăn của đội ngũ tuyến đầu là vấn đề nội tại, thì những “điểm nghẽn” mang tính hệ thống lại là rào cản lớn đối với sự phát triển bền vững của toàn ngành và nút thắt lớn nhất được các địa phương đều đề cập chính là khâu giết mổ.
Toàn thành phố Hải Phòng mới sau sáp nhập, cộng lại có tới trên 2.200 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, nằm phân tán trong khu dân cư, trong khi chỉ có 9 cơ sở giết mổ tập trung. Tỷ lệ cơ sở giết mổ tập trung chỉ chiếm vỏn vẹn 0,4%.

Những chuyến hàng bán lẻ như thế này, thông thường sẽ được mang ra chợ dân sinh và mổ luôn tại chỗ mà không có sự kiểm soát của lực lượng thú y. Đây là một trong những nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh. Ảnh: Đinh Mười.
Đây là một “quả bom nổ chậm” về an toàn thực phẩm và dịch tễ. Nguyên nhân của tình trạng này, theo các địa phương là do việc thiếu quỹ đất sạch, vướng mắc trong quy hoạch, chính sách ưu đãi chưa đủ hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp, dẫn đến một vòng luẩn quẩn khó lối thoát.
Một “điểm nghẽn” khác là sự thiếu đồng bộ trong mô hình tổ chức hệ thống thú y giữa hai địa phương cũ. Một bên là mô hình ngành dọc chuyên nghiệp, một bên là mô hình sáp nhập các trạm chuyên ngành vào Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện, nơi cán bộ thú y có thể phải kiêm nhiệm nhiều việc. Sự khác biệt này tạo ra “độ vênh” trong chỉ đạo chuyên môn, làm giảm hiệu quả thực thi chính sách trên quy mô toàn thành phố, đặc biệt khi có dịch bệnh lớn xảy ra.
Thêm vào đó, những bất cập trong cơ chế phối hợp liên ngành cũng là một rào cản lớn. Lực lượng thú y tại các chốt kiểm dịch không có thẩm quyền dừng phương tiện để kiểm tra, phải phụ thuộc hoàn toàn vào công an, quản lý thị trường.
Đơn cử như tại chốt Kiểm dịch động vật Cầu Đá Bạc chỉ có lực lượng thú y, điều này gây khó khăn rất lớn trong việc thực thi nhiệm vụ. Sự phối hợp thiếu thường xuyên, thiếu chủ động đã tạo ra những kẽ hở để động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không kiểm dịch dễ dàng lọt qua, đe dọa thành quả phòng dịch chung mà thành phố đã dày công xây dựng.