Đầu tư lớn và vào cuộc quyết liệt
Việc sáp nhập đã mở ra cho TP. Hải Phòng một không gian phát triển mới trên cơ sở kết hợp lợi thế, tiềm năng của cả 2 địa phương. Trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y, cả Hải Phòng (cũ) và Hải Dương (cũ) đều đã kiến tạo được nền tảng vững chắc, tạo nền móng cho sự phát triển bền vững, trong đó đáng chú ý nhất chính là chặng đường gần một thập kỷ thi hành Luật Thú y 2015.

Một trang trại chăn nuôi khép kín, được thực hiện các quy trình phòng dịch bệnh nghiêm ngặt tại Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.
Theo báo cáo từ các địa phương, thành tựu mang tính nền tảng nhất trong một thập kỷ qua của lĩnh vực thú y ở Hải Phòng chính là việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, với tổng cộng 49 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh được ban hành (10 nghị quyết của HĐND và 39 quyết định của UBND), qua đó đã giúp thiết lập được hành lang pháp lý khá toàn diện.
Trong những thời điểm dịch bệnh phức tạp nhất, tổng kinh phí hỗ trợ người dân và khống chế các đại dịch đã lên tới con số kỷ lục là hơn 1.370 tỷ đồng. Trong đó, riêng chi cho khống chế dịch tả lợn Châu Phi và cúm gia cầm đã hơn 1.340 tỷ đồng.
Các văn bản này không chỉ là những trang giấy, mà là “luật chơi” rõ ràng, minh bạch cho toàn ngành, bao trùm mọi hoạt động từ chính sách phòng chống dịch, quy hoạch vùng chăn nuôi, kiểm soát giết mổ, quản lý thuốc thú y cho đến các chính sách hỗ trợ cụ thể khi có dịch bệnh xảy ra. Sự hoàn thiện về thể chế này đã tạo ra sự đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành, là tiền đề cho mọi hoạt động liên quan sau này.
Cùng với việc thiết lập hành lang pháp lý, các địa phương cũng có sự đầu tư nguồn lực tài chính tương xứng để đưa Luật Thú y vào cuộc sống với tổng kinh phí ngân sách thường niên bố trí cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật đạt trên 252 tỷ đồng. Số tiền này được chi cho các hoạt động thiết yếu như mua vaccine, hóa chất khử trùng, vận hành hệ thống giám sát và chi trả cho nhân lực.
Trong đó, riêng của Hải Phòng (cũ), ngân sách thành phố đã bố trí tổng kinh phí lên đến 144 tỷ đồng cho kế hoạch phòng, chống dịch bệnh hàng năm. Còn tỉnh Hải Dương (cũ) cũng dành tới hơn 107 tỷ đồng và hàng trăm tỷ đồng kinh phí hỗ trợ người chăn nuôi bị tiêu hủy động vật do dịch bệnh.
“Con số đầu tư hơn một nghìn tỷ đồng trong giai đoạn khủng hoảng dịch tả lợn Châu Phi không chỉ là tiền. Đó là niềm tin, là sự cam kết của chính quyền với người dân. Nó đã trở thành liều thuốc tinh thần, một chiếc phao cứu sinh giúp ngành chăn nuôi không sụp đổ mà còn có cơ hội tái cấu trúc mạnh mẽ hơn. Đây chính là minh chứng rõ nhất cho vai trò kiến tạo và trách nhiệm xã hội của Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp”, một lãnh đạo Chi cục Thủy sản, Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng cho hay.

Công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi tại Hải Phòng nhận được sự quan tâm từ chính quyền. Ảnh: Đinh Mười.
Bên cạnh đó, để Luật Thú y năm 2015 thực sự đi vào cuộc sống, một chiến dịch truyền thông sâu rộng với hơn 105 hội nghị, lớp tập huấn với sự tham gia của gần 7.000 lượt người, từ cán bộ quản lý đến các chủ trang trại, hộ chăn nuôi, đã được tổ chức. Nội dung không chỉ dừng ở việc phổ biến luật mà còn đi sâu vào hướng dẫn kỹ thuật, quy trình an toàn sinh học.
Cùng với đó, hơn 74.000 tờ rơi, 120 áp phích và hàng nghìn tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng đã giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, biến mỗi người chăn nuôi thành một mắt xích chủ động trong hệ thống phòng dịch.
Bước đầu tạo được “lá chắn thép” bảo vệ đàn vật nuôi
Từ sự quan tâm và sự đầu tư lớn, các địa phương đã hình thành được một “lá chắn thép” thực thụ để bảo vệ đàn vật nuôi gần 2,8 triệu con lợn và trên 304 triệu con gia cầm mà trụ cột chính là công tác tiêm phòng vaccine có trọng tâm, trọng điểm.
Việc duy trì tỷ lệ tiêm phòng các bệnh bắt buộc luôn đạt từ 70-80% trong diện tiêm đã tạo ra một vành đai miễn dịch cộng đồng vững chắc, giúp thành phố cơ bản khống chế được nhiều dịch bệnh nguy hiểm, giảm thiểu tối đa thiệt hại kinh tế.
Song song đó, công tác giám sát dịch bệnh được xem là “tai mắt” của ngành, các địa phương đã thu thập và xét nghiệm hơn 100.000 mẫu bệnh phẩm động vật trên cạn và hơn 7.400 mẫu thủy sản. Qua đó đã giúp phát hiện sớm, cảnh báo nhanh và khoanh vùng gọn các ổ dịch, đặc biệt, sự hiện diện của phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025 tại Hải Phòng (cũ), với năng lực thực hiện gần 40 phép thử sinh học và hóa học, nay sẽ trở thành trung tâm chẩn đoán đầu não, hiện đại cho toàn thành phố mới, đảm bảo kết quả chính xác và kịp thời.

Việc tiêm vaccine được thực hiện rộng khắp cho đàn vật nuôi, luôn đạt từ 70 đến trên 80% số lượng đàn thuộc diện phải tiêm. Ảnh: Đinh Mười.
Theo Chi cục Thủy sản, Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng, một trong những thành tựu đặc biệt đáng tự hào trong công tác của ngành trong một thập kỷ qua là xây dựng thành công 100 cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh (ATDB). Đây không chỉ là những “pháo đài xanh”, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học, mà còn là những đầu tàu dẫn dắt ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại. Các cơ sở này chính là tấm vé thông hành để sản phẩm chăn nuôi của các địa phương vươn ra các thị trường khó tính, nâng cao giá trị và khẳng định thương hiệu.
Ngay cả trong khâu kiểm soát lưu thông, giai đoạn vừa qua, ngành thú y đã kiểm dịch cho hơn 115 triệu con giống gia súc, cấp gần 90.000 giấy chứng nhận. Qua đó đã góp phần ngăn chặn mầm bệnh lây lan qua con đường vận chuyển.
Một điểm khá ấn tượng nữa trong thập kỷ qua trong lĩnh vực thú y của Hải Phòng chính là cách mà các địa phương đã vượt qua đại dịch dịch tả lợn Châu Phi năm 2019 với hơn 576.000 con lợn phải tiêu hủy (tính chung cho cả Hải Dương và Hải Phòng). Sau trận đại dịch này, lĩnh vực chăn nuôi của các địa phương đã kiên trì, bản lĩnh vươn lên mạnh mẽ hơn. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy cho hiệu quả của chiến lược đầu tư toàn diện và sự kiên cố của “lá chắn” phòng dịch đã được dày công xây dựng trong suốt một thập kỷ qua.
Sau khi sáp nhập, vùng Hải Phòng - Hải Dương đã trở thành một trung tâm chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản quy mô lớn. Về chăn nuôi, toàn vùng sở hữu một tổng đàn đàn gia cầm lên tới 17,45 triệu con, đàn lợn hơn 457.900 con và đàn trâu, bò gần 20.000 con. Cơ cấu sản xuất đa dạng với hơn 57.200 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, con chăn nuôi quy mô trang trại chuyên nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt tại khu vực Hải Phòng với 1.084 trang trại, chiếm hơn 51% tổng đàn lợn và gia cầm. Trong lĩnh vực thủy sản, toàn vùng có tổng diện tích nuôi trồng đạt hơn 12.627 ha cùng khoảng 8.000 lồng, bè.